BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành: Khai thác khoáng sản bừa bãi gây nhiều hậu quả cho môi trường và con người

Cập nhật ngày: 10/02/2010 - 05:26

Ông Nguyễn Văn Hồng- Trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã góp phần đáng kể cho việc phục vụ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, các công trình công cộng, công trình dân sinh… Tuy nhiên, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản (sản xuất gạch) đã gây ra nhiều hậu quả, tác động tiêu cực đến môi trường.

Chưa “dẹp” được nạn khai thác khoáng sản trái phép

Theo Phòng TN&MT huyện Châu Thành, khoáng sản trên địa bàn huyện chủ yếu gồm than bùn, cuội, sỏi, đất sét, đất phún. Than bùn chủ yếu phân bố dọc theo sông Vàm Cỏ Đông qua các xã Trí Bình, Hoà Hội, Long Vĩnh, An Bình. Cuội, sỏi, đất sét, đất phún có sản lượng lớn hơn, nằm rải rác nhiều nơi. Trước khi có Luật Khoáng sản, trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, tuỳ tiện, làm thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư… Trong khi đó, gần như chính quyền địa phương và ngành chức năng “buông lỏng công tác quản lý” nên các cá nhân khai thác khoáng sản thoả sức “tung hoành”.

Năm 1996, khi Luật Khoáng sản ra đời, tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện có phần được cải thiện. Từ năm 1996 đến tháng 4.2008, UBND tỉnh đã cấp 37 giấy phép khai thác khoáng sản gồm cát xây dựng (2 giấy, diện tích 3 ha), đất phún, đất san lấp (35 giấy, diện tích 33 ha). Bên cạnh những tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác khoáng sản hợp pháp, trên địa bàn huyện Châu Thành vẫn còn tồn tại một số cá nhân khai thác trái phép, chủ yếu là đất san lấp làm đường, nhà ở, công trình dân dụng. Từ sau ngày 30.4.2008 đến nay, UBND tỉnh cấp thêm 13 giấy phép khai thác khoáng sản, với diện tích khai thác “khổng lồ”: 2 giấy phép khai thác cát (diện tích 5 km2), 2 giấy phép khai thác than bùn (diện tích 7 km2), còn lại là đất phún và đất san lấp. Gần đây, còn có một doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục xin khoan thăm dò than bùn (diện tích 23 ha) ở xã Long Vĩnh, một doanh nghiệp khác đang xin chủ trương khoan thăm dò than bùn với diện tích 30 ha tại xã An Bình.

Rất dễ thấy rằng, từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2009, hoạt động khai thác khoáng sản “có giấy phép” trên địa bàn huyện Châu Thành tăng mạnh về diện tích lẫn số người tham gia khai thác. Chỉ trong một năm rưỡi, đã có đến 13 doanh nghiệp, cá nhân được cấp phép khai thác với diện tích rất lớn. Song song đó, tình trạng khai thác “lậu” vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý.

Theo số liệu của Phòng TN&MT huyện Châu Thành, trong hai năm vừa qua huyện Châu Thành đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành hoặc phối kết hợp với Thanh tra Sở TN&MT kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện; đồng thời Cảnh sát Môi trường cũng thường xuyên nắm tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn. Qua kiểm tra, trong năm 2008, ngành chức năng phát hiện và xử lý 9 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính số tiền gần 48,6 triệu đồng. Năm 2009 cũng có 9 trường hợp vi phạm bị ngành chức năng phát hiện, phạt hành chính và truy thu thuế số tiền gần 85 triệu đồng. Tuy nhiên, số trường hợp bị phát hiện, xử lý chỉ là “bề nổi của tảng băng”.

Hậu quả để lại

Hiện tại, nguồn nước và không khí ở một số nơi trên địa bàn huyện đã bị ô nhiễm bởi các hoạt động khai thác khoáng sản, do phương pháp khai thác hiện nay chủ yếu vẫn là khai thác lộ thiên bằng cơ giới. Đồng thời, các phương tiện vận chuyển khoáng sản còn làm rơi rớt đất, làm bẩn đường sá, gây ô nhiễm (bụi) trên nhiều tuyến đường. Hoạt động sản xuất gạch sinh ra khí độc, bụi, gây ô nhiễm không khí. Các phương tiện vận chuyển khoáng sản gây nên tiếng ồn, làm cho đường sá nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, gây mất trật tự an toàn giao thông, gây tác động xấu đến hoạt động sản xuất, lưu thông, mua bán và gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân. Hoạt động khai thác khoáng sản còn làm suy giảm độ che phủ thực vật, làm cho đất đai bị thoái hoá; làm thay đổi dòng chảy, trong quá trình rửa trôi đã gây tác động tiêu cực đến các yếu tố môi trường nước (gồm cả nước ngầm lẫn nước mặt). Đáng nói hơn, hoạt động khai thác khoáng sản đã làm cho bề mặt đất đai, thổ nhưỡng bị biến dạng, lớp đất phủ bị phá huỷ, diện tích đất canh tác bị thu hẹp.

Ở nhiều khu mỏ đã kết thúc khai thác nhưng các cá nhân, doanh nghiệp không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác theo quy định. Hoặc chỉ “làm cho có” để đối phó! Đáng nói là theo quy định, trong quá trình khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp, cá nhân phải thực hiện việc dự trữ lớp đất mặt (đất trồng trọt trong khu vực mỏ) để sau khi khai thác xong, san “trả” về nơi đã khai thác nhằm giữ độ màu và dinh dưỡng cho đất. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hầu như toàn bộ số đất mặt này đều đã “ra đi” theo lòng tham lợi nhuận của những người khai thác khoáng sản. Điều này làm cho diện tích đất trồng trọt ở nhiều nơi thuộc khu vực mỏ khoáng sản bị suy thoái, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng; làm cho mùa màng bị suy giảm năng suất; gây tác động tiêu cực đến việc phục hồi đất về sau, khiến cho việc phục hồi đất khó khăn, tốn kém.

Một điều đáng quan tâm nữa là hoạt động khai thác cát lòng sông trên sông Vàm Cỏ Đông đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua, nhất là ở địa bàn xã Phước Vinh. Hoạt động khai thác cát ở đây đã làm sạt lở đất của nhân dân, làm mất trật tự an toàn giao thông đường thuỷ. Bên cạnh đó, một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cư dân biên giới để mua bán cát xây dựng trái phép.

Theo ông Hồng, để khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, ở nhiều cấp, ngành. Trong đó công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm cũng cần được tăng cường. Nhưng để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, ngành chức năng cần được trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị cần thiết và cần có sự phối hợp thường xuyên.

Lãnh đạo Phòng TN&MT Châu Thành kiến nghị cấp trên sớm quy hoạch vùng nguyên liệu khai thác khoáng sản giai đoạn 2011 đến năm 2015; quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thuỷ sản để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết hồ sơ khai thác đất dôi dư; quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét làm gạch ngói, đất san lấp giai đoạn 2010-2015; ban hành quy trình thống nhất trong tỉnh về hồ sơ, trình tự cấp phép khai thác đất khoáng sản; trang bị cho ngành chức năng cấp huyện máy định vị toàn cầu GPS để kiểm tra toạ độ…

BẢO TÂM