Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, vụ mùa năm nay, trên địa bàn huyện, diện tích cây mía tăng, nhưng cây mì lại giảm mạnh.
Một người dân tại ấp Trường, xã Hảo Đước chăm sóc diện tích mía mới trồng mùa vụ năm nay.
Ông Nguyễn Trung Hiếu– Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành cho rằng, nguyên nhân diện tích trồng mì trên địa bàn huyện Châu Thành giảm mạnh đến hơn 1.000 ha, có một phần do thời tiết.
Thời tiết năm 2016 vừa qua, mưa nhiều gây ngập, người trồng mì ở những vùng đất thấp bị thiệt hại nặng. Mưa kéo dài, không thể xuống giống mì theo đúng lịch thời vụ, nên khi dứt mưa người dân không dám “mạo hiểm” vì sợ đến khi mì chuẩn bị thu hoạch thì mùa mưa đến, sẽ bị thiệt hại nặng.
Đồng thời, từ khoảng 2 năm trở lại đây, giá củ mì không cao, người trồng mì không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Mì đến kỳ thu hoạch, bị thương lái ép giá, hoặc thậm chí không kêu được lái bán mì nên nhiều nông dân “nản chí” chuyển sang các loại cây trồng khác.
Ông Nhơn, một nông dân ở huyện Tân Biên đang thuê 10 ha trồng mía trên cánh đồng thuộc ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành cho biết, giá mì những năm qua xuống thấp nên người nông dân như ông không còn mặn mà với loại cây này. Đến nay, người con trai của ông còn khoảng 1,2 ha mì đã quá thời điểm thu hoạch nhưng vẫn có ai mua. Với giá củ mì tại nhà máy hiện chỉ khoảng 1.700 đồng/kg đối với mì đủ chữ bột, nếu bán cho lái thì may mắn lắm người trồng chỉ “huề vốn”.
Trong khi đó, vốn đầu tư cho 1 ha mì khá nặng nên người trồng cầm chắc ...lỗ nếu mì không đạt năng suất. Đó là chưa kể việc tìm được thương lái để bán củ mì cũng không hề dễ, mì tới kỳ thu hoạch thậm chí vẫn phải để trên đồng, chịu mất chữ bột, người trồng mì thiệt càng thêm thiệt!
Do “mì xuống, mía lên”, năm nay ngoài diện tích đất của gia đình, ông Nhơn còn đi thuê thêm đất để đầu tư trồng mía. Theo ông, dù trồng mía lợi nhuận chưa cao, mỗi năm 1 ha mía vẫn cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, khi trồng mía, người nông dân cảm thấy an tâm hơn vì được nhà máy đường ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thu mua bảo đảm cho người trồng có lãi. Do đó, nhiều người trước đây trồng mì như ông Nhơn đã chuyển sang trồng mía, xem như chọn được giải pháp an toàn hơn so với sự bấp bênh của cây mì.
Trở lại với việc tăng diện tích mía trồng mới tại huyện Châu Thành, ông Hiếu cho biết, theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành, hiện nay trên địa bàn huyện, diện tích trồng mới cây mía tăng 1.470 ha so với năm 2016, tập trung ở các xã Thành Long, Ninh Điền, An Cơ, Đồng Khởi… mặc dù nơi đây là vùng đất thấp và trong mùa mưa năm 2016 từng bị ngập kéo dài. Có thể dễ dàng nhận thấy sự gia tăng diện tích mía ở huyện Châu Thành, khi những cánh đồng trước đây cây mì chiếm lĩnh gần hết diện tích, thì nay đã được thay thế bằng cây mía. Cụ thể như cánh đồng từ ngã ba Vịnh đi xã An Cơ phủ một màu xanh của mía, thậm chí như xã Phước Vinh trước đây không có ai trồng loại cây này thì năm nay cũng đã trồng được trên diện tích 20 ha đất.
Trong thực tế, việc người dân đổ xô trồng mía là do tác động của quy luật thị trường. Vì cây mì hiện nay không còn giá trị cao, không mang lại nhiều lợi nhuận như trước nữa, nên nông dân phải tìm đến loại cây trồng khác có lợi ích kinh tế thiết thực hơn. Tuy nhiên, nếu cứ để diện tích cây mía tăng trưởng tự do, rất có thể dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”.
THẾ NHÂN