Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Châu Thành: Chậm giao đất vì… chờ thống nhất hướng giải quyết
Thứ hai: 11:06 ngày 01/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hai hộ bà Đỗ Ngọc Lệ và bà Trần Thị Nhung (cùng ngụ xã Thanh Điền, Châu Thành) đã nhiều năm khiếu nại về việc giao đất tại dự án Khu dân cư Thanh Phước - Thanh Thuận (xã Thanh Điền).

Bà Lệ trình bày lại vụ việc.

Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định giải quyết khiếu nại, cả hai bà đều vui mừng đồng tình với kết quả. Tuy nhiên, đến nay, việc giao đất cho hai hộ gia đình trên vẫn chưa được thực hiện dứt điểm.

KHIẾU NẠI KÉO DÀI

Theo đơn trình bày của bà Đỗ Ngọc Lệ, khoảng năm 1984, vợ chồng bà Lệ đến ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền mua của ông Dương Ngọc Lợi một căn nhà vách đất, mái lợp tôn, tổng diện tích đất khoảng 238,6m2, ngang khoảng 12,56m x dài 19m (đã trừ phần đất thuộc mốc lộ giới mới hiện nay của đường 786). Đất được mua với giá 20.000 đồng vào thời điểm đó, việc mua bán có lập giấy tay.

Gia đình bà Lệ đã sinh sống ổn định trên phần đất này. Đến năm 1997, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 374 cấp giấy chứng nhận QSDĐ 962.507m2 cho Công ty cao su 1-5 Tây Ninh quản lý và sử dụng, trong đó có phần đất của gia đình bà Lệ.

Đến năm 1999, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi Quyết định 374 trước đó cùng giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho Công ty cao su 1-5 Tây Ninh. Ngày 21.4.1999, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tiếp Quyết định số 80 giao diện tích 893.038m2 đất nông nghiệp (đất cao su đã thanh lý) cho UBND huyện Châu Thành quản lý, sử dụng theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Năm 2001, UBND huyện Châu Thành lập phương án giao đất Khu dân cư Thanh Phước - Thanh Thuận, xã Thanh Điền.

Mục tiêu dự án là giao đất theo diện tích thực tế có thu tiền sử dụng đất, ổn định cuộc sống cho người dân đang cư ngụ. Ưu tiên giao đất cho những hộ dân đang sử dụng đất, phần đất còn lại xem xét giao cho các hộ cán bộ về hưu, cán bộ công nhân viên chức, người dân tại đây chưa có đất ở.

Tháng 5.2001, UBND huyện Châu Thành có tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt phương án nêu trên, xử lý các phần đất trống được phân thành các lô có diện tích 210m2/lô và tổ chức bán đấu giá công khai, rộng rãi. Ngày 20.7.2001, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 484 phê duyệt Dự án giao đất khu dân cư Thanh Phước - Thanh Thuận.

Theo bà Đỗ Ngọc Lệ, trong Quyết định 484 có quy định rõ phương thức giao đất và thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, tại điểm a, khoản 3, điều 1 của quyết định, các hộ dân sử dụng đất ổn định trước ngày 31.5.1990 không phải nộp tiền sử dụng đất (phần diện tích trong hạn mức đất ở)...

Tuy nhiên, khi UBND huyện Châu Thành tiến hành giao đất cho gia đình bà lại thu 100% tiền sử dụng đất. Ngoài ra, UBND huyện còn không đồng ý giao đất cho gia đình bà Lệ theo hiện trạng sử dụng với chiều ngang khoảng 12,56m, mà huyện chỉ chấp nhận giao đất với chiều ngang khoảng 8m. Phần diện tích còn lại bị thu hồi sẽ tổ chức bán đấu giá.

Tháng 12.2010, Hội đồng giao đất huyện Châu Thành ra Thông báo số 156 về việc thu tiền sử dụng đất đối với gia đình bà Lệ. Thứ tự lô đất số 47 có diện tích 437,5m2 (tính trừ phần đất theo mốc lộ giới cũ) sẽ được giao cho bà Lệ, với tổng số tiền sử dụng đất phải thu khoảng 468 triệu đồng.

Trong đó, 400m2 hạn mức đất ở nông thôn tại khu vực 1, vị trí 1 được tính với giá 1.040.000 đồng/m2; 37,5m2 nằm ngoài hạn mức đất ở có giá 1.400.000 đồng/m2. Bà Lệ đã không nộp tiền sử dụng đất theo thông báo, một mực cho rằng đất được sử dụng từ trước ngày 31.5.1990 nên không phải nộp tiền. Bà đã gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Châu Thành với hai nội dung, việc thu tiền sử dụng đất và giao đất không đúng theo diện tích thực tế đang sử dụng.

Tháng 4.2015, UBND huyện ban hành Quyết định số 846 bác đơn khiếu nại của bà Lệ. Tại phần kết luận của quyết định này nêu rõ: “Ngày 20.12.2004, UBND tỉnh có Quyết định số 5062 về việc điều chỉnh Quyết định số 484 ngày 20.7.2001; tiếp đến là Quyết định số 1786 ngày 27.9.2010 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định 484.

Việc Hội đồng giao đất huyện Châu Thành ban hành thông báo thu tiền sử dụng đất đối với hộ bà Lệ là đúng theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn”. Từ cơ sở trên, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành ra quyết định bác đơn khiếu nại của bà Lệ, vì không có cơ sở pháp lý.

Thực tế, UBND tỉnh có ban hành hai quyết định để điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung Quyết định số 484 như UBND huyện đã đề cập. Trong các điều khoản được sửa đổi và bổ sung có phần nội dung đáng lưu ý: “Đối với những hộ trước đây tự lấn chiếm đất làm nhà ở trong khu quy hoạch thì được hợp thức hoá quyền sử dụng đất, nhưng phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất tại khoản 2, điều 1 của Quyết định số 484.

UBND huyện Châu Thành xét giao đất theo hiện trạng đang sử dụng (xem xét đối với những hộ có nhiều thế hệ chung sống, không có nhà và đất ở nơi khác)”. Trường hợp của hộ bà Lệ, UBND huyện xác định phần đất mà gia đình bà đang sử dụng có nguồn gốc là do lấn chiếm. Nên huyện đã áp dụng theo nội dung vừa trích dẫn để tiến hành thu tiền sử dụng đất bằng 100%.

Hộ bà Lệ vẫn không nộp tiền sử dụng đất và tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên cấp tỉnh. Ngày 10.9.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2232 về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Lệ (lần 2). Trong phần nội dung kết luận, Quyết định 2232 nêu rõ, việc UBND huyện Châu Thành ban hành thông báo yêu cầu bà Lệ nộp tiền sử dụng đất với giá 100% là căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Huyện đã thực hiện đúng theo tinh thần Quyết định số 5062 năm 2004 và Quyết định số 1786 năm 2010 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, vào thời điểm UBND huyện Châu Thành ban hành thông báo thu tiền sử dụng đất, bà Lệ đã không nộp tiền và làm đơn khiếu nại.

Hiện nay, Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn đã hết hiệu lực thi hành, nên việc thu tiền sử dụng đất phải căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 45 ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, Nghị định số 43 ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai…

Đất bà Lệ sử dụng là do lấn chiếm trước ngày 15.10.1993. Khi UBND huyện thu tiền sử dụng đất vào thời điểm năm 2005, 2010, bà Lệ đã không nộp. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng không có biện pháp xử lý việc không nộp tiền đối với hộ bà Lệ. Do đó, trường hợp của bà Lệ cần xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

VẪN CHƯA RÕ VIỆC GIỮ NGUYÊN HIỆN TRẠNG ĐẤT?

Quyết định số 2232 của Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp nhận một phần nội dụng đơn khiếu nại của bà Lệ trong việc khiếu nại Quyết định số 846 ngày 20.4.2015 của Chủ tịch UBND huyện Châu Thành. Giao UBND huyện thu hồi Quyết định số 846 và Thông báo số 156 như đã nêu trên. Giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất cho gia đình bà Lệ. Bà phải nộp 50% tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở tại địa phương, theo bảng giá đất quy định tại thời điểm có quyết định công nhận QSDĐ của cơ quan có thẩm quyền.

Bà Lệ phải nộp 100% tiền sử dụng đất đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở. Cả hai mức giá này được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 45 ngày 15.5.2014 của Chính phủ. Chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này, báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Cùng gửi đơn đến Báo Tây Ninh còn có hộ bà Trần Thị Nhung (hàng xóm của bà Lệ, ngụ ấp Thanh Thuận). Hộ bà Nhung cũng có đất liên quan đến dự án giao đất Khu dân cư Thanh Phước - Thanh Thuận. Bà Nhung được UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết đơn khiếu nại tương tự như trường hợp của bà Lệ. Cả hai bà đều đồng ý với kết quả giải quyết của UBND tỉnh và đang chờ được UBND huyện giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Thế nhưng, từ đó đến nay, việc giao đất cho hai bà vẫn chưa được thực hiện dứt điểm. Bà Lệ, bà Nhung tiếp tục gửi đơn đến nhiều cơ quan để “khiếu nại UBND huyện Châu Thành chậm thực hiện theo quyết định giải quyết đơn khiếu nại của UBND tỉnh”.

Qua trao đổi, ông Trịnh Thanh Đông- Phó chánh Văn phòng UBND huyện Châu Thành cho biết “chậm” giao đất cho hai hộ dân trên là do có “diễn biến quan trọng” phải chờ xin ý kiến của lãnh đạo huyện và tỉnh. Cụ thể, từ khi mốc lộ giới mới được cắm, số diện tích đất mà người dân phải đóng tiền sử dụng đất có giảm so với trước đó (thời điểm tính theo mốc lộ giới cũ), thậm chí giảm khoảng một nửa.

Bà Lệ, bà Nhung phát sinh yêu cầu cơ quan chức năng phải giao thêm phần đất đã phân lô giáp ranh để “bù” vào hạn mức đất ở do có giảm. Đồng thời, hai bà đề nghị chỉ thu 50% tiền sử dụng đất ở, tính luôn cả phần được “bù” vào. Vì theo hai bà, khi gộp cả phần đất ở hiện trạng và đất đã được phân lô liền kề vẫn chưa vượt quá hạn mức 400m2 đất ở nông thôn/hộ, nên không thể thu tiền sử dụng đất với giá 100%.

Ông Đông lưu ý, phần diện tích đất đã phân lô giáp ranh được xác định nằm ngoài phạm vi đất ở của hai bà và phải giao đất theo hình thức bán đấu giá. Trước đây, hộ bà Nhung và bà Lệ từng khiếu nại về phần đất đã phân lô này nhưng UBND huyện bác đơn.

Có thể hiểu việc “giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất” tại quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh là giữ theo hiện trạng đã phân lô. Nếu đất được xác định theo mốc lộ giới mới, thì khi gộp cả phần đất ở của hai hộ dân trên và đất đã phân lô liền kề vẫn chưa vượt quá hạn mức 400m2 đất ở nông thôn/hộ. Việc này phát sinh bất cập trong việc thu tiền sử dụng đất. Nếu thực hiện theo yêu cầu của hai bà thì Nhà nước sẽ bị thất thu ngân sách đối với phần đất trống giáp ranh đã phân lô của dự án. Đây là vấn đề quan trọng, các phòng chức năng chờ chỉ đạo của cấp trên. 

“UBND tỉnh có nêu rõ trong quyết định giải quyết khiếu nại là giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất cho gia đình tôi và bà Nhung. Theo chúng tôi hiểu, giữ nguyên hiện trạng đất tức là hiện trạng ban đầu người dân sử dụng đất, khi chưa tiến hành phân lô. Phần diện tích đất của gia đình tôi và bà Nhung đã bị thu hồi để đưa vào dạng đất trống của dự án (phần phân lô bán đấu giá) nhưng thật ra đất không trống, trên đất đều có cây trồng và công trình phụ.

UBND tỉnh xem xét giải quyết khiếu nại theo hướng giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất cho người dân như trên là hợp lý. Thực tế, trên các phần đất này hiện vẫn đang tồn tại các công trình do hai hộ chúng tôi đang quản lý, sử dụng và không xảy ra tranh chấp với các hộ giáp ranh. Rất mong UBND huyện Châu Thành xem xét giao đất dứt điểm theo hướng giải quyết của UBND tỉnh”, bà Lệ nêu ý kiến.

Cả hai bà cho biết sẽ có đơn kiến nghị UBND tỉnh giải thích lại cho rõ hơn một phần nội dung quyết định giải quyết khiếu nại. Cụ thể, “giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất” là giữ theo hiện trạng ban đầu hay khi đất đã được phân lô? Để từ cơ sở đó, hai bà có hướng chấp hành theo quyết định, đồng thời yêu cầu UBND huyện Châu Thành giải quyết dứt điểm vụ việc theo tinh thần quyết định của UBND tỉnh.

Về vụ khiếu nại của bà Lệ, bà Nhung, ông Trịnh Thanh Đông cho hay, sau khi có ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, UBND huyện sẽ mời hai bà lên làm việc, thống nhất hướng giải quyết dứt điểm.

QUỐC SƠN

Tin cùng chuyên mục