Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Qua theo dõi, hầu hết các diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đều bị nhiễm bệnh…
(BTNO)- Trong vụ hè thu 2011, toàn huyện Châu Thành xuống giống lúa được 11 ngàn ha, đạt 100% kế hoạch. Trong đó diện tích lúa đẻ nhánh là 4.925ha, làm đòng 4.579 ha, trổ bông 1.496 ha. Qua điều tra trên đồng ruộng và theo dõi hai bẫy đèn, hiện nay đối tượng sâu bệnh gây hại có rầy nâu, rầy cánh trắng, sâu cuốn lá, bệnh đốm vằn, đạo ôn lá.
Cán bộ Trạm BVTV kiểm tra bệnh trên cây lúa |
Đặc biệt trong tuần qua thời tiết mưa nhiều, độ ẩm không khí cao làm cho bệnh cháy bìa lá có chiều hướng tăng đột biến cả về mật độ và diện tích. Qua theo dõi hầu hết các diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đều bị nhiễm. Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, khi phát hiện lúa bị bệnh, nông dân có thể sử dụng các loại thuốc trị bệnh như: Kasumin 21, Kasuran 47 WP, Xanthomix 20 WP, Cuproxat 345 SC… và cần tiến hành phun thuốc ngay khi bệnh mới xuất hiện đề đạt hiệu quả cao. Khi phun cần hạ thấp cần phun để thuốc tiếp xúc nhiều với lá, nên phun thuốc vào chiều mát, khô ráo.
Được biết, bệnh cháy bìa lá phát sinh mạnh vào những tháng mưa nhiều, những ruộng bị bệnh nặng thường có mật độ sạ dày, bón nhiều phân, nhất là dư đạm. Bệnh phát sinh chủ yếu trên phiến lá, vết bệnh đầu tiên xuất hiện ở rìa lá như thấm nước và lan dần vào trong, tạo thành các vết dài màu xanh tái, sau chuyển thành màu trắng xám và phát triển lên chóp lá. Giữa phần lá bệnh và không bệnh nổi lên một đường gợn sóng, bệnh nặng lan rộng ra khắp phiến lá, xuống tới tận gốc của bẹ lá làm giảm khả năng quan hợp của lá, lúc lúa trổ sẽ thụ phấn kém, hạt bị lép nhiều, tỷ lệ hạt chắc trên bông giảm.
Duy Thức