BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành: Đón nhận bằng công nhận 2 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia

Cập nhật ngày: 23/01/2014 - 05:52

Đến dự có Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Võ Hoàng Khải.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang (giữa) trao 2 bằng chứng nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia cho lãnh đạo huyện Châu Thành.

Sau thời gian đề nghị, ngày 12.11.2013 cả 2 di tích “Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần” và “Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn” đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Cách đây 84 năm (3.2.1930), cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được thành lập tại Giồng Nần (nay thuộc ấp Long Đại, xã Long Vĩnh). Hoạt động của cơ sở Đảng ở Giồng Nần đã làm thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân.

Từ đó dẫn đến sự ra đời và phát triển của các cơ sở Đảng ở Quán cơm, Chi bộ Đảng ở Phước Chỉ… góp phần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về lực lượng, ý thức cách mạng để khi Ban cán sự Đảng tỉnh ra đời đủ sức tập hợp, lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công ở Tây Ninh.

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 22.11.2005, UBND tỉnh xếp hạng “Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần” là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh với tổng diện tích là 1.073,12 m2.

Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn hình thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là nơi được đế quốc Mỹ chọn để xây dựng căn cứ quân sự loại lớn, vừa là hậu cần cho nhiều căn cứ khác như: Đồng Pan, Thiện Ngôn… vừa là căn cứ chỉ huy tiền phương nhằm triệt phá căn cứ của cách mạng. Trước mưu đồ đó của Mỹ, cuối năm 1965 Tỉnh uỷ Tây Ninh đã chủ trương thành lập thế trận bao vây xung quanh căn cứ Trảng Lớn và tạo thành vành đai diệt Mỹ.

Trong 2.250 ngày chiến đấu trên vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn (từ 10.1965 đến 4.1972), Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cách mạng trên toàn miền Nam làm thất bại hai gọng kìm “Tìm diệt” và “Bình định” của Mỹ- ngụy.

Để lưu niệm một thời chiến đấu oanh liệt, huyện Châu Thành đã chọn khu đất tại ngã tư đường Tua Hai Đồng Khởi và hương lộ 3 thuộc khu phố 1, thị trấn Châu Thành làm “Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”. Ngày 27.9.1999, “Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn” được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh với tổng diện tích là 11.923,1 m2.

Hoàng Trương