BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành: Sẽ thành lập hợp tác xã trồng, tiêu thụ rau an toàn

Cập nhật ngày: 14/09/2009 - 05:26

Ông Lương Nguyễn Đằng Duy – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, hiện huyện đang đẩy mạnh công tác khuyến nông, hỗ trợ và khuyến khích nông dân phát triển nghề trồng rau an toàn, hướng tới chuyên canh rau sạch phục vụ thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Ngày càng nhiều nông dân trồng “rau an toàn”

Ông Duy cho biết, huyện Châu Thành có hai khu vực chuyên trồng rau từ hàng chục năm qua là Thị trấn và xã Thái Bình (diện tích khoảng 120 ha). Tập quán chung của người trồng rau là ít chú ý đến chất lượng mà chỉ quan tâm đến sản lượng. Do đó, nhiều người đã sử dụng các loại hoá chất nguy hại như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, chất kích thích sinh trưởng quá mức cho phép… tạo nên sản phẩm rau không an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ cộng đồng.

Sở dĩ nông dân chưa có ý thức bảo vệ sức khoẻ cộng đồng khi canh tác rau, củ là do còn hạn chế về kiến thức, quy trình trồng rau an toàn. Toàn huyện Châu Thành mỗi năm có khoảng 1.900 ha gieo trồng rau và hoa màu. Ngoài Thị trấn và xã Thái Bình, một số địa phương khác cũng dần chuyển sang trồng rau, hoa màu tập trung như xã Đồng Khởi, xã Long Vĩnh. Các xã khác có diện tích trồng rau và hoa màu nhỏ lẻ, phân tán và thiếu chuyên nghiệp. Theo ngành chức năng, những địa phương trồng rau, hoa màu phân tán nhỏ lẻ thì mức độ “ô nhiễm” chất độc hại của cây rau cao hơn những vùng chuyên canh vì nông dân thiếu kinh nghiệm và kiến thức về trồng rau an toàn nên thường lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Chăm sóc rau, hoa cúc ở xã Thái Bình

“Trước thực trạng này, việc định hướng cho nông dân tập trung sản xuất rau an toàn là một trong những nhiệm vụ cần phải được triển khai thực hiện cấp bách, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng và hạn chế sự tác động tiêu cực đến môi trường, đến con người do hoá chất độc hại gây ra”, ông Duy nói. Từ năm 2006 đến nay, ngành chức năng và Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện Châu Thành đã triển khai nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và lớp dạy nghề trồng rau an toàn cho khoảng 200 nông dân địa phương. Ngành chức năng cũng triển khai kỹ thuật trồng rau theo quy trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp, hạn chế tối đa việc dùng thuốc BVTV) cho nhiều nông dân chuyên trồng rau ở thị trấn Châu Thành. Ngoài ra, mỗi năm, ngành chức năng huyện còn thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm trên rau (năm 2008, có 17 mẫu rau được đưa đi phân tích và đều đạt yêu cầu. Trong đó, có 6 mẫu có dư lượng chất có hại ở mức cho phép, 11 mẫu không phát hiện dư lượng chất có hại).

Năm nay, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành chọn quy hoạch vùng rau an toàn có diện tích 3,6 ha tại khu phố 2, Thị trấn với 20 hộ nông dân tham gia, chủ yếu trồng rau ăn lá như cải các loại, rau thơm. Những nông dân tham gia trồng rau ở vùng quy hoạch này được ngành chức năng hỗ trợ vốn, kỹ thuật và đưa đi tham quan các mô hình trồng rau sạch đạt hiệu quả ở Bà Rịa – Vũng Tàu… Đây là mô hình trồng rau an toàn thí điểm của huyện Châu Thành trong năm 2009 và sẽ được nhân rộng ra trong năm tới. Theo ông Duy, đến nay, ngành chức năng huyện đã bước đầu trang bị cho nhiều nông dân trồng rau những kiến thức cơ bản về sản xuất rau an toàn; thay đổi được nhận thức của người trồng rau trong việc hạn chế việc lạm dụng phân bón hoá học (nhất là phân đạm), thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, tuyệt đối không dùng phân tươi và nước tiểu bón rau. Hiện chất lượng rau trồng ở những khu vực tập trung trên địa bàn huyện Châu Thành đã được cải thiện đáng kể so với khoảng 5 năm về trước, dù vẫn còn không ít hộ chưa thật sự thực hiện đúng quy định, quy trình về sản xuất rau an toàn.

Hướng đến thị trường rau sạch

Để mọi nông dân trồng rau đều thật sự sản xuất “rau an toàn” cung ứng cho người tiêu dùng, trong thời gian tới, ngành chức năng huyện Châu Thành còn nhiều việc phải làm. Hiện trên địa bàn huyện Châu Thành vẫn chưa có cửa hàng chuyên bán rau an toàn. Mặt khác, giá bán của “rau an toàn” ở chợ tương đương với các loại rau “chưa an toàn” cũng là một trong những yếu tố cần phải giải quyết. Anh Minh, một nông dân trồng rau ở xã Thái Bình cho biết: “Cần phải có cửa hàng chuyên bán rau an toàn để người tiêu dùng dễ nhận biết, phân biệt rau an toàn với rau chưa an toàn. Có như vậy mới tác động nhiều đến ý thức chọn lựa sản phẩm an toàn của người tiêu dùng, đồng thời làm cho người trồng rau “chưa an toàn” thực hiện tốt hơn các quy trình quy định trong trồng rau”.

Cũng theo ông Duy, hiện Phòng NN&PTNT huyện đang phối hợp với Chi cục HTX&PTNT tỉnh hỗ trợ chuẩn bị thành lập hợp tác xã sản xuất rau an toàn. UBND Thị trấn và Hội Nông dân đang chuẩn bị khâu tuyên truyền, vận động chọn lựa nhân sự thành lập HTX. Phòng NN&PTNT sẽ nhờ Phòng quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản của Sở NN&PTNT hướng dẫn, chứng nhận và công bố sản phẩm, giới thiệu tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM hỗ trợ xây dựng thiết kế logo, đăng ký nhãn hiệu và bao bì cho HTX, phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm… Song song đó, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện cũng sẽ phối hợp Chi cục BVTV xây dựng hoàn chỉnh quy trình rau an toàn cho từng loại cây trồng tại vùng quy hoạch để thực hiện dự án mở rộng quy mô, diện tích sản xuất rau an toàn; tập huấn các quy định của Nhà nước về yêu cầu canh tác rau an toàn; tập huấn hướng dẫn, ghi chép các quy trình sản xuất rau an toàn cho từng loại cây trồng trong vùng quy hoạch theo quy trình GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt)…

Cần có sự “chung tay” của các cấp, ngành

Huyện Châu Thành sẽ mở rộng vùng chuyên canh rau an toàn

Để sớm phát triển diện tích đất trồng rau an toàn, tạo được thương hiệu, phát triển thị trường cho rau an toàn và tạo được thói quen sử dụng nông sản, lương thực “sạch” mà trước mắt là cây rau, Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành đề xuất một số kiến nghị: UBND huyện Châu Thành sớm chỉ đạo Phòng Công thương huyện hỗ trợ xúc tiến thương mại việc tiêu thụ rau an toàn bằng nhiều hình thức, gắn việc sản suất rau an toàn với khâu tiêu thụ, quan tâm đến chợ đầu mối, các bếp ăn tập thể; hỗ trợ thành lập cửa hàng bán rau an toàn trong huyện Châu Thành và các địa phương khác trong tỉnh, đồng thời mở rộng mạng lưới tiêu thụ ngoài tỉnh thông qua các hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm; có chính sách hỗ trợ phần chênh lệch giá giữa rau an toàn và không an toàn, hỗ trợ chi phí phân tích mẫu rau, hỗ trợ thuế thời gian đầu để nông dân an tâm sản xuất; Ngân hàng chính sách cần hỗ trợ cho nông dân vay các nguồn vốn lãi suất thấp để khuyến khích đầu tư kỹ thuật trồng rau an toàn (nhà lưới, phân bón sinh học…); Phòng TN&MT cần hỗ trợ nông dân quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn; Phòng TC-KH và Chi cục Thuế cần có chính sách hỗ trợ thuế đối với các cửa hàng phân phối rau an toàn…

BẢO TÂM