BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành: Một công ty tư nhân bỏ vốn làm bến xe

Cập nhật ngày: 24/01/2011 - 10:56

Hàng chục năm qua, những người dân ở Châu Thành đều có dịp chứng kiến cảnh cứ vào tầm 3 giờ cho đến 9 giờ sáng mỗi ngày, tại khu vực Cao Xá, nhiều xe khách đậu tự do, tuỳ tiện; chẳng hạn đậu… ngay tại biển cấm đậu để đón khách! Thường các loại “xe dù” như thế đều phóng rất nhanh trên đường, dễ gây nguy cơ tai nạn. Tình trạng “xe dù” hoạt động gây không ít ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự, an toàn giao thông và nếp sống văn minh đô thị, mặt khác cũng không đảm bảo quyền lợi của hành khách do họ không được phục vụ một cách tốt nhất.

Không muốn chạy “xe dù” nữa

Từ trước đến nay, Châu Thành chưa hề có bến xe. Điều này khiến cho việc kinh doanh vận tải trên địa bàn rất phức tạp. Hàng chục năm nay, hầu hết các xe chở khách từ Châu Thành đi thành phố HCM đều hoạt động dưới hình thức “xe dù”, gây ra nhiều vấn đề phức tạp về trật tự an toàn giao thông.

Xuất phát từ thực trạng đó, tháng 8.2010, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trần Kim Ngân (trụ sở tại thị trấn Châu Thành) đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng xin thành lập bến xe tạm thời cho đến khi huyện có bến xe chính thức. Theo bà Trần Thị Kim Ngân, giám đốc của công ty, mục đích của bà khi xin thành lập bến xe là để phục vụ việc vận chuyển hành khách đi lại được thuận tiện hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh vận tải hành khách hoạt động đúng quy định của pháp luật, tiến tới chấm dứt nạn “xe dù” đã tồn tại khá lâu ở Châu Thành. Bà Ngân không ngại cho biết, cả một thời gian dài, kinh doanh vận tải kiểu “xe dù”, bà không thấy thoải mái chút nào. Bà nói: “Trong quá trình vận chuyển, chỉ riêng việc đối phó với các cơ quan chức năng về an toàn giao thông đã đủ mệt. Mình có điều kiện, sao không kinh doanh cho đàng hoàng mà cứ phải chạy xe dù dưới hình thức xe hợp đồng?”. 

Bến xe Châu Thành hiện được xếp vào bến xe loại 6, đủ chỗ cho 10 chiếc xe loại 16 chỗ ngồi ra vào.

Ý định thành lập bến xe của bà Ngân được các cơ quan chức năng đồng tình ủng hộ. Ngày 19.8.2010, UBND tỉnh đã có công văn gửi Sở Giao thông – Vận tải và UBND huyện Châu Thành, giao ngành chức năng và chính quyền địa phương tạo điều kiện để bến xe Châu Thành hoạt động. Mặt khác, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan liên quan phải kiểm tra, giám sát để bến xe hoạt động đúng quy định. Bến xe này có đầy đủ tư cách pháp lý và sẽ hoạt động cho đến khi huyện Châu Thành có kinh phí xây dựng bến xe theo quy hoạch.

Không chịu vào bến!

Sau một thời gian xây dựng, ngày 16.12.2010, bến xe khách đầu tiên của Châu Thành do tư nhân bỏ vốn đầu tư đã được hoàn thành. Trước khi khánh thành bến xe, bà Ngân đã phát giấy mời các hộ kinh doanh vận tải hành khách vào hoạt động trong bến. Nếu đăng ký hoạt động trong bến, các hộ kinh doanh vận tải hành khách sẽ không còn phải lo chuyện “làm luật” trong quá trình lưu thông vận chuyển. Lệ phí ra vào bến xe mỗi chuyến chỉ có 30.000 đồng.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn một tháng đi vào hoạt động, chưa có một xe nào (ngoại trừ 6 chiếc xe của công ty bà Ngân) chịu vào bến. Lý do, qua tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết: Thứ nhất, các chủ xe ngại phải nộp lệ phí. Thứ hai, nếu vào bến xe, họ sẽ phải hoạt động theo sự điều tiết của công ty, không được tự do… tranh giành khách nữa! Thứ ba, sẽ phải đóng thuế cho Nhà nước!

Bà Ngân cho rằng, việc ra vào bến công ty chỉ thu có 30.000 đồng, số tiền không lớn trong khi nhà xe được đảm bảo về mặt pháp lý, không lo phải “luồn lách” trên đường đi. Về ngày giờ xuất bến, công ty đã cam kết với cơ quan chức năng sẽ xếp lịch, điều tiết một cách công bằng, không hề thiên vị cho xe nào, kể cả xe của công ty. Hơn nữa, nếu vào bến hoạt động, xe khách chỉ chạy đến bến xe An Sương, không phải vào tận đường Phạm Văn Hai của quận Tân Bình (TP.HCM) như lâu nay, như vậy nhà xe sẽ tiết kiệm được chi phí xăng dầu.

Phải lập lại trật tự

Ông Đặng Thanh Hải, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông huyện Châu Thành cho biết: do địa phương chưa có bến xe nên việc một doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư làm bến xe (dù chỉ là bến tạm), chính quyền rất hoan nghênh và sẽ tạo mọi điều kiện để bến xe hoạt động có hiệu quả. Bến xe đi vào hoạt động sẽ góp phần ổn định trật tự an toàn giao thông, chính quyền địa phương cũng quản lý được đầu xe và thu được thuế cho ngân sách Nhà nước. Từ trước đến nay, các hộ kinh doanh vận chuyển hành khách chỉ “hành nghề tự do”, không theo một quy định nào cả. Nay đã có bến xe thì cần phải chấm dứt tình trạng “xe dù”, vì “xe dù” không đảm bảo quyền lợi cho hành khách và nhất là gây nguy cơ mất an toàn giao thông và trật tự xã hội do sự tranh giành giữa các xe với nhau. Sắp tới, UBND huyện sẽ tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của các bên để bàn phương án khai thác bến xe sao cho các bên liên quan đều chấp nhận được. Việc này có thể khó khăn, vì từ trước đến nay các hộ kinh doanh vận tải hành khách đã quen với hình thức hoạt động “tự do”, tuy nhiên chính quyền địa phương kiên quyết lập lại trật tự giao thông trên địa bàn.

VIỆT ĐÔNG

 

 

 


 
Liên kết hữu ích