Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhằm cung cấp chính xác dữ liệu, hình ảnh liên quan đến các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện; tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, năm 2024, Huyện đoàn Châu Thành thực hiện mô hình “Giới thiệu các địa điểm di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện” qua mã QR.
Infographic giới thiệu về di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai.
Anh Lê Ngọc Minh Hùng - Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết, để thực hiện mô hình, Huyện đoàn phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện uỷ nhờ hỗ trợ thông tin về các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn huyện; biên soạn, thiết kế nội dung của các di tích thành sách đọc online trên mạng xã hội; tạo 2 mã QR cho từng di tích lịch sử, văn hóa, gồm 1 mã QR phục vụ nội dung và hình ảnh của di tích, 1 mã QR phục vụ video giới thiệu về lịch sử và quá trình hình thành của di tích.
Đến nay, Huyện đoàn đã thực hiện số hoá và gắn mã QR của 16 di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn huyện, gồm di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai; Địa điểm Tưởng niệm các chiến sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 hy sinh trong trận đánh Sư đoàn 25 Mỹ năm 1968; Căn cứ Huyện ủy Châu Thành; di tích lịch sử văn hóa Ngôi mộ ông Trương Quyền; Địa điểm Vành đai diệt Mỹ Trảng lớn; Căn cứ bộ Bộ đội Hải ngoại số 1 - Sivôtha; di tích lịch sử văn hóa Chiến thắng Thanh Điền, tháng 3.1946; Khu lưu niệm Cơ sở Đảng đầu tiên tại Giồng Nần…
Các bảng quét mã QR được lắp đặt tại cửa chính của các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa. Trong bảng sẽ bao gồm tên của di tích, mã QR infographic và mã QR video giới thiệu về di tích. Mọi người đến tham quan quét mã QR để thu thập, nắm thông tin một cách đầy đủ, tiện lợi nhất, bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử của điểm di tích mà không cần có người thuyết minh.
Các đơn vị tham gia cuộc thi giới thiệu điểm đến di tích gắn với chuyển đổi số.
Ngoài ra, Huyện đoàn phối hợp Phòng Văn hoá và Thông tin huyện tổ chức cuộc thi giới thiệu điểm đến di tích gắn với chuyển đổi số; qua đó đã tiếp nhận 19 infographic, 13 video giới thiệu về di tích lịch sử. Sau đó, Huyện đoàn đăng tải các sản phẩm dự thi lên trên trang fanpage của đơn vị, thu hút hơn 10.760 lượt tương tác của đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân trên địa bàn huyện.
“Việc số hóa các di tích lịch sử, văn hóa không chỉ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác mà còn là hình thức quảng bá, giới thiệu di tích đến người dân, du khách. Số hóa di tích được ví như cuốn cẩm nang du lịch số, mang đến trải nghiệm tiện lợi và hữu ích cho du khách, qua đó khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ Châu Thành trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch” - Phó Bí thư Huyện đoàn Châu Thành nói.
Đào Như