Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trước sự ngạc nhiên và lo ngại của Hoa Kỳ và châu Âu, phản ứng chủ yếu của châu Phi đối với cuộc chiến ở Ukraine là thái độ trung lập và ngày càng ủng hộ một thế giới đa cực.
Ngày 20.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow. Cuộc gặp, tại đó hai nhà lãnh đạo “tái khẳng định bản chất đặc biệt của quan hệ đối tác Nga - Trung Quốc”, có thể là một thời điểm quan trọng trong sự xuất hiện của một thế giới đa cực mới.
Nhưng trong khi Hoa Kỳ và các đối tác châu Âu đang mải lo lắng về cuộc gặp với của Tổng thống Nga với Chủ tịch Tập Cận Bình, thì ông Putin bận rộn với hai hội nghị quan trọng: Hội nghị Nga - châu Phi trong một thế giới đa cực, diễn ra tại Duma Quốc gia ở Moscow hồi tháng 3.2023 và Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi vừa diễn ra tại St. Peterburg cuối tháng 7.2023. Cả hai hội nghị đều được các nước châu Phi hưởng ứng đã chứng minh rằng "lục địa đen" không định quay lưng với Nga bất chấp sức ép trừng phạt từ Mỹ.
Chiến lược của Nga
Tại hội nghị ở Moscow, các nước châu Phi có được cam kết chắc chắn về một mối quan hệ bình đẳng với Nga. Trước các cử tọa là các nhà lập pháp đến từ các nước châu Phi, ông Putin khẳng định: “Sẽ không quá lời khi nói rằng ưu tiên hợp tác với các quốc gia châu Phi là một trong những ưu tiên bất biến trong chính sách đối ngoại của Nga”. Ông đặc biệt nhấn mạnh: “Mối quan hệ của chúng ta luôn được xây dựng trên cơ sở vô tư, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ”.
Alden Young, Giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại UCLA nhận định, các nước châu Phi có thái độ bất mãn sâu sắc với tình trạng đơn cực. Trong thế giới đó, họ thường cảm thấy “bị gạt ra ngoài lề” và họ “thất vọng vì không thể có tiếng nói lớn hơn trong các tổ chức quốc tế”. Như Nam Phi đã thấy, BRICS có lẽ là tổ chức quốc tế quan trọng duy nhất mà một quốc gia châu Phi có tiếng nói bình đẳng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai vừa diễn ra vào cuối tháng 7, Nga tiếp tục làm yên lòng châu Phi về vấn đề lương thực, an ninh và hợp tác bình đẳng.
Thứ nhất, Nga đã khẳng định không chủ trương gây thiệt hại đến an ninh lương thực ở châu Phi. Việc Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen từ ngày 17.7 đã khiến nguồn cung ngũ cốc của Ukraine bằng đường biển bị phong tỏa. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến 45 quốc gia nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, mà còn tạo ra nhiều cáo buộc cho rằng Nga muốn kích hoạt khủng hoảng nguồn cung lương thực toàn cầu.
Do đó, thông qua thượng đỉnh lần này, ông Putin đã khẳng định Nga sẽ đảm bảo tiếp tục cung cấp lương thực theo cả hai hình thức hợp đồng và viện trợ miễn phí cho châu Phi bằng cách tăng gấp 3 lần lượng lương thực xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022. Năm ngoái, Nga đã xuất khẩu 11,5 triệu tấn ngũ cốc sang châu Phi và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã đạt gần 10 triệu tấn, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thứ hai, phía Nga thông báo mong muốn hỗ trợ châu Phi về y tế, giáo dục, công nghệ và năng lượng. Phía Nga cũng tuyên bố đã xóa nợ 23 tỷ USD (hơn 90% vấn đề nợ của châu Phi) và sẽ phân bổ thêm 90 triệu USD cho các mục tiêu phát triển theo yêu cầu của các nước châu Phi. Ngoài ra, các tập đoàn năng lượng Nga sẽ tham gia xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở châu Phi dẫn đầu là dự án ở Ai Cập.
Thứ ba, Nga đã thành công thuyết phục các nước châu Phi trong việc chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch thương mại, vốn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Nga nhằm "phi đô la hóa". Đây được Nga xem là một động thái nền tảng quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh khối BRICS vào tháng 8 sắp tới, với hơn 69 quốc gia khách mời bao gồm đa số các nước châu Phi.
Olayinka Ajala, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Leeds Beckett nhận định: “Với dân số hơn 1,2 tỷ người, nếu Nga và Trung Quốc có thể thuyết phục các nước châu Phi về việc cần phải từ bỏ đồng đô la, thì đó sẽ là cơ chế giải phóng khỏi một thế giới do Mỹ lãnh đạo”.
Con đường thứ ba
Các chuyên gia đánh giá, sự lựa chọn của châu Phi về tính trung lập không phải là họ đang từ chối đảm nhận một vai trò. Đó là lập trường mạnh mẽ mà ở đó một quốc gia không phải chọn phe trong một thế giới nơi có thể hợp tác với nhiều cực.
Mỹ từng gây áp lực mạnh mẽ đối với Châu Phi để ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà họ thúc đẩy. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Linda Thomas-Greenfield, từng cảnh báo các nước châu Phi rằng: “Nếu một quốc gia quyết định can dự với Nga, nước đang phải chịu trừng phạt thì có nghĩa nghĩa họ cũng đang vi phạm lệnh trừng phạt đó”. Tuy nhiên, đến nay không một quốc gia châu Phi nào trừng phạt Nga.
Vào tháng 7.2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Nam Phi để cảnh báo Pretoria tránh hợp tác với Nga nhưng không thành công. Vào tháng 9.2022, Tổng thống Joe Biden đã gặp người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa trong nỗ lực thuyết phục quốc gia được coi là trung lập hàng đầu của châu Phi. Nhưng chuyến đi cũng không thu được kết quả tốt đẹp hơn. Nam Phi đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ lãnh đạo và bỏ phiếu trắng trong cuộc họp chống lại Nga tại Liên Hợp Quốc.
Vào tháng 6.2022, Tổng thống Senegal, Macky Sall, được tháp tùng bởi chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat trong chuyến đi tới Moscow. Chuyến thăm đặc biệt đáng lo ngại đối với Washington và phương Tây bởi vì Macky Sall không chỉ là Tổng thống của Senegal mà còn là Chủ tịch của Liên minh châu Phi vào thời điểm đó. Khi đó, Washington và phương Tây đã tự hỏi liệu lập trường của Macky Sall có nên được hiểu là đại diện cho lập trường của toàn bộ châu Phi hay không.
Có nhiều lý do giải thích cho quyết định lựa chọn “con đường thứ ba” của châu Phi và bảo vệ một thế giới đa cực. Ít nhất là châu Phi cảm thấy khó tin vào thông điệp của Mỹ khẳng định họ là những lực lượng dân chủ chính nghĩa đang có trách nhiệm trừng phạt các quốc gia không tôn trọng chủ quyền và coi thường luật pháp quốc tế.
Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor từng nói rằng: Một số nước sử dụng các khái niệm về quy tắc và luật pháp quốc tế này một cách “linh hoạt” và tiêu chuẩn kép. Họ sẽ thấy nó phù hợp khi cần sử dụng nhưng có thể phớt lờ nếu có ảnh hưởng đến lợi ích của họ”.
Trong khi đó, châu Phi chưa bao giờ lãng quên hàng chục năm chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân mới, và cũng nhớ ra rằng Nga không có di sản thuộc địa ở châu Phi và không có quốc gia châu Phi nào coi Nga là kẻ thù.
Có một số động lực khác thúc đẩy tính trung lập của châu Phi. Chẳng hạn, nhiều quốc gia châu Phi coi cuộc chiến ở Ukraine không liên quan đến họ. Mvemba Dizolele, giám đốc chương trình châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với The Washington Post rằng: “Châu Phi tin rằng, cuộc chiến này là vấn đề của phương Tây. Đó là một phần của tư duy châu Phi: Vấn đề của bạn không có nghĩa là vấn đề của toàn thế giới”.
Các nước châu Phi cũng chưa quên thái độ phân biệt đối xử và bỏ bê của phương Tây trong đại dịch Covid-19. Một quan chức châu Phi từng nói: “Trong khi các quốc gia phương Tây giàu có ngồi trên kho vaccine của họ hoặc vứt bỏ vaccine hết hạn, lờ đi các nước châu Phi thì, Nga là một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp cho chúng tôi một lượng lớn vaccine, bộ dụng cụ xét nghiệm, thiết bị bảo vệ cá nhân và các hàng hóa y tế và nhân đạo khác”.
Ngay cả khi chiến tranh nổ ra, các nước châu Phi đã vô cùng lo lắng bởi họ phụ thuộc vào Nga và Ukraine về lúa mì và phân bón. Vì vậy, họ đã rất nhẹ nhõm trước thỏa thuận Ngũ cốc biển Đen được ký kết tại Istanbul giữa Nga và Ukraine cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng của Ukraine. Nhưng, như Putin đã nhắc nhở các đại biểu tại hội nghị ở St. Peterburg, “khoảng 45% tổng khối lượng ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine được chuyển đến các nước châu Âu nhưng chỉ 3% được chuyển đến châu Phi... mặc dù thực tế là toàn bộ thỏa thuận này được trình bày theo lấy cớ đảm bảo lợi ích của các nước châu Phi”.
Và do đó, trước sự ngạc nhiên và lo ngại của Mỹ và châu Âu, phản ứng chủ yếu của châu Phi đối với cuộc chiến ở Ukraine là trung lập và ngày càng ủng hộ một thế giới đa cực.
Nguồn daibieunhandan