Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh: Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn
Thứ hai: 08:16 ngày 06/04/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo yêu cầu của Nhật Bản, Mexico – quốc gia đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã chủ trì một phiên họp khẩn để đưa ra “những phản ứng thích hợp” đối với vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

Một người lính Hàn Quốc đang xem bản tin truyền hình về vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên tại một ga xe lửa ở Seoul. Ảnh: Xinhua/Reuters

Mặc dù CHDCND Triều Tiên đã báo trước kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh viễn thông Kwangmyongsong-2 vào quỹ đạo trái đất, nhưng vụ phóng sáng ngày 5.4 đã làm cho cộng đồng quốc tế khá bất ngờ khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục gây sức ép. Chiều cùng ngày, có tin cho biết, Mexico – quốc gia đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã chủ trì một phiên họp khẩn để đưa ra “những phản ứng thích hợp” theo yêu cầu của Nhật Bản.

Hãng thông tấn trung ương CHDCND Triều Tiên (KCNA) đưa tin, ngày 5.4, tên lửa Unha-2 đã đưa vệ tinh Kwangmyongsong-2 vào quỹ đạo trong vòng 9 phút. “Vệ tinh đã thành công trong việc chuyển tiếp hai bài hát “Ngợi ca tướng Kim Il Sung” và “Ngợi ca tướng Kim Jong Il” cũng như truyền dữ liệu về trái đất” – KCNA cho biết. Tại Seoul, một quan chức chính phủ Hàn Quốc cũng xác nhận với hãng thông tấn Yonhap rằng, vệ tinh được gắn vào đầu tên lửa của Triều Tiên, nhưng có vẻ như tên lửa đã không đưa được vệ tinh vào quỹ đạo mà đã rơi cùng với tầng nhiên liệu tên lửa thứ hai ở khu vực Thái Bình Dương.

Mỹ và Nhật Bản đều cho rằng, dù Triều Tiên phóng vệ tinh nhưng thật sự đây chỉ là một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa. Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích Triều Tiên vi phạm Nghị quyết 1718 do Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra hồi năm 2006, buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và đình hoãn việc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa. Ông nhấn mạnh: “Đã đến lúc, cần phải có một phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế (đối với Triều Tiên). Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cho đây là “hành động khiêu khích không thể bỏ qua được”. Nhật Bản đe doạ sẽ tăng thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mà nước này áp đặt hồi tháng 7.2006 sau vụ Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong-2 không thành công.

Hãng thông tấn AP trích dẫn nguồn tin từ các quan chức ngoại giao tại LHQ cho biết, Mỹ, Anh, Pháp và Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận về một dự thảo nghị quyết của HĐBA bổ sung nghị quyết 1718 ban hành hồi năm 2006, buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và đình hoãn việc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cả Mỹ, Anh và Pháp đều không muốn đưa ra các biện pháp cấm vận mới đối với Triều Tiên vì như thế sẽ tạo ra tình trạng “đối đầu” với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia thường trực HĐBA đều có quyền phủ quyết.  

Trước đó, Trung Quốc – đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, đã kêu gọi các bên liên quan bình tỉnh. Nga – quốc gia láng giềng với Triều Tiên, cũng kêu gọi các bên nên kiềm chế, xem xét vấn đề một cách khách quan.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 5.4, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ đưa hai nữ phóng viên Mỹ Laura Ling và Euna Lee, bị bắt giữ ở khu vực biên giới Trung Quốc – Triều Tiên hôm 17.3, ra xét xử về tội xâm nhập bất hợp pháp và có hành động thù địch đối với nước này. Hai nữ phóng viên này làm việc cho một kênh truyền hình Current TV của cựu Tổng thống Mỹ Al Gore.

Đặng Hoàng Thái

(Tổng hợp từ Reuters & THX)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục