Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sản phẩm OCOP:
Chắp thêm đôi cánh nâng tầm thương hiệu
Thứ hai: 17:03 ngày 23/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau 4 năm triển khai, tỉnh Tây Ninh có 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm được công nhận 4 sao năm 2020...

Công ty TNHH Eco Green Việt Nam được chứng nhận top 50 sản phẩm thương hiệu - nhãn hiệu độc quyền uy tín năm 2020.

Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Sau 4 năm triển khai, tỉnh Tây Ninh có 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm được công nhận 4 sao năm 2020, đang làm hồ sơ đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá 5 sao; 5 sản phẩm đạt 4 sao và 28 sản phẩm đạt 3 sao.

Sản phẩm OCOP tự tin chinh phục thị trường nước ngoài

Thời gian gần đây, sản phẩm OCOP Tây Ninh đã vươn ra thị trường quốc tế. Điều này đã khẳng định chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Tây Ninh. Thành công bước đầu gợi mở hướng xuất khẩu rộng lớn, tiềm năng, từ đó nâng tầm sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Văn Trang- Phó Giám đốc Công ty TNHH Eco Green Việt Nam (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) cho biết, công ty có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: cùi bưởi sấy khô; cùi bưởi sên bột, tẩm đường, lá dứa sấy khô; cùi bưởi tẩm đường thốt nốt sấy khô; cùi bưởi sên bột, tẩm đường, khoai môn sấy khô; cùi bưởi tẩm đường cát trắng sấy khô; trà bưởi cam sả; trà bưởi thái lát và rượu bưởi.

Tất cả các sản phẩm đạt chuẩn OCOP luôn khẳng định là thương hiệu chất lượng, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực không ngừng của ông Trang nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Ông Trang cho biết, cơ sở đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại và áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt bảo đảm tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Công ty đã đưa sản phẩm được chế biến từ cùi bưởi sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada. Mỗi tháng, công ty xuất sang các thị trường này 3 tấn cùi bưởi sên bột và cùi bưởi sấy khô.

Sản phẩm của Công ty TNHH Eco Green Việt Nam được trưng bày tại buổi xúc tiến thương mại năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh.

Để chinh phục thị trường khó tính này, quy trình chế biến tuân thủ những tiêu chuẩn hết sức khắt khe, bảo đảm chất lượng và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Trong thời gian tới, công ty có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá, chuyển giao công nghệ chế biến đạt chuẩn ISO, phấn đấu đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài theo đường chính ngạch. Ngoài ra, công ty đa dạng hoá sản phẩm để nâng chuẩn OCOP từ 3 sao lên 4 sao.

Điều đáng mừng, sản phẩm của Tây Ninh bước đầu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đều đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Và chứng nhận này đang trở thành “giấy thông hành” để lan toả thương hiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới. Điều này cho thấy, sản phẩm OCOP Tây Ninh đang dần định vị thương hiệu, tự tin chinh phục thị trường nước ngoài.

OCOP- nâng tầm thương hiệu

Có thể thấy, các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đều khẳng định được chất lượng trên thị trường. Việc đăng ký tham gia Chương trình OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm cả về quy trình sản xuất, chất lượng, bao bì, nhãn mác, kênh phân phối... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và giúp quảng bá sản phẩm tốt hơn.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An thu hoạch mật ong.

Bà Hồ Thị Thuý Ngân- Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An Tây Ninh cho biết, năm 2021, sản phẩm mật ong đặc biệt hoa sao, dầu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là đặc sản quý của rừng thiên nhiên. Bà Ngân cho biết, công ty đã gắn bó với nghề nuôi ong từ lâu, sản phẩm được chứng nhận OCOP như được chắp thêm đôi cánh để công ty nâng tầm thương hiệu, hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn. Hiện công ty có khoảng 600 đàn ong đang cho khai thác mật, mỗi năm thu được 50 tấn mật. 

Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An Tây Ninh được thành lập từ năm 2015 với mục tiêu đem đến sản phẩm mật ong nguyên chất, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn hướng đến là thực phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường trong và ngoài tỉnh Tây Ninh đã có rất nhiều thương hiệu mật ong, mỗi thương hiệu đều mang tính đặc trưng của mỗi vùng miền. Vì vậy, Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An Tây Ninh luôn tận dụng các điểm mạnh của Tây Ninh, điển hình như Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có diện tích 18.765 ha được công ty lựa chọn để đặt các tổ ong trong khu vực rừng thuần (đơn loài) cây họ dầu, cây sao mang lại hương vị mật ong đặc trưng của vùng đất Tây Ninh.

Sản phẩm mật ong rừng nguyên chất đặc biệt hoa sao, hoa dầu của Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An được khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế ưa chuộng. Công ty luôn cố gắng hướng đến mục tiêu chất lượng cao hơn nữa, khẳng định sản phẩm mật ong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt chuẩn VietGAP, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ thương hiệu, logo sản phẩm độc quyền của công ty. Với những nỗ lực phát triển, Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An được UBND tỉnh tặng bằng khen trong sự kiện Ngày hội Tây Ninh tại Hà Nội.

Nhân viên tại Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An đóng chai mật ong.

Nỗ lực của các chủ thể OCOP

Hiện tại, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP được các sở, ngành hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử và được quảng bá tại các hội chợ xúc tiến thương mại. Để đẩy mạnh và đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, rất cần sự nỗ lực của doanh nghiệp, các chủ thể OCOP từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đến mẫu mã bao bì... đáp ứng các tiêu chí đánh giá phân hạng của hội đồng đánh giá.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, các chủ thể sản xuất biết được sản phẩm của mình còn thiếu những điều kiện gì để hoàn thiện và trở thành một sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Do các tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP không ngừng được nâng cao, là một quá trình diễn ra liên tục.

Đối với một sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, sử dụng logo của chương trình trên bao bì sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng; có thể phân phối ở các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương… trên toàn quốc.

Ngoài ra, đối với các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia sẽ được đưa vào các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia, đưa vào các giỏ quà tặng của địa phương và cao hơn là quà tặng ngoại giao. Đây là một trong những điều kiện quan trọng giúp quảng bá sâu rộng, đưa sản phẩm đến nhiều đối tượng người tiêu dùng.

Giải pháp để các sản phẩm vươn xa ra thị trường quốc tế

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Ninh có nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú, một số ngành nghề truyền thống với sản phẩm hàng hoá nổi tiếng cùng đội ngũ thợ, nghệ nhân có trình độ tay nghề khá cao là nền tảng tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn bền vững hơn.

Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong tỉnh vẫn còn chậm so yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực làm ảnh hưởng khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hoá chế biến sâu đối với nông sản vẫn chưa đáp ứng quá trình chuyển dịch sản xuất.

Công nhân sơ chế bưởi phục vụ công đoạn chế biến.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các chủ thể sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, năng lực sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.

Khai thác có hiệu quả nền tảng số, các mạng xã hội để quảng bá sâu rộng các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Kết hợp hoạt động bán hàng với các loại hình hoạt động du lịch, hình thành các điểm bán hàng đặc sản, sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm, ngoài trách nhiệm chính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Chương trình, Sở đã phối hợp các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND cấp xã trong điều phối hoạt động thực hiện chu trình OCOP, cụ thể Sở Công Thương tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP (hội chợ, triển lãm...); cập nhật thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP; thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch lồng ghép các hoạt động du lịch của tỉnh với Chương trình OCOP; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về địa danh, di tích văn hoá lịch sử, truyền thống văn hoá của dân tộc và đặc trưng của địa phương; hỗ trợ các địa phương phát triển làng văn hoá du lịch; hướng dẫn các địa phương, các chủ thể OCOP xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP; quảng bá, xúc tiến mở rộng các tour, tuyến du lịch kết nối với các vùng sản xuất và các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các dự án, đề án thành phần gắn với hoạt động du lịch.

N.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục