Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành- Từ vành đai lửa tới vòng cung xanh 

Cập nhật ngày: 01/06/2022 - 00:34

BTN - Xin kể luôn rằng vành đai lửa ấy chính là Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn tại thời điểm gần 60 năm trước. Vào ngày 12.11.2013, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã quyết định xếp hạng đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Rạch Rỗng Tượng qua Trí Bình.

Trước nay, khi nói về Tây Ninh, thường người ta hay nhắc tới những địa danh như Căn cứ Trung ương Cục trên rừng Bắc Tây Ninh, hay chiến khu Dương Minh Châu lẫy lừng suốt hai thời kỳ kháng chiến. Cũng có khi đấy là vùng Tam giác sắt, trong đó một mũi của tam giác kiên cường ấy là đất Trảng Bàng; hoặc căn cứ lõm vùng ruột Gò Dầu, nơi từng có hai lần trỗi dậy phong trào “Quyết tử giữ Gò Dầu”.

Không mấy ai biết rằng ngay giữa vùng đất trù phú xôi mật nhất là huyện Châu Thành đã từng có một vành đai lửa siết chặt quanh khu căn cứ Mỹ. Vành đai này chạy xuyên suốt, liên tục qua 8 xã của huyện Châu Thành.

Như một thông lệ ở các tỉnh miền Nam, Châu Thành là huyện ở vùng đất trung tâm, thuận lợi về mọi mặt trong một tỉnh. Dưới thời triều Nguyễn, phần lớn đất Châu Thành thuộc tổng Hoà Ninh của huyện Tân Ninh. Ngày nay, thị trấn Châu Thành chỉ cách thành phố Tây Ninh 7km.

Sau hai năm dịch bệnh Covid- 19 bùng phát, đến đầu năm 2022 thì người ta thấy tại ngã tư đường Tua Hai - Đồng Khởi và hương lộ 3, thuộc khu phố 1, thị trấn Châu Thành có một khu di tích mang tên: Địa điểm Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn.

Nói thêm cho những ai chưa biết đến tên mới của các con đường. Nơi ấy xưa được người địa phương gọi là ngã ba Sọ. Đọc lên là gợi lại một thời xưa hẩm hút rừng hoang thú dữ. Hương lộ 3 chính là lối qua cầu Da lên Hảo Đước, Bàu Sen, Trường, Vịnh…

Các cụ ta xưa còn kể cho cháu con nghe về chuyện cọp ăn thịt người. Trên lối đi xuyên rừng của người vùng Hảo Đước về chợ tỉnh lỵ hay những khi có việc, ngã ba này từng là nơi cọp bắt người ăn thịt, chỉ để lại vài ba cái sọ người.

Từ đó thành tên, như một kỷ niệm thương đau của thời quá vãng. Ngày nay, lối nẻo nào qua đây cũng là đường bê tông nhựa. Vậy nên, lãnh đạo huyện đã chọn chính góc ngã ba (nay là ngã tư) này để làm địa điểm xây dựng khu di tích lưu niệm của vành đai.

Khoảng 3 năm trước ai đi qua đường này nhìn vào khu đất chỉ thấy những gò đất cao do người ta đổ tạm để làm gạch hoặc xây dựng công trình khác. Bao quanh đó chỉ toàn cỏ dại. Phải vạch cỏ ra mới thấy tấm biển xi măng cắm ở bên đường báo hiệu đây là khu di tích.

Giờ đây, tất cả cảnh hoang vu ấy nhường chỗ cho một công trình mới khang trang, với ngôi nhà mới xây ngói đỏ tường hồng. Và, giữa khoảng sân rộng thênh thang trước nhà nổi bật cụm tượng đài. Trụ tượng đài vươn cao, như là hình ảnh cánh tay người chiến sĩ vung lên khi đọc câu thề: “Ra đi, không diệt được Mỹ, không về!” (văn bia).

Trên đỉnh tượng đài là hình lá cờ tung bay với ngôi sao năm cánh. Vậy đây là lời thề thiêng liêng dưới lá cờ Tổ quốc. Dưới chân của khối trụ vút cao là tượng 3 chiến sĩ được tạo hình mang tính cách điệu cao của ngôn ngữ tạo hình điêu khắc.

Tất cả các chi tiết góc cạnh đều toát lên một tinh thần quả cảm, quyết tâm của chiến sĩ vành đai. Họ là đại diện của “3 thứ quân” gắn bó bên nhau trong chiến đấu. Là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Cụm tượng có anh giải phóng quân, nón tai bèo, tay phải giương cao khẩu AK báng gấp. Cô du kích ở kề bên vẫn đĩnh đạc khoác khăn rằn và súng chắc trong tay. Tất cả họ đều đứng chân trên miền đất quê hương, vững chắc như bàn thạch, xoè ra những cánh tay như bao dung và che chở. Đây là một tượng đài đẹp, dù đã có hơi “quen mắt” lâu nay. Bổ sung cho ý tưởng chính của cụm tượng đài là 2 mảng phù điêu ở 2 bên chân bệ tượng.

Trong sắc nâu trầm của đất, phù điêu phác hoạ cụ thể và chân thực hơn các cuộc chiến đấu ở “vành đai”. Còn chi tiết, cụ thể hơn nữa, thì xin xem ở tấm văn bia gắn trên mặt trước bệ tượng đài.

Chỉ có khoảng 600 âm tiết, nhưng văn bia đã tóm tắt lại 2.250 ngày chiến đấu trên vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn (tính từ tháng 10.1965 đến tháng 4.1972). Sau đây là toàn văn bài văn bia, đã được khắc chữ vàng trên bia đá.

“Địa điểm lưu niệm “Vành đai diệt Mỹ” Trảng Lớn.

Nhớ năm 1965/ Chiến lược chiến tranh Đặc biệt bị thất bại;/ giặc Mỹ chuyển chiến lược chiến tranh cục bộ, tham chiến trên khắp miền Nam/ Tháng 10 năm 1965, Lữ đoàn 196 của Mỹ lập căn cứ quân sự Trảng Lớn tại Châu Thành, thiết lập vành đai trắng bao quanh.

Nhà cửa ruộng vườn bị tàn phá tan hoang, rừng trùng diệp ven sông Vàm Cỏ Đông xơ xác. Quê hương ngút trời bom đạn, lòng dân ngùn ngụt hờn căm; Lời kêu gọi của Bác Hồ vang dậy núi sông: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.

Chủ động ở thế tiến công, Tỉnh uỷ Tây Ninh chủ trương thành lập ngay “Vành đai diệt Mỹ” Trảng Lớn, đề ra nghị quyết đánh Mỹ. Ngày 4.3.1966 Huyện uỷ Châu Thành tổ chức hội nghị mở rộng tại Bến Trường, triển khai nghị quyết thành lập Ban Chỉ huy thống nhất, hình thành thế trận vành đai bao vây. Bí thư Huyện uỷ là chính trị viên, Huyện đội trưởng làm chỉ huy trưởng.

Lệnh xuất quân vang vọng câu thề: Ra đi, không diệt được Mỹ, không về!

Thế trận được hình thành, bốn cụm chiến đấu liên hoàn, siết chặt quanh căn cứ Mỹ. Lực lượng Đại đội 40 huyện, Trung đội nữ pháo binh cùng các đội du kích: Thanh Điền, Thái Bình A, Hảo Đước, Trí Bình, Hoà Hội, Ninh Điền, Phước Vinh và Thái Bình B.

Xây dựng bãi chông, trái gài, vùng tử địa… Các công binh xưởng của huyện tập trung làm mìn chống tăng, trái gài, lựu đạn ném lựu đạn phóng để phục vụ đánh Mỹ. Nhân dân vùng vành đai tích cực đóng góp, ủng hộ nhân, trí, vật, lực cho kháng chiến; vận động thanh niên tòng quân, tham gia du kích, cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi quân, thuốc điều trị cứu chữa thương binh, bệnh binh.

Từ đây, vành đai liên tục tấn công, mỗi ngày hàng chục trận, chiến thắng dội vang tên đất, tên làng:

Từ Trảng Trai, Bàu Ràu, Bàu Đưng, Bắc Rù, Gò Nổi, Bến Sỏi, Phước Tân/ Đến Sa Nghe, Suối Ông Đình, Bàu Sen, Vịnh, Cầy Xiêng, Tua Hai, Vườn Mít/… Khí thế cách mạng sôi nổi tưng bừng/ B13 nữ pháo binh linh hoạt, bí mật bất ngờ trút pháo vào căn cứ Trảng Lớn/ Tiểu đội du kích Sa Nghe đánh hàng trăm trận; Đội trưởng Bùi Văn Thuyên chỉ huy được phong tặng anh hùng…

Suốt 7 năm, từ 1965 đến 1972, từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đến “Việt Nam hoá chiến tranh”, hơn 2.000 ngày đêm chiến đấu, ba xã Thanh Điền, Thái Bình A, Trí Bình như một Tam giác sắt kiên cường. Vành đai đã diệt hàng ngàn tên giặc, phá huỷ hàng trăm thiết bị chiến tranh.

Chiến công vang lừng “vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”- đỉnh cao nghệ thuật quân sự của Chiến tranh Nhân dân trên đất Tây Ninh/ Tiến tới mùa xuân 1968 nổi dậy Tổng tiến công…/ Và Đại thắng ngày 30.4.1975, giành toàn vẹn non sông/ Đây là trang chói ngời trong lịch sử/ Tây Ninh trung dũng, kiên cường đánh giặc ngoại xâm”.

Huyện uỷ Châu Thành, Tây Ninh”.

Trần Vũ

(còn tiếp)