Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Châu Âu "nhận trái đắng" vì trừng phạt Nga
Thứ năm: 13:51 ngày 08/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc Nga đóng đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn khiến giá điện và khí đốt ở châu Âu tăng cao. Điều này đặt EU trước sức ép phải tìm giải pháp khẩn cấp khi mùa đông đang đến gần.

Việc Nga đóng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn khiến châu Âu cảm nhận được tính cấp thiết trong việc đảm bảo vượt qua mùa đông mà không bị cạn kiệt khí đốt. Đây là mặt hàng thiết yếu đối với hệ thống sưởi ấm của các ngôi nhà và là nhiên liệu được sử dụng nhiều trong sản xuất điện trên khắp châu Âu.

Việc Nga đóng đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn khiến giá điện và khí đốt ở châu Âu tăng cao. Ảnh: Getty

Tập đoàn Năng lượng Gazprom ban đầu dự kiến nối lại hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vào ngày 3/9 sau đó thông báo sẽ đóng cửa vô thời hạn do các vấn đề kỹ thuật.

Trong một tuyên bố ngày 5/9, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, những vấn đề kỹ thuật liên quan việc vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ chưa thể giải quyết cho tới khi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Ông cũng khẳng định đây không phải là lỗi của Gazprom mà là do “châu Âu đã từ chối cung cấp thiết bị” vốn được quy định trong hợp đồng.

Động thái mới của Nga khiến các nhà hoạch định chính sách châu Âu phải chạy đua với thời gian nhằm đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt trong các cơ sở dự trữ dưới lòng đất khi những tháng mùa đông lạnh giá sắp đến.

“Châu Âu gieo nhân nào, gặt quả nấy”

Giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 30% vào ngày 5/9 sau khi Gazprom thông báo tạm dừng hoạt động của Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn. Điều này cũng khiến giá điện tăng theo do nguồn điện sản xuất từ khí đốt chiếm tỷ lệ đáng kể trong mạng lưới điện ở châu Âu.

Các nhà phân tích cho rằng việc Nga dừng vận chuyển khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 tới châu Âu có thể làm trầm trọng thêm giai đoạn mùa đông vốn đã có nhiều thách thức.

Báo cáo mới đây của công ty tư vấn Rystad Energy cho rằng: “Ngành năng lượng châu Âu sẽ tiếp tục chịu cú sốc vì sự biến động giá cả cũng như những bất ổn trong mùa đông tới”.

Theo Rystad Energy, giá điện ở Tây Âu đã tăng lên “mức chưa từng thấy”. Vấn đề sẽ càng trầm trọng hơn nếu châu Âu không thể nhận thêm khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 trong cả mùa đông.

Phương Tây cho rằng, giá điện tăng cao trên khắp châu Âu chủ yếu là do Nga “vũ khí hóa” việc cung cấp khí đốt để “tấn công” các đồng minh của Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo mùa đông sắp tới có thể là một thời kì khó khăn đối với các quốc gia châu Âu và chính họ phải chịu trách nhiệm về điều đó.

“Châu Âu gieo nhân nào, gặt quả nấy”, ông Erdogan nói, cho rằng các lệnh trừng phạt sâu rộng áp đặt lên Nga là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

EU chuẩn bị can thiệp khẩn cấp

Trước cơn “bão giá” hiện nay, Ủy ban châu Âu (EC) đang lên kế hoạch “can thiệp khẩn cấp” vào thị trường năng lượng. Mặc dù chưa công bố đề xuất chính thức nào, nhưng Ủy ban châu Âu đã nêu ra một số lựa chọn.

Trong bản đánh giá sơ bộ mà Politico tiếp cận được hồi tuần trước, EC đề xuất các nỗ lực giảm nhu cầu sử dụng điện, áp mức trần giá điện sản xuất từ các nguồn nhiên liệu ngoài khí đốt và tái phân bổ doanh thu từ các nhà sản xuất năng lượng có lợi nhuận cao để hỗ trợ người tiêu dùng.

EC cũng đề cập một số ý tưởng áp mức trần đối với giá khí đốt của Nga hoặc hạ giá khí đốt thông qua các biện pháp hành chính.

Thực tế nhiều nước đã hành động từ trước và đã có những kế hoạch riêng nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trước tình hình giá năng lượng tăng mạnh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp đã chuẩn bị kế hoạch chuyển nhiều khí đốt hơn tới Đức trong mùa đông năm nay để đối lấy việc tăng nhập khẩu điện từ Berlin.

Đức, Italy và Tây Ban Nha đã đưa ra các kế hoạch yêu cầu tiết kiệm năng lượng trên diện rộng trong đó có việc hạn chế nhiệt độ cho các cơ sở kinh doanh.

Các đề xuất được Cộng hòa Séc - quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, đưa ra bao gồm tạm thời giới hạn giá nhập khẩu khí đốt tự nhiên và khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, đồng thời giới hạn doanh thu của các công ty thủy điện, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo vốn có chi phí vận hành thấp. Doanh thu vượt quá một mức nhất định sẽ được phân phối lại để hỗ trợ khách hàng.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - 2 nước được sự cho phép đặc biệt từ Ủy ban châu Âu hồi tháng 6 để áp mức trần tạm thời đối với khí đốt, đang được xem là hình mẫu thử nghiệm cho các biện pháp tương tự áp dụng trên toàn khối.

Bài toán nan giải

Mặc dù vậy, vẫn có sự chia rẽ giữa các nước EU về giải pháp can thiệp thị trường năng lượng, đặc biệt là việc áp mức trần giá khí đốt.

“Nếu Ủy ban châu Âu quyết định áp mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên vận chuyển qua đường ống từ Nga, Pháp sẽ ủng hộ”, Tổng thống Macron cho biết.

Ba Lan thậm chí còn tuyên bố sẽ ủng hộ việc áp giá trần giá tất cả khí đốt nhập khẩu vào châu Âu.

Trong khi đó, Đức tỏ ra hoài nghi về giải pháp này. Mặc dù hiện tại Đức nhận ít khí đốt từ Nga hơn so với trước đây, nhưng Berlin vẫn lo ngại Moscow có thể đáp trả bằng cách dừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang EU.

Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ họp tại Brussels vào ngày 9/9, nhưng khó có khả năng đạt được thỏa thuận. Theo một nhà ngoại giao EU, hội nghị này sẽ chỉ thiên về việc thảo luận quan điểm của các quốc gia. Đề xuất chính thức sẽ được đưa ra sau bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen vào ngày 14/9. Các cuộc đàm phán chính thức dự kiến diễn ra tại Hội đồng Năng lượng vào tháng 10 tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: “Nếu thống nhất và đồng lòng về một giải pháp, chúng ta sẽ chỉ mất vài tuần thay vì vài tháng”./.

Nguồn VOV

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục