Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Chào năm mới 2011 với tín hiệu lạc quan cho cây mía
Chủ nhật: 10:54 ngày 02/01/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chào năm mới dương lịch 2011, nông dân trồng mía ở Tây Ninh có thêm tin vui là giá mía tiếp tục tăng.

Đầu năm 2011, giá thu mua mía tăng lên 1 triệu đồng/tấn.

Chào năm mới dương lịch 2011, nông dân trồng mía ở Tây Ninh có thêm tin vui là giá mía tiếp tục tăng. Theo công bố của Nhà máy đường 8.000 tấn/ngày thuộc Công ty CP Bourbon Tây Ninh và Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh thì từ ngày 1.1.2011, giá thu mua mía sẽ được nâng lên 1 triệu đồng/tấn mía cây 10CCS tại ruộng và trên phương tiện vận chuyển, cao hơn giá cuối năm 2010 là 30.000 đồng/tấn. Năng suất mía năm nay cũng tăng khá cao và với mức giá thu mua này đã nâng thu nhập từ cây mía lên gần xấp xỉ với cây mì. Cộng thêm chính sách đầu tư, đặc biệt là chính sách hỗ trợ được tăng cường nên đầu năm mới cây mía đã có tín hiệu lạc quan.

Theo dự báo của lãnh đạo Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) sau khi nhà máy vào vụ chế biến 2010-2011 được hơn 1 tháng thì có khả năng vụ sau vùng nguyên liệu mía của Công ty sẽ giảm diện tích hơn vụ này khoảng 800 ha. Cũng tại thời điểm này, lãnh đạo Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh cũng dự báo có khả năng vụ sau vùng nguyên liệu mía của nhà máy giảm diện tích khoảng 400 ha. Chỉ ở 2 nhà máy đường, diện tích dự báo giảm trong vụ sau đã lên đến 1.200 ha. Nguyên nhân giảm diện tích chủ yếu do người trồng mía chuyển sang trồng mì để có lợi nhuận cao hơn.

Để giữ vững diện tích mía, giữa tháng 12 năm 2010 các nhà máy điều chỉnh tăng giá thu mua nhằm tăng lợi nhuận cho người trồng mía, đồng thời tăng cường khoản hỗ trợ không hoàn lại để khuyến khích nông dân tiếp tục trồng mía. Cụ thể, từ những ngày trung tuần đến cuối tháng 12.2010 các nhà máy thu mua với giá 970.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng trên phương tiện vận chuyển, cao hơn trước đó 20.000 đồng/tấn. Từ ngày đầu năm 2011 đến trước Tết Nguyên đán Tân Mão giá thu mua mía tiếp tục tăng lên 1.000.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng trên phương tiện vận chuyển. Và từ sau Tết Nguyên đán đến hết vụ, giá thu mua mía tiếp tục tăng lên 1.050.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng trên phương tiện vận chuyển. Về chính sách hỗ trợ, cả Nhà máy SBT và Biên Hoà đều nâng mức hỗ trợ không hoàn lại đến 9 triệu đồng cho 1 ha mía trồng mới và 3 triệu đồng cho 1 ha mía lưu gốc. Trong tình hình cây mía gặp khó khăn do phải cạnh tranh với một số loại cây trồng khác thì động thái nâng cao lợi nhuận cho người trồng mía là giải pháp chủ yếu để nhà máy giữ vững diện tích vùng nguyên liệu mía. Sự nỗ lực của các nhà máy thực tế đã có tác dụng khiến cho không ít hộ có ý định bỏ mía lại tiếp tục trồng mía.

Ông Trần Minh Quốc, Trưởng trạm Nông vụ 4 thuộc Công ty SBT cho biết, vụ này vùng nguyên liệu mía của trạm có diện tích là 2.050 ha thuộc các xã Trà Vong, Mỏ Công, Tân Phong, Hoà Hiệp và một phần xã Phước Vinh. Ngay từ đầu vụ thu hoạch cũng có một số hộ trồng mía có ý định chuyển sang cây trồng khác để có lợi nhuận cao hơn. Thế nhưng từ khi Công ty công bố giá thu mua mía mới và mức hỗ trợ không hoàn lại được nâng cao thì đến đầu năm mới 2011 vẫn chưa có hộ nào phá bỏ mía để trồng cây khác. Bởi nếu tính ra thì lợi nhuận từ cây mía sau khi áp dụng giá thu mua mới đang xấp xỉ với lợi nhuận từ cây mì. Anh Trần Thanh Thuỷ, nông dân trồng 20 ha mía ở ấp Mới, xã Tân Phong cho biết mía của anh năm nay có năng suất bình quân khoảng 100 tấn/ha do mạnh dạn thay đổi giống mới và tăng cường đầu tư chăm sóc. Tổng mức đầu tư và chi phí cho mỗi ha mía trồng mới khoảng 45 triệu đồng, trong đó đầu tư chăm sóc 30 triệu đồng và tất cả các khoản chi phí khác là 15 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá thu mua 1 triệu đồng/tấn thì anh vẫn còn lãi không dưới 50 triệu đồng/ha. Riêng mía lưu gốc, do mức đầu tư chăm sóc thấp hơn nhiều so với mía trồng mới nên mức lãi được nâng lên khoảng hơn 60 triệu đồng/ha. Nếu thu hoạch muộn qua sau Tết Nguyên đán thì lợi nhuận từ đám mía của anh Thuỷ sẽ cao hơn nữa do giá sẽ còn tăng cao hơn. Đó là chưa tính các khoản mà nhà máy hỗ trợ không hoàn lại. Do đó mà anh Thuỷ khẳng định sẽ tiếp tục theo cây mía trong những vụ sau.

Chẳng những có nhiều hộ nông dân vẫn giữ cây mía, thực tế còn diễn ra sự “đảo chiều” là có một số nông dân bỏ mì chuyển qua mía. Ông Trần Minh Quốc cho biết là trong vùng nguyên liệu mía do Trạm quản lý đã có một số nông dân đăng ký chuyển từ trồng mì sang trồng mía với diện tích khoảng 12 ha. Trong đó có ông Trương Hữu Đức ở xã Trà Vong đăng ký chuyển 4 ha mì sang mía với lý do là lo ngại cây mì năm sau gặp khó khăn hơn cây mía, đồng thời trồng mía 1 vụ hưởng ít nhất là 4 năm. Từ thực tế như vậy, anh Quốc dự báo rằng vùng nguyên liệu mía thuộc trạm quản lý vụ mía năm 2011 diện tích sẽ tăng hơn năm 2010 ít nhất là 150 ha.

Nhiều nông dân đã trồng lại mía.

Đặc biệt, ở ấp Hoà Đông A thuộc xã Hoà Hiệp có anh Nguyễn Hữu Nghị sau khi thu hoạch đã chuyển 30 ha đất trồng mì sang trồng mía. Anh Nghị cho biết năm trước anh trồng đến 70 ha mì và có lãi khá cao- khoảng hơn 50 triệu đồng/ha. Thế nhưng năm nay anh thấy diện tích mì tăng nhiều nên chưa biết giá cả ra sao. Hơn nữa năm rồi mưa đầu mùa ít tạo thuận lợi cho mì triền trảng phát triển đến đỉnh, nhưng năm nay chưa biết thời tiết ra sao- nếu mưa sớm là mì sẽ thất. Trong khi đó trồng mía không sợ mưa sớm và lợi nhuận cũng xấp xỉ trồng mì. Do đó anh quyết định chuyển hẳn 30 ha mì trên đất triền trảng sang trồng mía để vừa đảm bảo an toàn, vừa ổn định sản xuất lâu dài hơn.

Thực tế hiện nay lợi nhuận từ cây mía chưa thể vượt qua được so với cây mì, nhưng khoản chênh lệch lợi nhuận giữa 2 loại cây trồng này đang ngày càng được thu ngắn lại. Đồng thời với lợi thế là cây trồng ổn định với chu kỳ nhiều năm hơn nên đã có nhiều nông dân quyết định giữ diện tích mía. Đặc biệt đã có một số nông dân mạnh dạn bỏ cây mì chuyển sang trồng cây mía. Đây là một trong những tín hiệu lạc quan cho cây mía, báo hiệu trong năm mới 2011 diện tích mía có khả năng sẽ được giữ vững.

Sơn Trần

 

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục