Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Châu Âu có ít mây trong mùa hè, điều này khiến Châu Âu hứng chịu nhiều ánh nắng mặt trời hơn và nhiệt độ tăng cao hơn.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, trong 3 thập kỷ qua, châu Âu đã ấm lên gấp đôi so với phần còn lại của thế giới và trải qua mức tăng nhiệt độ lớn nhất so với bất kỳ châu lục nào.
Số liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho thấy, từ năm 1991 đến năm 2021, nhiệt độ trên toàn châu Âu tăng trung bình 0,5 độ C mỗi thập kỷ, trong khi mức tăng trung bình toàn cầu là 0,2 độ C.
Người dân đi qua một biển báo nhiệt độ 46 độ C tại Bilbao, Tây Ban Nha ngày 17/6. (Ảnh: Reuters)
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ tại châu Âu tăng nhanh do phần lớn diện tích châu lục này nằm gần Bắc Cực, nơi nhiệt độ tăng nhanh nhất thế giới và chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu.
Bà Freja Vamborg, nhà khoa học cao cấp của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus dẫn chứng rằng, Châu Âu có ít mây trong mùa hè. Điều này khiến Châu Âu hứng chịu nhiều ánh sáng mặt trời hơn và nhiệt độ tăng cao hơn.
Một số nhà khoa học đã gọi châu Âu là "điểm nóng sóng nhiệt" vì số lượng sóng nhiệt trên lục địa này tăng nhanh hơn so với các khu vực khác do sự thay đổi của hoàn lưu khí quyển.
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas đánh giá: “Tình hình nắng nóng ở châu Âu cho thấy một bức tranh trực quan về một trái đất đang nóng lên và nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những xã hội được chuẩn bị tốt cũng không an toàn trước tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt”.
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới nhấn mạnh, mặc dù nhiệt độ đang tăng lên, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng cắt giảm 31% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ năm 1990 đến năm 2020 và đặt mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030./.
Nguồn VOV1
Theo Reuters