BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành: Người mẹ bị ngược đãi

Cập nhật ngày: 19/08/2009 - 05:53

Chái bếp tuềnh toàng của bà Sáu đưa đò.

“Bà bước khỏi nhà tui. Đi. Cái nhà này không cần bà! Biến” (!). Đã từ lâu người dân ở bến Cây Sao, ấp Phước Trung, xã Phước Vinh (Châu Thành) đã quen nghe điệp khúc ấy phát ra từ miệng của Phan Văn Học (34 tuổi) khi anh ta nổi cơn thịnh nộ với mẹ mình.

Mỗi lần uống rượu về là Học lại sinh sự, kiếm cớ mắng chửi và đuổi mẹ mình ra khỏi nhà. Hàng xóm quanh đấy cho biết, Học thường chửi mẹ với những lời lẽ rất vô văn hoá. Người mẹ đáng thương ấy là bà Lê Thị Giỏi, nay đã 76 tuổi, hàng xóm quen gọi là bà Sáu đưa đò vì bà từng làm nghề đưa đò gần 30 năm ở bến Cây Sao. Bà Giỏi có 3 người con, Phan Văn Học là con út, đã có vợ đang sống cùng nhà với bà. Có những lúc để tránh những lời mắng chửi của con trai, nửa khuya bà Sáu phải trốn ra đường.

Không chỉ chửi mẹ, những lúc nổi cơn Học đập phá hết vật dụng trong nhà. Trong căn nhà tuềnh toàng, nhỏ hẹp hiện không còn thứ gì nguyên vẹn. Bậu cửa đã bị Học đập nham nhở. Cái giường của bà Sáu do cô con dâu thứ 3 cho bà cũng bị đập tan tành. Chiếc tủ đựng thức ăn hàng xóm cho bà cũng bị Học đập hư cánh cửa. Trong gian bếp- chỉ là cái chái nhỏ được lợp bằng những tấm tranh đã xỉn màu chỉ có vài cái chén cũ và cái bếp lò mới. Bà Sáu cho biết, cách đây vài hôm, Học đã đập cái lò, nên bà phải mua cái mới.

Đứa con trai đã hư hỏng như thế, lại còn thêm đứa con dâu cũng rất “trời ơi”. Hàng xóm của bà Sáu cho biết, bà phải nai lưng đi mót từng cọng lúa, từng củ mì đem về lo cái ăn trong nhà vậy mà còn bị xử tệ. Có lần, chê bà rửa chén không sạch, cô con dâu hất cả rổ chén ra ngoài sân, bà Sáu phải ra lượm và đi rửa lại, còn cô ta thì tiếp tục… xem ti vi!

Hàng xóm thương bà Sáu vô phước nên có món gì ngon họ lại đem biếu bà thế là cũng bị Học chửi.

Bà Sáu quanh năm lam lũ kiếm ăn. Trước đây, bà đã có thâm niêm 30 năm đưa đò trên sông Vàm Cỏ đoạn chạy qua bến Cây Sao. Từ khi lục bình nở dày đặc dòng sông, mái chèo của bà Sáu cũng đã yếu đi, con đò thì mục nát, rệu rã nên cách nay gần 4 năm bà đành nghỉ việc đưa đò chuyển qua mót lúa, mót mì, lượm phân bò… và làm nhiều công việc khác rất vất vả. Hành trang của bà là chiếc bao và chiếc xe đạp không có dây sên, không có bàn đạp! Bà không biết chạy xe đạp, bà chỉ dùng nó để đẩy mọi thứ bà mót được dù đường xa hay gần. Có hôm đã một, hai giờ sáng, người ta vẫn còn nghe tiếng bóc vỏ tràm của bà, bóc vỏ tràm thuê cũng là một trong những cách để bà Sáu kiếm tiền.

Nói về tình trạng bà Sáu bị con cái ngược đãi, ông Nguyễn Văn Phố, Trưởng công an xã Phước Vinh cho biết: cách đây vài năm xã đã có cho gọi Phan Văn Học đến để giáo dục răn đe, nhưng sau đó cho về. Từ đó đến nay, không nghe ban quản lý ấp Phước Trung báo cáo gì về trường hợp của Học nữa.

Thực tế, cái lần “răn đe” ấy, đối với Phan Văn Học chỉ như “nước đổ đầu vịt”. Sau này, ấp không báo cáo gì nữa là có lý do. Theo ông Bùi Văn Hoà, đội trưởng đội tuần tra nhân dân ấp Phước Trung cứ mỗi lần làm việc với Học, bà Sáu lại chắp tay lạy van, năn nỉ: “Chú ơi! Đừng bắt nó!”. Lần xã tạm giữ

Bà Sáu phơi mớ lúa vừa mót về.

Học một đêm, bà Sáu cứ lặn lội trong đêm đi bộ từ nhà ra xã, từ xã về nhà để van cầu, năn nỉ thay cho con trai.

Bà Sáu nói trong nghẹn ngào: “Chú ơi! Bây giờ tui cũng không biết nói sao, con hư, làm mẹ cha có chặt thì chặt bề sống, không ai chặt bề lưỡi…”. Lặng đi vài giây, bà Sáu quệt nước mắt.

Đằng sau khoảng lặng ấy là một tình cảm muôn đời của người mẹ chấp nhận hết mọi đau khổ, thua thiệt về mình để khỏi phiền luỵ đến con. Ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng ấp Phước Trung cho biết, Phan Văn Học chưa một lần bị đưa ra công khai hoá về hành vi ngược đãi đấng sinh thành.

Cho dù có thế nào thì hành vi bạo hành trong gia đình nhất là bạo hành với bậc cha mẹ cũng là hành vi đáng bị cả xã hội lên án. Không chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ già đã lỗi đạo làm con, lại còn ngược đãi cha mẹ càng vô đạo đức. Thiết nghĩ chính quyền và các đoàn thể, ngành chức năng cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để giáo dục răn đe những kẻ không biết yêu thương kính trọng cha mẹ như vậy để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do nạn bạo hành trong gia đình.

THANH PHƯƠNG