Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
PHỤ NỮ VÀ SỨC KHOẺ
Cháu thường nghẹt mũi về đêm
Thứ bảy: 13:19 ngày 20/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hỏi: Con tôi 2 tháng tuổi, cân nặng lúc sinh là 3kg, hiện giờ 4,5kg. Ban ngày cháu vẫn tươi tỉnh, chơi đùa bình thường, không sốt, bú tốt, thỉnh thoảng ọc ít sữa, tiêu tiểu bình thường. Thời gian gần đây, cháu thường nghẹt mũi về đêm, như có đàm nhớt trong mũi, phải kê gối cao bé mới ngủ được. Xin hỏi bác sĩ, liệu cháu có bệnh gì không? Tôi phải làm sao?

Một bạn đọc

Ðáp: Con bạn 2 tháng tuổi, ban ngày tươi tỉnh, chơi đùa bình thường, không sốt, bú tốt, thỉnh thoảng ọc ít sữa, tiêu tiểu bình thường, cân nặng 4,5kg là phát triển bình thường và có vẻ khoẻ mạnh. Tuy nhiên, theo nhận xét của bạn, cháu bị nghẹt mũi về đêm, như có đàm nhớt trong mũi, khó ngủ phải kê gối cao mới ngủ được. Nếu cháu không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu bất thường nào khác như sốt, ho, thở nhanh, thở gắng sức, mệt mỏi, lừ đừ, bú kém, tím tái toàn thân... thì chúng tôi không nghĩ cháu có bệnh gì nguy hiểm, nên có thể chưa cần phải đi khám ngay.

Triệu chứng nghẹt mũi của cháu gợi ý tình trạng tắc nghẽn nhẹ, tạm thời ở mũi, do chỉ xảy ra ban đêm, nên nguyên nhân có thể do mũi tăng tiết chất nhầy hay vết sữa khô ở mũi gây ra. Sữa do ọc sữa hoặc do sữa trào ngược từ dạ dày lên thực quản và đọng lại ở mũi lâu ngày thành vết sữa khô gây nghẹt mũi. Ban đêm, trẻ nằm nhiều, hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản dễ xảy ra. Ngoài ra, trời lạnh, mũi tăng tiết nhầy, dễ nghẹt hơn. Ðiều may mắn là đa số trường hợp trào ngược dạ dày thực quản ít gây hậu quả nghiêm trọng và thường biến mất khi trẻ lớn dần, ít khi tồn tại ở trẻ trên 18 tháng tuổi.

Về xử trí, trước mắt bạn có thể nhỏ mũi cháu với nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày (6-8 lần), mỗi lần 6-8 giọt mỗi bên, sau cữ bú khoảng 2 giờ để làm sạch mũi, giảm dần tình trạng tắc nghẹt mũi. Ðể giảm nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên giới hạn số lượng sữa mỗi cữ bú tối đa 90ml, hai cữ bú cách nhau ít nhất 2 giờ, cho trẻ bú trong tư thế ngồi, và không để bé nằm ngay sau bú, mà tiếp tục bế trẻ trong tư thế đầu cao trong 15-30 phút và vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi. Nếu cháu không giảm mà ngày càng tăng nghẹt mũi, hoặc xuất hiện thêm bất kỳ dấu hiệu nào như sốt, ho, thở nhanh, thở gắng sức, mệt mỏi, bú kém... thì nên đưa cháu đi khám bệnh ngay.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú

Tin cùng chuyên mục