BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chàng trai biến gỗ thành tiền

Cập nhật ngày: 01/10/2010 - 09:29

Ở ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng có một chàng trai trình độ học vấn chỉ mới hết lớp 9, vậy mà đã tự tạo lập cho mình một cuộc sống vững vàng bằng cái nghề không dễ dàng- nghề điêu khắc. Ngày ngày, chàng trai trẻ ấy say mê đục đẽo những khúc gỗ để cho ra những sản phẩm nghệ thuật đẹp mắt… 

3 ông Phước, Lộc, Thọ đã hoàn thành đang cười thật tươi trên chiếc bàn cũ kỹ. Cạnh đó là một con đại bàng tung cánh vẫn còn nguyên màu gỗ chưa kịp thổi sơn PU. Nhưng nổi bật nhất là tượng một ông tiên được tạc bằng rễ cây trắc rất sống động.

Ít ai có thể ngờ rằng, chủ nhân của những tác phẩm điêu khắc này là một chàng trai vừa 21 tuổi. Đó là Đặng Văn Biên, sinh năm 1989. Trong những ngày cắp sách đến trường, các môn năng khiếu chưa bao giờ là thế mạnh của Biên. Thế nhưng, sau khi rời quân ngũ, Biên mạnh dạn khăn gói ra miền Bắc theo học nghề điêu khắc. Biên tâm sự: “Sau khi rời quân ngũ, em thấy nghề này ở đây ít ai chọn nên xin gia đình cho em được học ngành này. Trước đây khi về quê ở ngoài Bắc, em đã biết nghề này rồi, em thấy thích và chọn nó”.

Đặng Văn Biên và một tác phẩm sắp hoàn chỉnh của mình

Sau hai năm lăn lộn tại một xưởng điêu khắc ở Hà Nam, đầu tháng 4.2010, Biên về lại ấp Bến Kinh thử sức sáng tạo của mình trên những khúc gỗ. Từ những khúc gỗ tưởng đã bỏ đi, chỉ  dùng vào việc làm củi đốt lò, qua đôi tay của Biên nó đã trở thành ông Phật Di Lạc biết cười, thành Chúa sơn lâm oai vệ hay những chú đại bàng dũng mãnh.

Để hoàn thành một tác phẩm, Biên mất ít nhất một tuần, có khi cả tháng mới xong. Biên cho biết, khâu khó nhất trong việc tạc tượng là chọn chất liệu gỗ. Ban đầu, chưa tìm ra nguyên liệu nên Biên thường dùng gỗ tràm. Việc tạc phần đế cho tượng cũng là một kỳ công, bởi nó phải có chi tiết, hoa văn làm sao để tôn lên vẻ đẹp của bức tượng, rồi còn phải chọn tỷ lệ sao cho cân xứng với phần thân trên. Tượng Phật Di Lạc thì phải phác thảo ra giấy để làm sao tạo được cái bụng to, căng tròn một cách thẩm mỹ nhất. Đến tiệm điêu khắc của Biên, chúng tôi chú ý hai bức vẽ phác hoạ Bác Hồ và vua Quang Trung rất tinh tế.

Biên kể vừa giao cho khách bức ông Thọ trị giá 1,2 triệu đồng. Nhưng cũng có tác phẩm chỉ 150.000 đồng.

Lúc đầu mới ra nghề, tiệm của Biên chưa được nhiều người biết đến. Nhưng thời gian gần đây, đã có người từ TP.HCM và Bình Dương tìm đến đặt hàng. Những tác phẩm của Biên làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó. Hôm chúng tôi đến, Biên vừa giao hết hàng cho khách, chỉ còn lại một vài tác phẩm chưa hoàn thiện. Trước cửa tiệm và bên đầu hồi nhà còn chất đầy một đống gỗ. Biên cho biết, đó là gỗ khách gửi nhờ tạc tượng hoặc biến chúng thành bàn ghế nghệ thuật. Với đống gỗ này, anh hồ hởi khoe có thể làm đến tết cũng không lo thất nghiệp.

Trẻ tuổi, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, biết chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình, chàng trai 21 tuổi Đặng Văn Biên đã chứng minh một điều: nếu có đủ nghị lực, niềm tin và chịu khó học hỏi, chịu khó làm việc thì đường tương lai luôn rộng mở.

MINH NAM-

THANH PHƯƠNG