Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chất lượng hồ Dầu Tiếng hiện nay đã được cải thiện và trên cơ sở đó, Công ty Dầu Tiếng–Phước Hòa đã kiến nghị Tổng cục Thủy lợi-Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức họp, thống nhất điều chỉnh phương án khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng cho phù hợp, đảm bảo hài hòa các mục tiêu.
Công ty Dầu Tiếng – Phước Hòa kiến nghị điều chỉnh phương án khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng bảo đảm hài hóa các mục tiêu phát triển của hồ trong thời gian tới.
Công tác quản lý chất lượng nước hồ Dầu Tiếng là nhiệm vụ quan trọng được Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng–Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng–Phước Hòa) quan tâm và triển khai các biện pháp đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho các địa phương. Công ty thường xuyên kiểm tra lấy mẫu, theo dõi diễn biến chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, thành lập tổ kiểm tra phối hợp các đơn vị liên quan giám sát các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, kịp thời báo cáo Tổng cục Thủy lợi và UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Kết quả giám sát tại Cống lấy nước số 1, 2, 3 và trên các kênh chính bao gồm: kênh chính Đông (K8, K21, K27, K34), kênh chính Tây (K18), kênh Đức Hòa (K12+770) cho thấy các chỉ tiêu đều đạt giới hạn B1 của QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (Dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự).
Bên cạnh đó, Công ty cũng đã triển khai thực hiện đề án “Tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý”. Trước tiên là thực hiện dự án "Khảo sát, điều tra các hoạt động sản xuất kinh doanh có xả thải để khoanh vùng ô nhiễm, đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn nước phục vụ khai thác đa mục tiêu công trình hồ Dầu Tiếng” để quản lý chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng.
Đối với hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, lãnh đạo Công ty Dầu Tiếng – Phước Hòa cho biết, hiện nay các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Tổng cục Thủy lợi đã cấp tổng cộng 19 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng trong thồ Dầu Tiếng theo Luật khoáng sản và Luật thủy lợi. Trong đó, Tây Ninh có 14 giấy phép, Bình Dương có 4 giấy phép, Bình Phước có 1 giấy phép; tổng công suất được UBND các tỉnh cấp phép 757.100 m3/năm (Tây Ninh là 444.100 m3/năm, Bình Dương 283.000 m3/năm, Bình Phước 30.000 m3/năm).
Tuy nhiên từ đầu tháng 5.2020, trước tình hình nước hồ giảm dần về mực nước chết (+17 m), để đảm bảo nguồn nước và chất lượng nước cấp cho hệ thống, Công ty đã tổ chức cuộc họp giữa đại diện của Tổng cục Thủy lợi, Công ty, Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an), các sở, ngành liên quan của tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các Doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng để điều chỉnh phương án khai thác cát hợp lý cho đến hết mùa khô năm 2020.
Công ty đã ra thông báo số 32/TLDTPH-QLN ngày 21.5.2020 kết luận cuộc họp thống nhất giải pháp bảo vệ chất lượng nước trong hồ đến hết mùa khô. Theo đó, các đơn vị khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng chỉ được phép hoạt động khai thác trong khoảng thời gian từ 7h00 đến 12h00 hàng ngày (từ ngày 25.5.2020 đến 30.7.2020), đồng thời giảm tối thiểu 30% công suất khai thác tương ứng với số lượng tàu, thuyền khai thác đã đăng ký.
Chất lượng nước hồ Dầu Tiếng đã được cải thiện đáng kể.
Công ty đã phối hợp với các sở, ban, ngành của 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước thường xuyên kiểm tra việc thực hiện theo thông báo kết luận cuộc họp của các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ. Hiện nay, việc khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng vẫn đang thực hiện theo nội dung Thông báo số 32/TLDTPH-QLN ngày 21.5.2020 của Công ty.
Tuy nhiên, chất lượng hồ Dầu Tiếng hiện nay đã được cải thiện và trên cơ sở đó, Công ty Dầu Tiếng–Phước Hòa đã kiến nghị Tổng cục Thủy lợi-Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức họp, thống nhất điều chỉnh phương án khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng cho phù hợp, đảm bảo hài hòa các mục tiêu.
Đồng thời, Công ty có đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôm sớm phê duyệt kế hoạch khai thác đa mục tiêu khu đầu mối và vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng, hồ Phước Hòa; cấp kinh phí cho Công ty thuê đơn vị tư vấn có năng lực xây dựng đường đặc tính V~F~Z, đánh giá lại dung tích và khả năng bồi lắng lòng hồ Dầu Tiếng, đưa ra giải pháp nạo vét kết hợp phòng chống bồi lắng lòng hồ theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24.2.2020 của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; đồng thời cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa từ cao trình +27,00 m trở xuống để quản lý chặt chẽ các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa.
Thiên Tâm