Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Châu Thành: Tranh chấp đất kênh tiêu
Thứ tư: 15:32 ngày 01/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày qua, do ông Lê Thế Toàn- người đứng tên quyền sử dụng phần đất, có ý định lấp lại con mương nên đã xảy ra tranh chấp. Người dân cho rằng, nếu ông Toàn lấp con mương, cả cánh đồng sẽ bị ngập.

Đoạn kênh tiêu đi ngang giữa đất của ông Toàn.

Những ngày qua, người dân sống tại ấp Sân Lễ, xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành bức xúc về việc một chủ đất đòi lấp con kênh tiêu- con kênh chính thoát nước cho cả cánh đồng có diện tích hơn 100 ha. Người dân lo lắng, nếu con kênh này bị chủ đất lấp lại, cả cánh đồng khi trời mưa không có lối thoát nước dẫn đến bị ngập, gây thiệt hại hoa màu cho người dân.

Theo người dân, không hiểu ngành Thuỷ lợi khi xây dựng tuyến kênh tiêu TN25-9 “như thế nào” mà chỉ kéo dài đến phần đất của ông Lê Thế Toàn (ngụ huyện Trảng Bàng) rồi ngưng lại, chứ không đến kênh tiêu chính.

Do đó, để giải quyết tình trạng ngập nước của cả cánh đồng vào mùa mưa, khoảng năm 1997, người dân đã “xin miệng” người chủ đất trước cho mở mương nước có chiều ngang khoảng 5 tấc đi ngang đất để đưa nước thoát ra kênh tiêu 13C. Sau đó, phần đất này bán lại cho gia đình ông Toàn và vẫn có mương.

Tuy nhiên, vào khoảng năm 2013, nước ngập nhiều nên người dân đã hùn tiền xắn con kênh sâu hơn để thoát nước. Việc làm này, người dân xin “ý kiến” mẹ ông Toàn. Hiện nay, con kênh có chiều ngang khoảng 3m, sâu hơn 1m.

Những ngày qua, do ông Lê Thế Toàn- người đứng tên quyền sử dụng phần đất, có ý định lấp lại con mương nên đã xảy ra tranh chấp. Người dân cho rằng, nếu ông Toàn lấp con mương, cả cánh đồng sẽ bị ngập.

Trao đổi qua điện thoại, ông Toàn khẳng định, lúc gia đình ông mua đất vào năm 2002, khu vực này là một thửa đất liền canh, liền cư không có con kênh tiêu giữa đất như bây giờ. Việc người dân nói có mương thoát nước trong đất của ông từ lâu là không chính xác. Hơn nữa, trong giấy CNQSDÐ được cấp cho ông cũng không có mương nước này.

Theo ông Toàn, do canh tác, sản xuất thất bại nên gia đình ông không thường xuyên lên thăm đất. Những năm gần đây, ông mới phát hiện người dân mở con mương tiêu thoát nước ở giữa khu đất của ông. Việc này đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của ông, khiến mảnh đất bị chia cắt ra làm hai.

Cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại nên ông Toàn có đơn đề nghị UBND xã Hảo Ðước giải quyết. Bản thân ông Toàn cũng nhận thấy, nếu con mương bị lấp lại sẽ dẫn đến cánh đồng bị ngập, ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân nên đã đưa ra nhiều phương án để giải quyết. Tuy vậy, ông Toàn và người dân đã không tìm được tiếng nói chung. Vì thế, ông quyết định sẽ giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Theo tài liệu địa chính xã Hảo Ðước, hệ thống bản đồ năm 1989, phần đất của ông Toàn không thể hiện con mương thoát nước này. Thế nhưng bản đồ địa chính đo theo hiện trạng năm 2010 lại có con mương.

Vấn đề được đặt ra, tại sao con kênh tiêu thuỷ lợi được bê tông hoá chỉ kéo dài đến đầu phần đất ông Toàn rồi ngưng lại. Không có kênh tiêu, nên người dân cánh đồng ấp Sân Lễ lo sợ, nếu ông Toàn lấp lại con mương đi ngang đất của ông, khi trời mưa, nước sẽ không thoát được.

Rất mong chính quyền Hảo Ðước và ngành Thuỷ lợi xem xét, làm sao để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Toàn, bảo đảm việc thoát nước cho cánh đồng, cũng như ổn định việc sản xuất cho người dân trong thời gian tới.

THẾ NHÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục