Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng cùng ý chí quyết tâm vươn lên, Nguyễn Tuấn Cảnh, sinh năm 1989, ngụ tổ 4, ấp Tân Thuận, xã Tân Thành, huyện Tân Châu nay đã là chủ một cơ sở sản xuất cửa sắt, thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Nguyễn Tuấn Cảnh được tuyên dương trong lễ kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam.
Chàng trai ấy sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, mồ côi mẹ khi vừa tròn 3 tuổi. Cha sống cảnh gà trống nuôi con trong khi kinh tế gia đình khó khăn, chính vì thế, cái nghèo cứ đeo đuổi suốt quãng đời ấu thơ của 2 chị em. Mái trường, con chữ cũng dần xa lạ đối với Cảnh, bởi phía trước còn cả cuộc mưu sinh khó nhọc để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đó mới chính là điều mà Cảnh phải quan tâm lúc bấy giờ.
Năm 16 tuổi, được người thân giới thiệu, Cảnh xin phép ba xuống huyện Trảng Bàng học nghề hàn cửa sắt. Những ngày tháng tại đây, Cảnh đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ các bậc đàn anh trong nghề. Thêm vào đó là những trải nghiệm thực tế nhờ đi làm thuê tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cửa sắt lớn trên địa bàn huyện. Tất cả giúp chàng trai trẻ tích luỹ dần kiến thức, kinh nghiệm cho nghề của mình.
Trở về địa phương, Cảnh bắt đầu từ số vốn chỉ hơn 6 triệu đồng dành dụm được từ tiền làm thuê. Tận dụng đất phía trước nhà, anh quyết định mở xưởng hàn cửa sắt trong một diện tích gần 30 mét vuông. Một trang mới đã được mở ra trong cuộc đời của chàng trai trẻ, đây cũng chính là thử thách mà anh phải đối mặt. Khi mới thành lập, tại xưởng hàn cửa sắt của Cảnh chỉ có 1 chiếc máy hàn, 1 chiếc máy mài, 1 chiếc máy cắt sắt, 1 máy khoan vặn vít.
Thời gian đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn, nào là thiếu vốn, thiếu máy móc, nhân công; cơ sở lại quá chật hẹp nên phải làm tạm bợ ngoài trời. Khi mưa lớn là phải tất tả lo thu dọn. Bên cạnh đó, còn có điều khó khăn nữa là nhiều khách hàng chưa dám tin tưởng vào một cơ sở nhỏ do một người trẻ mới vào nghề làm chủ.
Cảnh kể lại: “Thời gian đầu hoạt động, xưởng còn thiếu thốn đủ thứ, đơn hàng ít. Lúc đó mình rất nản, nhưng được sự động viên của người thân trong gia đình, mình lại cố gắng nhiều hơn”.
Nhờ lao động siêng năng, cần cù và có trách nhiệm với công việc, Cảnh cũng đã dần tháo gỡ được những khó khăn gặp phải. Không ngồi đó chờ đợi khách hàng, anh đã chủ động tìm đến họ. Ngoài việc dành ưu đãi về giá cho khách, anh còn chú trọng việc tạo dựng uy tín bằng cách luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Chỉ hơn một năm sau, cơ sở hàn sắt của Nguyễn Tuấn Cảnh đã được nhiều người biết đến, rồi người này giới thiệu người kia, đơn đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Chàng trai trẻ càng tích cực nghiên cứu, tìm tòi để cải tiến mẫu mã sản phẩm mình làm ra, cũng như để tâm khảo sát thị trường để có những bước đi phù hợp tiếp theo.
Với những thành công ban đầu, Cảnh từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Từ một cơ sở chỉ gói gọn trong 30 mét vuông, đến nay đã mở rộng thêm hơn 250 mét vuông. Cơ sở hàn cửa sắt của anh đã có 4 nhân công, trong đó có 2 thợ chính với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng.
2 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương được anh nhận vào dạy nghề miễn phí và còn trả lương cho. Xúc động về sự chia sẻ ấy, anh Nguyễn Văn Minh, quê An Giang bày tỏ: “Em cùng gia đình rời quê An Giang lên Tây Ninh mưu sinh. Được anh Cảnh thương, nhận về dạy nghề miễn phí, rồi lại còn trả lương để em có điều kiện phụ giúp gia đình, em rất biết ơn anh Cảnh”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Tuấn Cảnh còn tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn, Hội của địa phương. Anh chính là một trong những thành viên tích cực trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp của huyện Tân Châu. Từ khi cơ sở sản xuất cửa sắt làm ăn có hiệu quả, hằng năm, anh đều đóng góp ủng hộ các hoạt động của chi đoàn như thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người già neo đơn, học sinh nghèo vượt khó.
Nguyễn Tuấn Cảnh đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức. Anh cũng được trao nhiều giấy khen qua các hoạt động phong trào Đoàn - Hội của huyện nhà.
Nhật Khang