Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chàng tân cử nhân quỳ gối cảm ơn trước xe rác của cha
Thứ tư: 09:05 ngày 26/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Câu chuyện của anh chàng tân cử nhân Kanangnalong vừa tốt nghiệp đại học quỳ gối trước chân cha bên cạnh xe rác đang làm xúc động đông đảo giới trẻ Thái Lan và nhiều nước Châu Á.

Cha của Kanangnalong là một người lái xe chở rác. Cũng như bao đứa trẻ khác, từ khi còn bé, cậu luôn tự ti và mặc cảm về công việc của cha mình.

Chàng trai từng tự hỏi vì sao cha không làm một công việc danh giá như những người cha của bạn bè, vì sao cha lại không ăn mặc bảnh bao, lịch thiệp như người khác mà luôn mặc những bộ quần áo cũ mèm, đôi khi còn bị ám thêm mùi rác rất khó chịu.

Kanangnalong cũng hay bị bạn bè châm chọc về nghề nghiệp của ông, họ thường giễu cợt cậu là con trai của một người chở rác. Cũng vì thế mà cậu trở nên nhút nhát, rụt rè.

Khi lớn hơn một chút, hiểu biết hơn về những khó khăn trong cuộc sống và sự vất vả của cha, Kanangnalong đã hoàn toàn thay đổi cái suy nghĩ ngớ ngẩn đó.

Cậu càng lúc càng thương cha mình hơn. Cha của cậu sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, đến bữa cơm cũng không được ăn no. Hết lớp 4, ông phải nghỉ học để phụ bố mẹ làm đồng, trông em dù thành tích ở trường rất tốt.

Bởi vì đã trải qua một tuổi thơ bất hạnh nên ông mong muốn bù đắp cho cậu con trai, cố gắng lo cho cậu được học hành tử tế, đường hoàng. Ông rất chăm chỉ, không bao giờ từ chối một công việc nặng nhọc nào và thường xin được làm tăng ca để có thêm tiền cho con.

Mặc dù nhà nghèo nhưng ông không bao giờ để Kanangnalong thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa, cũng không cho cậu làm bất kỳ công việc nặng nhọc nào mà chỉ muốn cậu dành thời gian chuyên tâm học hành.

Từng mơ ước trở thành một người lính nhưng Kanangnalong đã không vượt qua được kỳ thi và để vuột mất cơ hội. Khi ấy, cậu rất chán nản và thất vọng, suốt ngày giam mình trong phòng, không chịu nói chuyện với ai.

Lúc này, cha là người luôn ở bên cạnh, động viên cậu vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Một lần, Kanangnalong tình cờ thấy cha đang thầm khóc trong phòng một mình. Cậu hiểu rằng, tâm nguyện lớn nhất của đời cha là thấy cậu đỗ đại học.

Thế nhưng, ông không muốn tạo cho cậu một áp lực nào cả nên đã âm thầm chịu đựng nỗi buồn một mình. Điều đó khiến Kanangnalong hạ quyết tâm sẽ đậu vào trường Chalalongkorn (trường đại học được xếp hạng hàng đầu Thái Lan).

Khi nhận tin con trai trúng tuyển, cha cậu đã bật khóc như một đứa trẻ. Ông vỡ òa trong niềm hạnh phúc bởi điều ông mong mỏi bấy lâu cuối cùng đã trở thành hiện thực. Ông càng quyết tâm làm việc chăm chỉ hơn để lo cho con trai ăn học.

Hiểu được lòng cha, Kanangnalong rất chịu khó học hành. Sau 4 năm “dùi mài kinh sách” ở trường đại học, ngày tốt nghiệp, Kanangnalong mặc trên mình chiếc áo cử nhân, quỳ rạp dưới chân cha, bên cạnh chiếc xe rác để tạ ơn công lao sinh thành dưỡng dục và sự hy sinh vĩ đại mà ông dành cho cậu. Kanangnalong nói với cha rằng:

Cảm ơn cha vì đã là cha của con. Cảm ơn những giọt mồ hôi lẫn nước mắt mà cha đã rơi xuống vì con. Con là con của một người lái xe chở rác và sẽ luôn như vậy. Cha không cần phải tự ti, cha là người cha tuyệt vời nhất thế giới và con muốn cha tự hào về điều đó.

Cha mẹ là những người yêu thương bạn hơn hết thảy ai trong cuộc đời này. Tình yêu của họ là một thứ tình cảm vị tha, vô tư lợi và xuất phát từ lòng yêu thương thực sự. Dù cha mẹ một đời lấm lem bùn đất, nhễ nhại mồ hôi, nhưng bạn hãy nhớ rằng họ luôn là thiên sứ đẹp nhất trong cuộc đời chúng ta.

Người Việt có câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ơn nghĩa ấy, một đời làm con nào có thể quên? Nhưng cha mẹ nào có thể sống mãi cùng với con?

Một sớm mai, bất ngờ nhìn thấy tóc cha mẹ đã điểm bạc, chúng ta mới hiểu cha mẹ đã hy sinh quá nhiều mà phận làm con còn chưa báo đáp được gì. “Nhận ơn một giọt, báo ơn một dòng”, dẫu có dành cả kiếp này trả nợ, đền ơn cũng không thể trả hết được ơn nghĩa cho cha mẹ.

Theo daikynguyen

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục