Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo UBND tỉnh, chất lượng môi trường không khí tỉnh Tây Ninh nhìn chung ổn định, có sự khác biệt giữa các khu vực và biến động theo mùa. Một vài thời điểm tại một số vị trí, chất lượng không khí có dấu hiệu suy giảm và gia tăng trong những năm gần đây.

Một cơ sở trộn bê tông gây ô nhiễm không khí tại xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng được chính quyền địa phương xử lý kịp thời.
Cụ thể, đối với khu vực trung tâm đô thị và các nút giao thông, chất lượng môi trường không khí giữa các đô thị phía Bắc và phía Nam của tỉnh có sự khác biệt. Hầu hết các giá trị SO2, CO, NO2, O3, bụi PM2.5 đều nằm trong giá trị giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí - QCVN 05:2023/BTNMT. Chất lượng môi trường không khí tại thành phố Tây Ninh còn tốt và chưa có dấu hiệu ô nhiễm.
Trong một số thời điểm, giá trị độ ồn ở một số vị trí nút giao thông đã vượt quy chuẩn. Tại khu vực thị xã Trảng Bàng, các giá trị SO2, NO2, CO đều cao hơn so với thành phố Tây Ninh; giá trị trung bình tổng bụi lơ lửng (TSP) và bụi PM10 năm 2021-2022 vượt quy chuẩn từ 1,2 – 1,8 lần, tỷ lệ số ngày giá trị chỉ số chất lượng môi trường không khí (VN_AQI) ở mức tốt giảm dần trong giai đoạn 2021-2024 (từ 47% xuống 9%). Chất lượng môi trường không khí vùng phía Nam của tỉnh phản ánh mức độ đô thị hoá và tập trung công nghiệp, mật độ giao thông kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng và Vương quốc Campuchia.
Đối với khu vực khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giá trị các thông số tổng bụi lơ lửng (TSP), SO2, NO2, CO đều nằm trong giá trị giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Phần lớn các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút các ngành nghề chính là sản xuất vật liệu mới, vật liệu xây dựng, phụ gia xây dựng, cấu kiện ngành xây dựng; dược, thiết bị y tế; sản xuất linh kiện, thiết bị và máy công – nông – ngư nghiệp; linh kiện thiết bị điện; sản xuất các sản phẩm gia dụng và thủ công mỹ nghệ; lắp ráp xe đạp, xe máy, ô tô, các phương tiện vận tải chuyên dùng; dệt nhuộm, may mặc… có sử dụng lò hơi với nhiên liệu đốt là củi, than đá, dầu FO... đều là những nguồn phát thải các thông số ô nhiễm cao, tuy nhiên, chất lượng môi trường không khí khu vực khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2019-2024 được quản lý và kiểm soát khá tốt.
Tại các khu vực khác, trong giai đoạn 2019-2024, các giá trị quan trắc độ ồn, SO2, CO, NO2, O3, TSP, PM10 và PM2.5 đều nằm trong giá trị giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT.
Trong thời gian qua, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý môi trường được quan tâm chú trọng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện công tác truyền thông bảo vệ môi trường đã được tăng cường, đặc biệt là môi trường không khí.
Các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh như: Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan trên địa bàn tỉnh, thường xuyên trao đổi các thông tin, tài liệu, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm bảo đảm khách quan, thống nhất, cùng hỗ trợ lẫn nhau thực hiện.
Công tác tuyên truyền được Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, các cấp thường xuyên thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng về nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5.6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Đa dạng sinh học...
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22.4.2003 và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với hoạt động sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển đổi công nghệ Hoffman sang Tuynel của 43 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; ban hành Quyết định số 1366/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và đưa ra lộ trình loại bỏ công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường.
Tính đến hết năm 2024 đã có 15 cơ sở (20 trạm) lắp đặt quan trắc khí thải tự động, liên tục hoàn chỉnh hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Nông nghiệp và Môi trường để theo dõi, giám sát; đơn vị đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp còn lại phải lắp đặt hệ thống quan khí thải tự động, liên tục theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10.1.2022 của Chính phủ.
Từ tháng 1.2021, có 2 trạm quan trắc không khí xung quanh tự động cố định, liên tục tại thành phố Tây Ninh (đường 30.4) và thị xã Trảng Bàng (ngã tư thị xã Trảng Bàng) được Sở Nông nghiệp và Môi trường đầu tư lắp đặt và đưa vào vận hành, khai thác đã góp phần hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh, cung cấp dữ liệu tin cậy cho hệ thống dữ liệu quan trắc môi trường địa phương.
Để thực hiện tốt kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan duy trì thực hiện chương trình quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh; rà soát, cập nhật mạng lưới quan trắc môi trường phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; theo dõi các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh, các điểm nóng ô nhiễm môi trường không khí (nếu có); xây dựng đồng bộ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí; thực hiện việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường tại Quyết định số 1459/QĐ-TCMT ngày 12.11.2019 của Tổng cục Môi trường; truyền tải dữ liệu của hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục về Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận.
Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận hành hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục; phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đôn đốc, xử lý các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục và truyền số liệu về Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường nhưng chưa triển khai; theo dõi và giám sát để phát hiện kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có số liệu quan trắc khí thải vượt giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật; rà soát và hướng dẫn các cở sơ đảm bảo thực hiện đúng theo quy đinh tại Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30.6.2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tấn Hưng