Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Châu Thành: Nhiều nơi thiếu nước sản xuất và sinh hoạt
Thứ tư: 00:42 ngày 24/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tình trạng nắng nóng kéo dài từ cuối năm 2020 đến nay khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Người dân phải đào giếng sâu hơn 3m để đặt máy bơm nước.

Gian nan tìm nước

Từ đầu năm đến nay, người dân khu vực giáp biên giới của huyện Châu Thành tất bật đào giếng, lắp bộ trợ lực hút để tìm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Loay hoay từ sáng sớm, đào hố sâu hơn 1m để đặt máy bơm nhưng sau hơn chục lần mồi, nước vẫn không lên, ông T.V.A- ngụ ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh, chán nản bỏ lên bờ ngồi, nét mặt không giấu được vẻ bực bội. Ông A cho biết, giếng nước nhà ông không có nước từ hơn 2 ngày nay, nước sinh hoạt không còn một giọt. Không bơm được, ông cũng không biết làm sao để có nước cho cả nhà dùng.

Với hai máy bơm vận hành liên tục hơn 3 ngày nhưng vẫn chưa đủ nước tưới cho hơn 2 ha lúa đang giai đoạn ngậm sữa, ông Lê Văn Tâm, ngụ ấp Trà Sim, xã Ninh Ðiền lo lắng, lúa đang trong giai đoạn làm hạt nên rất cần nước tưới. Nếu không đủ nước, hạt lúa bị lép, nguy cơ mất mùa là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Lớn, ngụ ấp Gò Nổi, xã Ninh Ðiền cho biết, tình trạng các giếng khoan bị hụt nước xảy ra hằng năm. Tuy nhiên, so với mọi năm, mùa khô năm 2021 đến sớm, từ đầu tháng Giêng, khu vực bàu Ổ Gà của ấp Gò Nổi, các giếng khoan đều hụt nước, người dân phải đặt máy âm xuống hơn 2m mới bơm được. Cũng theo ông Lớn, mặc dù bơm được, nhưng nước không mạnh, chỉ bằng một nửa so với mùa mưa. Do đó, để có đủ nước tưới cho cây trồng, người dân thường phải bơm liên tục vài ngày, có khi cả tuần.

Ðể có nước tưới cho hơn 1,5 ha bắp, một nông dân tại ấp Gò Nổi đã phải thuê khoan 2 giếng mới với số tiền 21 triệu đồng. Theo nông dân này, nhu cầu nước tưới rất lớn, nhiều người đặt bơm liên tục khiến mực nước ngầm xuống thấp, các giếng cũ không thể bơm được, do vậy, ông chỉ còn cách khoan giếng mới, đồng thời lắp bằng máy bơm chìm (hay còn gọi là bơm hoả tiễn) mới bơm được nước.

Nông dân chờ thuỷ lợi

Ông Phạm Văn Ngon- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Hoà Hợp cho biết, trên địa bàn ấp có trạm bơm Hoà Thạnh 2 được đầu tư từ nhiều năm qua, nhưng chỉ phục vụ cho một phần diện tích sản xuất có hệ thống kênh chính chạy qua. Trong khi đó, hơn 60 ha đất khu vục phía Tây từ đường nhánh văn phòng ấp đến đường biên giới, người dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan để canh tác.

Theo ông Lý Văn Hiền, ngụ tổ 1, ấp Hoà Hợp, bên cạnh việc nguồn nước ngầm thường thiếu hụt vào mùa khô, chất lượng nước ở đây cũng không bảo đảm, hầu hết đều nhiễm phèn nặng. “Việc phải bơm nước ngầm khiến chi phí sản xuất của nông dân tăng lên rất nhiều, trung bình mỗi vụ lúa mất trên 4 triệu đồng tiền điện. Trong khi đó, nước nhiễm phèn nên năng suất lúa trúng nhất cũng chỉ 4,5 tấn/ha/vụ, thấp hơn những ruộng lúa có nước thuỷ lợi của hệ thống trạm bơm Hoà Thạnh 2”.

Ông Phạm Văn Ngon cho biết, hệ thống kênh N9 chỉ cách cánh đồng bàu Bà Già khoảng 500m, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư, khiến việc canh tác nông nghiệp của người dân khu vực này gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Lớn, ngụ ấp Gò Nổi, xã Ninh Ðiền chia sẻ, người dân rất phấn khởi khi biết hệ thống kênh thuỷ lợi vượt sông Vàm Cỏ Ðông đi qua địa bàn xã. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng đầu tư hệ thống kênh nhánh, phân phối nước về những khu vực xa tuyến kênh này.

Ðại diện Hội Nông dân xã Ninh Ðiền cho biết, mùa khô năm nay đến sớm khiến nhiều khu vực cao của hai ấp Gò Nổi và Trà Sim thiếu hụt nước. Từ sau tết đến nay, nhiều người phải đào giếng sâu hơn 3m để đặt máy bơm.

Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm qua khiến việc canh tác của nông dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Hội Nông dân xã rất mong các cơ quan chức năng quan tâm đầu tư hệ thống thuỷ lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã.

Sẽ đầu tư

Ông Nguyễn Văn Hạt- Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh cho biết, tình trạng thiếu hụt nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân khu vực ấp Hoà Hợp đã được phản ánh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Ðây cũng là vấn đề lo lắng của lãnh đạo xã. Thời gian qua, xã đã khảo sát thực tế, vận động nhân dân hiến đất nối dài kênh N9, mang nước tưới khu vực trên. Tuy nhiên, do chưa có được sự đồng thuận của người dân nên đến nay chưa thể thực hiện được. Theo ông Hạt, sắp tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân hiến đất để thực hiện công trình này.

Ông Nguyễn Quốc Cường- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh (gọi tắt là Ban Quản lý) cho biết, tính đến nay, hạng mục kênh chuyển nước khoảng 12km cơ bản hoàn thành, kênh chính khoảng 30km dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Riêng hệ thống kênh cấp 1 có tổng chiều dài 70km được chia làm 5 gói thầu, các địa phương đang thực hiện giải phóng mặt bằng, nếu được bàn giao trước mùa mưa năm 2021, Ban Quản lý sẽ cố gắng hoàn thành công trình trước mùa mưa năm 2022.

Nguyên An

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục