Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành: Vốn vay CSXH là đòn bẩy giúp nông dân huyện thoát nghèo 

Cập nhật ngày: 23/06/2020 - 17:05

BTNO - Cùng với các nguồn lực của các cấp chính quyền đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn của tỉnh, chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành với nhiều gói vốn vay ưu đãi thật sự trở thành một trong những “đòn bẩy” giúp nông dân huyện vươn lên thoát nghèo.

Sử dụng vốn vay hiệu quả

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của hệ thống thủy lợi và các chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) góp phần giúp người nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ các loại cây truyền thống kém hiệu quả sang cây ăn trái, nhờ đó mang lại thu nhập ổn định, có cơ hội vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

Sau khi được Hội Nông dân xã giới thiệu tín chấp vay vốn Ngân hàng CSXH, cùng với sự nỗ lực lao động không mệt mỏi, từ hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của địa phương, ông Phan Văn Dũng (ngụ tổ 2, ấp Bưng Rò, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành) vươn lên thoát nghèo và là một trong những điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay mang lại thu nhập cao của địa phương.

Nông dân Phan Văn Dũng trong vườn mít được hình thành nhờ vào nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện

Ông Dũng cho biết, trước đây ông được cha mẹ cho hơn 1 ha đất rẫy, tuy nhiên, do không có vốn cải tạo đất, lại thiếu nước tưới nên diện tích đất này không thể canh tác lúa hay hoa màu mà chỉ có thể trồng cây tràm. Vì vậy, kinh tế gia đình thường xuyên gặp khó khăn, bản thân ông cũng phải bôn ba làm thuê nhiều nơi để kiếm sống.

Đến năm 2015, ông Dũng nhờ Hội Nông dân xã giới thiệu vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành để đầu tư trồng hơn 600 cây mít lá bàng và mít thái siêu sớm. Sau hơn 2 năm chăm sóc, vườn mít phát triển xanh tốt và bắt đầu cho trái, năm đầu tiên, vườn mít mang về thu nhập cho gia đình ông Dũng trên 30 triệu đồng. Nhờ vậy, ông đã trả được nợ vay lần đầu. Đến năm 2018, ông tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới phun cho vườn mít nhằm tiết kiệm sức lao động.

Theo ông Dũng, cây mít là cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện đất đai địa phương nên cây phát triển rất tốt, cho trái quanh năm. Người trồng ngoài việc cắt cỏ, bón phân cân đối định kỳ còn phải phun thuốc phòng trừ sâu đục thân, đục quả và hỗ trợ dưỡng chất cho cây nuôi trái non. Bên cạnh đó, để bảo đảm cây khỏe mạnh, trái to, nhiều múi thì cần phải tỉa trái non, tùy theo tình trạng cây lớn nhỏ mà để trái nhiều hay ít.

Hiện tại, vườn mít của gia đình ông Dũng cho trái ổn định, trung bình mỗi cây cho trên 100kg/năm, thương lái vào tận vườn thu hái với giá bán ổn định mít lá bàng 3.000 – 4.000 đồng/kg, mít thái siêu sớm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.

Cũng như ông Dũng, từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả gia đình phải trông cậy vào 2.000 m2 sản xuất lúa, năm 2005 gia đình ông Nguyễn Văn Phụng ngụ ấp Hòa Hợp, xã Hòa Thạnh được Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành cho vay 10 triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách giảm nghèo vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Nhận thấy lợi thế của địa phương đất rộng, nhiều đồng cỏ tự nhiên nên ông quyết định đầu tư nuôi bò sinh sản, cùng với sự hỗ trợ của địa phương và nỗ lực vượt khó của bản thân, đàn bò của gia đình ông Phụng không ngừng phát triển, gia tăng số lượng sau mỗi năm. Ước tính, đến nay ông đã xuất chuồng hơn 15 con bò thịt, thu về hơn 300 triệu đồng. Hiện, ông duy trì đàn bò hiện có của gia đình khoảng 7 con bò cái sinh sản.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, cách đây khoảng hơn 10 năm, sau khi sản xuất lúa vụ mùa thì đa phần đất đai tại địa phương đều bỏ hoang, mặc cho cỏ sinh sôi phát triển nên việc chăn nuôi bò của ông cũng rất “khỏe”. Bên cạnh đó, để chủ động nguồn cỏ tươi, ông chuyển đổi gần 2.000 m2 đất của gia đình sang trồng cỏ, nhờ vậy mà những lúc bận công việc thì đàn bò cũng được ăn no đủ, phát triển tốt.

“Có thể nói, việc được Hội Nông dân xã giới thiệu vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện và quyết định nuôi bò sinh sản là bước ngoặt trong phát triển kinh tế, nhờ đàn bò mà gia đình tôi thoát nghèo, mua được hơn 1 ha ruộng sản xuất lúa. Năm 2018, tôi xây được căn nhà hơn 300 triệu đồng, các con cũng được học hành đầy đủ, hiện một đứa đang học đại học ở TP.HCM và một đứa đang học cấp 3”- ông Phụng vui vẻ tâm sự.

Phát huy vai trò Hội Nông dân trong công tác xóa đói giảm nghèo

Ông Lưu Anh Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hội cho biết, để hỗ trợ các hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt là những hội viên thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bên cạnh nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân hàng năm, Hội còn phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện để các hội viên được vay tín chấp vốn của Ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Hiện tổng dư nợ Hội nông dân xã đứng ra tín chấp cho vay là hơn 6,3 tỷ đồng, với 178 hộ vay. Trong đó, gia đình ông Phan Văn Dũng là một trong những điển hình sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của địa phương. Nhằm nhân rộng mô hình, tháng 3 năm 2020 vừa qua, Chi hội Nông dân ấp Bưng Rò tổ chức thành lập Tổ hợp tác trồng mít với 4 thành viên, phát triển 3,3 ha, do ông Phan Văn Dũng làm tổ trưởng.

Còn theo ông Trần Thanh Long- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thạnh, mô hình nuôi bò sinh sản của hộ ông Nguyễn Văn Phụng, vừa tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển chăn nuôi, bên cạnh đó bản thân ông Phụng cũng là người kiên trì, chịu khó, tuân thủ đúng quy trình chăm sóc và hướng dẫn của cán bộ thú y, nhờ vậy đã từng bước thoát nghèo.

Hội Nông dân xã xác định mô hình nuôi bò sinh sản của hộ ông Phụng là điển hình giúp nông dân thoát nghèo nên thời gian qua, đã triển khai cho nhiều hộ đến học tập kinh nghiệm. Hiện, Hội còn 2 hội viên hộ nghèo cũng vừa được hỗ trợ 2 con bò giống để phát triển sản xuất.

Theo Ngân hàng CXSH huyện Châu Thành, tính đến hết ngày 30.4.2020, tổng dư nợ của Hội Nông dân huyện là 142,3 tỷ đồng, nợ quá hạn là 0,7 tỷ đồng, nợ khoanh là 0,6 tỷ đồng. Trong đó, hai xã Hòa Hội và Hòa Thạnh là 2 xã có tỷ lệ sử dụng vốn vay hiệu nhất của huyện.

Cụ thể, ở xã Hòa Thạnh, Ngân hàng phối hợp với các đoàn thể thực hiện cho 7 chương trình tín dụng, tổng du nợ là 9,4 tỷ đồng, không có nợ quá hạn, nợ khoanh chỉ 5 triệu đồng; còn tại xã Hòa Hội có 8 chương trình tín dụng với 214 hộ vay, tổng dư nợ là 6,3 tỷ đồng, không có nợ xấu, tỷ lệ sử dụng vốn đạt hiệu quả lên đến 70%.

Trong năm 2019, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các xã kịp thời giải ngân 15,2 tỷ đồng cho 433 lượt hộ nghèo, cận nghèo, các hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay vốn phát triển kinh tế; giúp cho gần 266 lượt học sinh, sinh viên vay vốn đi học với số tiền gần 7,2 tỷ đồng; thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ngân hàng tổ chức cho 1.604 lượt hộ vay vốn xây dựng công trình nước sạch với số tiền 26,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện còn hỗ trợ 795 lượt hộ dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn sản xuất kinh doanh được vay vốn với số tiền 30,2 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 368 lao động với số tiền 11,4 tỷ đồng.

Minh Dương