BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành: Nông dân lại thua lỗ vì mua nhầm hạt giống bí hồ lô kém chất lượng

Cập nhật ngày: 29/12/2009 - 05:40

Đoàn kiểm tra của huyện Châu Thành đang xem xét thực trạng rẫy bí hồ lô của anh Lai

Vụ mùa năm 2009 này, nhiều nông dân ở huyện Châu Thành lại bị thua lỗ nặng vì trồng bí hồ lô bằng hạt giống kém chất lượng của Công ty cổ phần Thương mại – Xuất nhập khẩu Đông Nam Á. Hậu quả là bí cho trái không đúng như những gì mà Công ty đã quảng cáo trên vỏ bao bì sản phẩm.

Do thị trường bí hồ lô rất có giá nên nhiều bà con ở Châu Thành thích trồng loại bí này. Thế nhưng không phải ai trồng bí hồ lô đều thành công. Anh Nguyễn Văn Công, 40 tuổi, ngụ ở ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi trước đây đã từng trồng bí hồ lô và cho kết quả rất khả quan, nên năm nay anh tiếp tục trồng 0,5 ha bí hồ lô lai F1, với hạt giống bí hồ lô của Công ty cổ phần Thương mại – Xuất nhập khẩu Đông Nam Á do anh Công mua tại đại lý phân bón Lắm Hương gần nhà. Quá trình sinh trưởng, bí vẫn lên xanh tốt và phát triển bình thường. Nhưng khi ra hoa kết trái thì tỷ lệ cho trái rất thấp (chỉ khoảng 20% so với vụ trước), mà chất lượng trái cũng không đạt yêu cầu, tỷ lệ trái bí tròn nhiều hơn bí hồ lô. Anh Công than thở: “Vụ bí năm nay, tôi bị lỗ vốn ít nhất là 3 triệu đồng vì mua nhầm phải hạt giống kém chất lượng”.

Trường hợp của anh Công vẫn còn đỡ khổ hơn anh Nguyễn Tương Lai (30 tuổi, ngụ ở ấp Suối Muồn, xã Thái Bình). Qua giới thiệu của đại lý phân bón Lắm Hương, anh Lai mua hạt giống của Công ty cổ phần Thương mại – Xuất nhập khẩu Đông Nam Á về trồng trên 4 ha đất. Từ khi trồng đến lúc ra hoa, bí sinh trưởng rất tốt, nhưng đến khi kết trái lại cho trái rất ít, tỷ lệ bí hồ lô cũng rất thấp so với bí tròn. Bức xúc, anh Lai báo cho đại lý Lắm Hương. Sau đó đại lý Lắm Hương và người tiếp thị sản phẩm của Công ty Đông Nam Á có đến tìm hiểu thực trạng và hẹn hai ngày sau lãnh đạo của Công ty sẽ đến xem xét giải quyết. Thế mà sau nửa tháng đợi chờ, anh Lai vẫn không thấy ai đến giải quyết. Nóng ruột, anh Lai gọi điện thẳng đến Công ty theo số điện thoại ghi trên bao bì sản phẩm. Lúc đầu thì máy reo, đầu dây bên kia lại bảo là không phải số của Công ty Đông Nam Á. Vài ngày sau, anh Lai tiếp tục điện lại theo số máy cũ thì tổng đài báo: số máy này đã xin ngưng hoạt động. Hiện nay, bí của anh Lai đã sắp tàn mà tỷ lệ cho trái chỉ khoảng 10% và tỷ lệ bí hồ lô lại càng thấp hơn. Anh Lai buồn rầu nói: “Trừ tiền cày, công tưới, phân bón, thuốc trừ sâu… bình quân mỗi ha “bí dỏm” tôi mất khoảng 25 triệu đồng. Vụ bí hồ lô này coi như anh Lai trắng tay, mất đứt 100 triệu đồng.

Bao bì hạt giống bí hồ lô của Công ty cổ phần thương mại - xuất nhập khẩu Đông Nam Á

Bức xúc trước tình hình trên, anh Lai đã làm đơn gởi đến các cơ quan chức năng. Ngày 18.12.2009 huyện Châu Thành đã thành lập đoàn kiểm tra và lập biên bản ghi nhận thực trạng. Theo giải trình của ông Nguyễn Văn Lợi, chủ đại lý phân bón Lắm Hương (cơ sở đặt tại ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi) cho biết: Tôi mua hạt giống của Công ty cổ phần Thương mại – Xuất nhập khẩu Đông Nam Á thông qua người tiếp thị của Công ty. Trong đợt hàng này, tôi đã lấy 300 gói hạt giống. Sau đó tôi đã bán cho anh Lai 197 gói. Số còn lại tôi bán cho một số bà con ở xã Đồng Khởi. Bà con trồng bí cho biết, tỷ lệ trái rất ít và không đúng như những gì ghi trên bao bì sản phẩm (98% trái thuần chủng). Chị Lê Thị Luận, cán bộ kỹ thuật, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho chúng tôi biết: “Về mặt chuyên môn, trước mắt chúng tôi xác định chất lượng trái không đúng như những gì ghi trên bao bì sản phẩm. Thứ hai là tỷ lệ cho trái rất thấp”.

Cho đến hôm nay, số điện thoại Công ty ghi trên bao bì sản phẩm vẫn trong tình trạng đang… ngưng hoạt động. Anh Lai đang làm đơn khởi kiện Công ty cổ phần Thương mại – Xuất nhập khẩu Đông Nam Á. Không biết anh Lai có thắng kiện hay không, nhưng trước mắt thì vụ mùa năm nay anh bị thua lỗ khá nặng. Sự kiện “bí hồ lô” thành “bí hồ đồ” đã một lần xảy ra tại Tây Ninh, mà khi được phản ánh trên báo thì đơn vị kinh doanh giống mới chịu trách nhiệm về mình. Chẳng biết lần này có ai bồi thường cho nông dân khi mà hàng hoá của họ bán ra “chất lượng một đàng, quảng cáo một nẻo”?! 

HT