Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trường trung cấp, cao đẳng:
Chật vật để tồn tại
Chủ nhật: 23:38 ngày 22/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cùng với việc khảo sát về tình hình sắp xếp hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục tiểu học, vừa qua, lãnh đạo HĐND tỉnh cũng đã khảo sát các trường trung cấp, cao đẳng.

Học sinh Trường trung cấp Y tế trong giờ học tiếng Anh.

Nhiều sinh viên mầm non bỏ học sau khi đi thực tập

Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Tây Ninh thông tin, nhà trường đã sắp xếp hệ thống tổ chức các phòng, khoa từ 15 đơn vị trực thuộc còn lại 10 đơn vị trực thuộc. Cơ cấu hiện tại của nhà trường gồm có ban giám hiệu, 5 phòng chức năng và 5 khoa đào tạo. Từ năm học 2018-2019 đến nay, trên cơ sở quy mô đào tạo, nhà trường dự báo nhu cầu đội ngũ báo cáo Sở GD&ĐT để tuyển giảng viên cho trường.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, Sở  GD&ĐT không tuyển được giảng viên cho trường. Chính vì vậy, đến nay nhà trường vẫn còn thiếu đội ngũ giảng viên dạy một số học phần chuyên ngành Quản trị văn phòng, Khoa học thư viện.

Để giải quyết cho việc thừa thiếu giảng viên ở từng môn học, hằng năm, nhà trường ổn định cơ cấu tổ chức, sắp xếp, điều phối phân công lao động của các khoa, phòng. Rà soát phân công chuyên môn, bảo đảm kế hoạch đào tạo, bảo đảm giờ chuẩn đối với giảng viên, đồng thời hợp đồng thỉnh giảng với giảng viên ở các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh đối với những môn thiếu giảng viên.

Hiện nay nhu cầu đào tạo sư phạm ngày càng giảm, nhà trường đã chủ động tăng cường liên kết đào tạo đại học, bồi dưỡng cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, chứng chỉ tiếng Anh, Công nghệ thông tin… nhằm tận dụng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho cán bộ, giảng viên.

Thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đang xây dựng Đề án thành lập trường phổ thông nhiều cấp học và trường mầm non trong trường sư phạm để sử dụng phòng học, ký túc xá hiện có. Mặc dù quy mô đào tạo hệ cao đẳng chính quy có giảm nhưng nhà trường đã tăng cường liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các trường đại học. Hiện tại, đội ngũ giảng viên của trường vẫn còn thiếu so với khung vị trí việc làm và định mức giờ dạy theo quy định.

Tổng số sinh viên và học viên trong năm học 2018-2019 là 2.818 người. Trong đó, hệ cao đẳng chính quy 528 sinh viên/22 lớp; đại học Sư phạm vừa làm vừa học 206 học viên; bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên cho 1.637 học viên... Với đội ngũ cán bộ, giảng viên, quy mô sinh viên trong năm học 2018-2019 nhà trường đã điều phối phân công lao động và thỉnh giảng thêm một số giảng viên đối với một số ngành thiếu giảng viên (Quản trị văn phòng, Khoa học thư viện) để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo.

Qua kết quả tổng hợp giờ dạy cuối năm học, đa số giảng viên đều tham gia giảng dạy, kiêm nhiệm đều đủ và thừa giờ chuẩn so với quy định, chỉ một vài bộ môn còn thiếu giờ chuẩn như: Vật lý, Toán và Mỹ thuật.

Năm học 2019-2020, tổng số sinh viên và học viên trong năm học 2019-2020 là 1.030 người, trong đó hệ cao đẳng chính quy 558 sinh viên, còn lại là các nhóm đối tượng khác. Hiện nay, trường đang tiếp tục liên kết với các trường đại học tuyển sinh đào tạo đại học vừa học vừa làm các ngành Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học. Nhà trường hợp đồng giảng viên thỉnh giảng thêm đối với ngành Quản trị văn phòng do thiếu giảng viên; còn 3 giảng viên môn Mỹ thuật và Vật lý thiếu giờ chuẩn.

Thầy trò Trường CĐSP Tây Ninh.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu. Cụ thể, trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và động viên, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia học nâng cao trình độ chuyên môn (từ 2018 đến nay có 1 học nghiên cứu sinh và 8 theo học cao học). Xây dựng lại chương trình đào tạo 3 ngành ngoài sư phạm (Quản trị văn phòng, Công nghệ thông tin, Tiếng Anh) theo hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho người học.

Tổ chức rà soát báo cáo tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục, dự kiến đăng ký đánh giá ngoài vào năm 2020. Chủ động phối hợp với các cơ quan, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp (Công ty CanSport, Công ty cổ phần thiết bị công nghệ Tân Phát…) để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng và tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho sinh viên.

Về những khó khăn, thách thức, lãnh đạo trường nhìn nhận, chỉ tiêu tuyển sinh thu hẹp đối với ngành sư phạm, công tác tuyển sinh một số ngành ngoài sư phạm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Một số ít cán bộ, giảng viên và nhân viên chưa thật sự yên tâm công tác. Một số ngành đào tạo chưa đủ số lượng giảng viên cơ hữu (Khoa học thư viện, Quản trị văn phòng) nhà trường phải hợp đồng thỉnh giảng từ TP. Hồ Chí Minh. Một số phòng học, phòng ký túc xá, trang thiết bị thí nghiệm chưa được sử dụng. 

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn khảo sát nêu một số câu hỏi liên quan đến những vấn đề đặt ra đối với nhà trường, trong đó có việc thành lập một trường nhiều cấp học trong Trường CĐSP. Vấn đề cơ sở vật chất, tuyển sinh hệ chính quy cũng được nêu ra. Lãnh đạo nhà trường cho biết, đối với việc thành lập trường nhiều cấp học, trường đang lập đề án, Sở GD-ĐT cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư (không sử dụng ngân sách).

Việc tuyển sinh chính quy ngày càng khó khăn từ nhiều phía. Ví dụ năm học 2018-2019, trường xin chỉ tiêu đào tạo hơn 120 sinh viên mầm non hệ chính quy nhưng Bộ GD-ĐT chỉ đồng ý cho tuyển một lớp, 46 sinh viên. “Trường dạy nghề tuyển sinh vượt chỉ tiêu có thể được thưởng, còn trường sư phạm tuyển vượt chỉ tiêu 10% là bị phạt”- ông Quách Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Mặt khác, do đặc điểm riêng của nghề nghiệp, nhiều sinh viên mầm non sau khi đi thực tập, thấy nghề dạy học bậc mầm non vất vả, không phù hợp nên bỏ học. Việc tinh giản biên chế, ông Quách Văn Dũng cho rằng, không thể giảm một cách cào bằng, vì nghề dạy học có quy định tỷ lệ giáo viên, giảng viên trên một lớp là bao nhiêu.

Đối với Trường CĐSP, ông Dũng lấy ví dụ, hiện nay giảng viên môn Lịch sử đã về hưu hết, chỉ còn mình ông, do vậy trước sau gì cũng phải tuyển bổ sung để có đội ngũ kế thừa. Về cơ sở vật chất, hiện nay, nhiều dãy phòng ký túc xá không có sinh viên ở. Lý do ngoài chuyện số lượng sinh viên ít, số sinh viên đang học cũng không muốn ở vì thuê nhà bên ngoài tự do hơn.

Khu ký túc xá Trường CĐSP Tây Ninh chỉ mới sử dụng hết 30% số phòng hiện có.

Trường trung cấp y tế đề nghị nâng cấp lên cao đẳng

Theo lãnh đạo Trường trung cấp Y tế, số người học tại trường giảm dần từng năm. Ví dụ, năm học 2014-2015, có 807 người theo học nhưng đến năm học 2018-2019, toàn trường chỉ còn có 212 người.

Có nhiều nguyên nhân khiến công tác tuyển sinh tại Trường trung cấp Y tế ngày càng khó khăn, trong đó có một phần do chính sách. Năm 2015, liên bộ Y tế - Nội vụ ban hành một thông tư, trong đó nói rõ, các đơn vị y tế công lập sẽ không tuyển dụng học sinh, học viên học trung cấp y tế. Trong khi tâm lý chung của người học là muốn làm trong đơn vị công lập thì nhà nước lại không tuyển dụng.

Trong số các ngành đã và đang đào tạo, ngành y sĩ đa khoa tỷ lệ có việc làm thấp nhất. Theo lý giải, đào tạo y sĩ đa khoa là để làm việc tại các nông trường và trường học. Tuy nhiên, thời gian qua, y tế nhà trường được phép tuyển viên chức nhóm ngành sức khoẻ như điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ, hộ sinh...

Để tồn tại và phát triển, lãnh đạo nhà trường cho rằng, phải nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng giống như các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ đã làm.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh