Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Châu Thành hiện là một trong những huyện có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất tỉnh.

Châu Thành hiện là một trong những huyện có số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) cao nhất tỉnh.
Tính đến hết tháng 11.2011 toàn huyện có 525 ca mắc TCM, trong đó xã Thanh Điền nhiều nhất với 76 ca, kế đến là Thái Bình 57 ca. Riêng ở xã Biên Giới, tính đến thời điểm này có 44 ca, trong khi năm 2010 toàn xã không ghi nhận ca nào. Năm 2011 này, đến ngày 1.9 xã Biên Giới mới có ca mắc TCM đầu tiên được ghi nhận, hiện nay ngành y tế phối hợp cùng các ngành, đoàn thể dập được 6 ổ dịch nhỏ trên địa bàn, ổ dịch cuối cùng được dập tắt cách nay gần 1 tháng. Trong đó có một ổ dịch tại Trường mẫu giáo Biên Giới với 2 ca mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng trạm Y tế xã Biên Giới cho biết: khi dịch bệnh xảy ra, ngành y tế đã tiến hành dập dịch với việc phát cloramin B cho trường để vệ sinh trường lớp, hướng dẫn cách rửa tay đúng cách cho thầy và trò trong trường, kiểm tra vệ sinh phòng học, đồ dùng, đồ chơi mỗi ngày trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Theo lời cô Lê Thị Hồng Thuý, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Biên Giới: “Từ ngày 2 đến 11.11 chúng tôi đã cho các cháu nghỉ học để đảm bảo sức khoẻ. Sau 10 ngày các cháu đã trở lại trường, 2 cháu mắc bệnh nay cũng đã đi học lại bình thường”.
![]() |
Giám sát việc vệ sinh tại trường mẫu giáo |
Công tác phòng, chống bệnh TCM ở xã Biên Giới được chính quyền địa phương quan tâm, đội ngũ nhân viên y tế cũng rất tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong 4 ấp. Nhờ vậy, khoảng 1 tháng qua chưa ghi nhận thêm ca mắc bệnh mới nào.
Trên địa bàn xã Biên Giới có các hộ dân tộc thiểu số sinh sống, cho đến nay ngành y tế địa phương chưa ghi nhận ca mắc bệnh TCM nào trong các hộ này. Nhưng công tác tuyên truyền vẫn được tiến hành trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ý thức của các bậc phụ huynh học sinh về việc phòng, chống dịch bệnh cũng được nâng lên.
Ở xã Thanh Điền có số ca mắc TCM nhiều nhưng chủ yếu chỉ là thông tin nhận được từ các bệnh viện tuyến trên, còn tại trạm y tế xã chưa trực tiếp điều trị ca nào. Điều này là do địa bàn xã nằm gần khu vực trung tâm huyện và tỉnh nên người dân có khuynh hướng đến thẳng tuyến huyện hoặc tỉnh để điều trị. Bác sĩ Tùng, công tác tại Trạm Y tế xã Thanh Điền cho biết: nhiều trường hợp bệnh nhân được phản hồi về địa phương, địa chỉ không rõ ràng đã gây khó cho việc điều tra, theo dõi tình hình của bệnh nhân. Không ít người dân vẫn còn hời hợt trong việc bảo vệ sức khoẻ con em mình, chỉ khi con em mắc bệnh mới chịu quan tâm. Mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh đã được tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin công cộng ở xã nhưng vẫn có không ít trường hợp trẻ em mắc bệnh ở giai đoạn nặng mới được gia đình đưa đến bệnh viện. Đơn cử ở xã Biên Giới có 2 trường hợp phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM).
Tình hình nhân sự thiếu thốn cũng gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh TCM ở huyện Châu Thành. Điều đáng ghi nhận là có những nơi, khi dịch bệnh xảy ra thì chính quyền cũng như đoàn thể các cấp cùng vào cuộc quyết liệt. Nhưng cũng có nơi, đôi khi các đoàn thể chưa phối hợp tốt với ngành y tế, trong khi bản thân ngành này nhân lực có hạn nên công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao. Qua đó, có thể thấy rằng nếu chỉ “quyết liệt chỉ đạo” thôi thì chưa đủ mà cần phải có sự “quyết liệt tham gia” của mọi cấp, mọi ngành, đoàn thể, công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung- bệnh TCM nói riêng mới thật sự có tác động tích cực đến cộng đồng xã hội.
NGÔ TUYẾT