Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Nếu mọi việc thuận lợi, năm 2019, công trình cầu bến Cây Ổi nối hai xã Phước Vinh và Hoà Thạnh sẽ được khởi công”- ông Nguyễn Thanh Lam, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết.
Phà bến Cây Ổi.
Hiện nay, do sự cách trở bởi dòng sông Vàm Cỏ Ðông nên giao thông giữa xã Phước Vinh với các xã ở bên kia sông như Hoà Thạnh, Hoà Hội còn rất bất tiện.
Tại bến Cây Ổi có một tuyến phà đang hoạt động, loại phà này tương đối nhỏ, chỉ có thể vận chuyển người, xe thô sơ, xe máy, riêng xe ô tô các loại thì phải đi vòng, kéo theo hành trình xa hơn.
Với chức năng là đầu mối giao thông quan trọng, cầu bến Cây Ổi (thuộc ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tuyến đường này. Cầu bến Cây Ổi khi thành hình sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng các phương tiện có trọng tải lớn, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.
Hiện nay, do chưa có cầu nên mỗi khi thu hoạch nông sản, người dân phải đi đường vòng, làm tăng chi phí sản xuất. Ðịa điểm xây cầu hiện ít dân cư, phần lớn đất ở đây là đất trồng lúa nên kinh phí giải phóng mặt bằng thấp hơn so với nơi khác.
Về khía cạnh kỹ thuật, đơn vị thiết kế (Công ty cổ phần Thiết kế Ðông Nam - TP. Hồ Chí Minh) đưa ra 3 phương án, theo đó, tổng chiều dài của cầu dao động từ 240 - 279m, chiều rộng 12m, hai làn xe.
Phần đường dẫn vào cầu dài khoảng 1.000m. Tuỳ vào từng phương án thiết kế, tổng mức đầu tư cho công trình này trong khoảng 172 đến 204 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng).
Thời gian qua, huyện Châu Thành tập trung nâng cấp, cải tạo, làm mới nhiều công trình hạ tầng thuộc lĩnh vực giao thông và thương mại.
Tháng 9.2016, Báo Tây Ninh có đăng một bài viết về tuyến đường 13 (ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh) xuống cấp nghiêm trọng. Tuyến đường quá xấu này đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới. Không chỉ làm ảnh hưởng kinh tế, đường xấu còn ảnh hưởng đến chuyện học hành, sinh hoạt dân cư.
Nhiều hộ dân ở khu vực này đã phải bán nhà đi nơi khác cũng vì chuyện đường sá bất tiện. Học sinh, giáo viên đi lại hết sức vất vả, nhất là vào mùa mưa. Ðúng một năm kể từ khi bài báo trên được đăng tải, đầu tháng 9 vừa qua, tuyến đường này đã được khởi công xây dựng.
Theo tin từ UBND huyện Châu Thành, tuyến đường mới dài hơn 6km, dự kiến đến đầu năm 2019 sẽ hoàn thành. Một tuyến đường khác là đường vào Ðồn Biên phòng Ninh Ðiền cũng sẽ được khởi công trong năm 2019 bằng nguồn vốn của Trung ương.
Liên quan đến tuyến đường huyện 2 (nối Khu di tích Tua Hai với thị trấn Châu Thành) đã xuống cấp khiến việc đi lại khó khăn, thậm chí gây nguy hiểm cho người dân mà cử tri, báo chí phản ánh nhiều lần, vừa qua, đoạn đường dài gần 5km này đã được nâng cấp một phần. Việc đi lại đã thuận lợi hơn rất nhiều so với năm 2016.
Trong năm 2016, Báo Tây Ninh có một số bài viết liên quan đến chợ ở Châu Thành, trong đó có chợ Hoà Bình (xã Thành Long) và chợ huyện. Vừa qua, có một nhà đầu tư bắt tay thực hiện dự án chợ Hoà Bình, hiện tại đang san lấp mặt bằng. Chợ mới được xây dựng và hoạt động theo phương thức Nhà nước cho thuê đất, nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và khai thác công trình.
Công trình chợ Hoà Bình sẽ được khởi công xây dựng trong quý IV năm nay. Ðối với chợ huyện (trung tâm huyện Châu Thành), một công ty tư nhân cũng đã đầu tư vào dự án này, hiện đang tiến hành giai đoạn san lấp mặt bằng, để năm 2018 sẽ khởi công xây chợ. Riêng dự án chợ ở xã Ðồng Khởi, theo tin mới nhất: sắp tới, một hộ dân sẽ bỏ vốn đầu tư xây chợ tại địa bàn xã.
Liên quan đến hoạt động thương mại, ngày 6.10 vừa qua, một nhà đầu tư đã đến khảo sát, tìm hiểu, thăm dò để có thể xây siêu thị ở trung tâm huyện Châu Thành. Trước đây từng có nhà đầu tư đến Châu Thành để khảo sát nhưng sau đó lại bỏ đi, vì họ cho rằng Châu Thành quá gần TP. Tây Ninh.
Ngoài chuyện cầu, đường, chợ, ở Châu Thành còn một thực tế là nhiều năm qua vẫn chưa có bến xe. Vừa qua, các cơ quan liên quan và chính quyền huyện Châu Thành đã quyết định lấy khu đất thuộc địa điểm Trường THPT Châu Thành trước đây để làm bến xe.
Trong số 9 huyện và thành phố của tỉnh, Châu Thành là một trong hai huyện (cùng với Bến Cầu) chậm phát triển nhất, cho dù dân cư đông, diện tích tự nhiên rộng. Ðáng mừng là trong hơn một năm qua, vùng đất có đến 6 xã biên giới thuộc vùng 135 đã có những bước chuyển mình về kết cấu hạ tầng giao thông và thương mại.
VIỆT ÐÔNG