Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chàng trai nghèo và bức tâm thư gửi Bí thư Tỉnh uỷ

Cập nhật ngày: 24/10/2010 - 10:46

Phạm Tuấn Anh

Gia cảnh khó khăn, chàng thanh niên nghèo ham học vừa mới đỗ vào khoa Việt Nam học, hệ cao đẳng của Trường đại học Sài Gòn đang phải đối mặt với những vấn đề bức bách, vượt quá khả năng giải quyết của mình. Trong lúc bối rối, cùng đường, chẳng biết cầu cứu ai, cậu đã bặm gan mạo muội viết một bức tâm thư gửi lên… Bí thư Tỉnh uỷ.

Chàng trai “liều” ấy tên là Phạm Tuấn Anh, ngụ 54/5B, khu phố 4, thị trấn Hoà Thành.

Từ khi mới lên 4 tuổi, Tuấn Anh đã phải chịu cảnh bất hạnh: cha mẹ chia tay nhau, mỗi người bỏ đi tìm cuộc sống mới cho riêng mình. Tuấn Anh và đứa em trai 4 tháng tuổi phải sống nương nhờ bà ngoại.

Nhà ngoại nghèo rớt mồng tơi, gánh bún riêu dạo của bà không đủ nuôi cả nhà, trong đó còn có hai người dì của Tuấn Anh- một người bị mù hai mắt, một người bị bại liệt bẩm sinh từ nhỏ. Tuấn Anh học chưa hết lớp 6 thì bà ngoại bệnh nặng không còn lao động được nữa, cậu bé 13 tuổi đành phải bỏ học, thay bà ngoại gánh vác công việc mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, sau đó là đi giữ xe thuê cho một số trường học. Khát khao học tập vẫn không nguôi âm ỉ trong lòng, năm 17 tuổi, cậu bé nghèo quyết định đi học lại. Ban đêm đi học bổ túc, ban ngày làm thuê kiếm tiền, rồi cậu học trò nghèo hiếu học cũng đạt ước nguyện: tốt nghiệp THPT và thi đậu vào khoa Việt Nam học, hệ cao đẳng của Trường đại học Sài Gòn.

Tuấn Anh đã xuống TP.HCM nhập học hơn một tháng qua. Trong lòng chàng tân sinh viên nghèo khó ngổn ngang bao nỗi lo toan: lo không tiền đóng học phí, không tiền thuê nhà trọ và nhất là gia đình ở Tây Ninh sẽ sống ra sao? Mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn khi Tuấn Anh không được vào ở ký túc xá (vì không được xếp vào diện sinh viên có hoàn cảnh khó khăn), đồng thời cũng không được vay tiền ngân hàng để đóng học phí. Chàng sinh viên nghèo thực sự thấy bế tắc.

Trong thư gửi Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Nên, Tuấn Anh bày tỏ: “Bác ơi! Thật tình trong đầu con rối rắm lắm. Con phải làm như thế nào đây bác? Con đã tự nuôi dưỡng khát khao của mình bằng cách làm việc thật tốt để có được những giờ học bổ túc đêm trong suốt bảy năm qua, nhưng giờ đây con…? Con xin thành thật mong được lời khuyên từ bác, xin bác hãy giúp con. Con không muốn nghỉ học bác ơi!”.

Tôi gặp được Tuấn Anh khi em vừa từ Trường đại học Sài Gòn (TP.HCM) về thăm gia đình. Theo lời kể: trước năm 2010, nhà bà ngoại Tuấn Anh thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, đã được địa phương tặng nhà tình thương. Qua một thời gian sử dụng, căn nhà đã bị xuống cấp. Năm 2006, bà ngoại của Tuấn Anh phải xuống TP.HCM xin tiền của người cháu về cất lại căn nhà khác. Và thế là từ đây, gia đình bà bị xoá tên khỏi danh sách hộ nghèo ở địa phương. Có được căn nhà mới nhưng khó khăn càng chồng chất lên cái gia đình khốn quẫn.

Một đoạn bức thư gửi Bí thư Tỉnh uỷ

Bà Nguyễn Mỹ Châu- bà ngoại của Tuấn Anh bị bệnh đau khớp chân, nhiều năm qua hầu như chỉ ngồi một chỗ. Hiện tại bà sống chung nhà với hai người con gái (dì của Tuấn Anh) nhưng cả hai đều bệnh tật, không lao động được. Một người tên Nguyễn Tuyết Nga, 45 tuổi, bị liệt hai chân từ nhỏ. Người còn lại tên Nguyễn Hồng Hoa, 38 tuổi, bị mù hai mắt từ khi mới lên 4. Chị Hoa có chồng cũng bị mù, kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo ở TP.HCM, hai ba tuần mới về thăm nhà một lần. Hai vợ chồng chị Hoa có một đứa con gái 7 tuổi. Cảnh nhà thật quá bi đát. Tuấn Minh- em trai của Tuấn Anh đã phải nghỉ học giữa chừng đi làm thợ hồ. Thiếu sự chăm sóc, giáo dục của người lớn, năm ngoái cậu em này trót dại làm điều vi phạm pháp luật, hiện còn đang bị giam giữ.

Bà Châu rơm rớm nước mắt kể với chúng tôi: những năm qua, gia đình bà sống được chủ yếu là nhờ vào gạo cứu tế của bác sĩ Thái (một nhà hảo tâm) và sự đùm bọc của bà con hàng xóm. Hôm nào không có tiền thì chị Nga- người con gái bị liệt của bà ráng lết ra đường hái rau về luộc ăn đỡ.

Tuấn Anh cho biết thêm: “Em nhập học được là nhờ trước khi đi, thầy, cô ở những trường em từng làm bảo vệ và bà con chòm xóm quyên góp cho được 2,5 triệu đồng. Em đã đóng tiền học phí hết 1,3 triệu đồng. Số tiền còn lại em thuê nhà trọ ở và ăn uống”.

Ngay sau khi nhận được bức thư “cầu cứu” của cậu sinh viên nghèo, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Nên đã chuyển đến Tỉnh đoàn và chỉ đạo tìm cách giúp đỡ.

Gia đình của Tuấn Anh đang hết sức khó khăn

Anh Huỳnh Thanh Phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ Huyện đoàn Hoà Thành đến tận gia đình bà ngoại Tuấn Anh và Trường đại học Sài Gòn để thăm, động viên và chia sẻ khó khăn với em. Trước mắt, Tỉnh đoàn trích từ Quỹ Tình nghĩa Đoàn 2 triệu đồng tặng Tuấn Anh, giúp em ổn định việc học. Sau đó sẽ đề nghị chính quyền địa phương xác nhận cho Tuấn Anh thuộc diện khó khăn để em được vay tiền đóng học phí trong những năm tiếp theo”.

Tuy con đường trước mắt vẫn còn nhiều gian nan, thử thách nhưng chàng thư sinh nghèo Phạm Tuấn Anh vẫn không thôi mơ ước: “Sắp tới, em sẽ tìm việc làm để kiếm tiền đi học. Sau khi học xong hệ cao đẳng, em sẽ học liên thông đại học”. Tuấn Anh còn tiết lộ: “Trước đây, em đã từng là cộng tác viên của Báo Tây Ninh, có hai lần được đăng bài trên báo, em thích lắm. Em sẽ phấn đấu để sau này trở thành phóng viên”.  

Chị Nguyễn Hồng Mai, cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thị trấn Hoà Thành: “Trước đây, xét trường hợp gia đình bà Châu như thế nào tôi không rõ. Từ năm 2008, khi tôi về nhận nhiệm vụ ở Ban Lao động- Thương binh và Xã hội thị trấn Hoà Thành thì gia đình này đã không còn là hộ nghèo. Tuy nhiên, hiện nay, hai người dì của em Tuấn Anh là Nguyễn Tuyết Nga và Nguyễn Hồng Hoa đã được UBND huyện Hoà Thành xét duyệt cho hưởng chế độ trợ cấp khó khăn. Sắp tới, mỗi người sẽ được lãnh 400.000 đồng/tháng”.

Chị Phạm Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hoà Thành: “Chúng tôi đã hướng dẫn Tuấn Anh làm đơn xin vay tiền hỗ trợ sinh viên nghèo theo diện gia đình khó khăn và sẽ họp hội đồng xét duyệt. Sắp tới, thị trấn Hoà Thành sẽ tổ chức rà soát lại hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới của Chính phủ. Chúng tôi sẽ lưu ý xem xét kỹ trường hợp gia đình bà Châu”.

ĐẠI DƯƠNG