BAOTAYNINH.VN trên Google News

Châu Thành: Xuống giống gần 13.000 ha vụ lúa Đông Xuân

Cập nhật ngày: 02/03/2014 - 06:25

Qua điều tra trên đồng ruộng và theo dõi 2 bẫy đèn, hiện nay đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa có các loại rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn… Đặc biệt, kết quả bẫy đèn tại xã Phước Vinh cho thấy, số rầy trưởng thành vào đèn rất cao.

Dự báo trong thời gian tới, bệnh đạo ôn lá, rầy nâu và đạo ôn cổ bông trên cây lúa phát triển mạnh cả về diện tích và mật độ, do thời tiết ngày nóng, sáng se lạnh, có sương mù rất thuận lợi cho sâu, bệnh phát triển.

Cán bộ Trạm BVTV Châu Thành hướng dẫn nông dân kiểm tra tình hình dịch bệnh trên cây lúa.

Nhằm hạn chế tối đa sự thiệt hại do rầy nâu và bệnh đạo ôn gây hại, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành khuyến cáo bà con nên thường xuyên thăm đồng, theo dõi.

Đối với bệnh đạo ôn, do thời tiết thuận lợi, nấm tấn công trên nhiều bộ phận của cây lúa như trên hạt, trên gié, trên cổ bông, trên đốt và cả trên lá với triệu chứng lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ, lần lần phát triển lớn hơn, kéo dài ra và nhọn ở hai đầu.

Xung quanh vết bệnh có viền màu nâu hoặc màu nâu đỏ, phần giữa có màu xám tro, vết bệnh dài khoảng 1 – 1,5cm, rộng từ 0,3 – 0,5cm, khi bị nhiễm nặng lá bị khô và chết.

Trên bông lúa bệnh thường xuất hiện ở cổ bông, cổ gié, nơi bị bệnh sẽ bị thối; nếu bệnh xuất hiện sớm, toàn bộ bông lúa sẽ bị lép, nếu bệnh xuất hiện trễ bông lúa thường bị gãy. Khi cây lúa gặp bệnh này, nông dân cần chọn giống kháng đạo ôn, bón phân cân đối, tránh thừa đạm, áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng và dùng thuốc hóa học hợp lý.

Đối với rầy nâu, rầy thường trú ẩn ở phần gốc cây lúa gần sát mặt nước để chích hút nhựa ở bẹ lá, làm lá lúa bị úa vàng, cây lúa sinh trưởng kém, có thể bị cháy khô.

Vòng đời của rầy nâu từ 34 – 28 ngày. Nông dân cần gieo sạ giống kháng rầy thích hợp với điều kiện ở địa phương; gieo sạ mật độ vừa phải; bón phân cân đối và hợp lý.

Gia Hân