Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chế biến nông sản: Phát triển chưa tương xứng tiềm năng 

Cập nhật ngày: 06/08/2022 - 05:26

BTN - Các khâu xử lý sau thu hoạch gặp nhiều khó khăn do công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch vẫn còn thấp, chưa theo kịp năng lực sản xuất của nông dân, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn- khoảng hơn 25% đối với các loại quả, hơn 30% đối với các loại rau, 10%-20% đối với các loại củ

Sản xuất kẹo đậu phộng tại một doanh nghiệp ở thị xã Hoà Thành.

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản là ngành công nghiệp chủ lực và thế mạnh của tỉnh. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, giá nhân công tại chỗ rẻ, những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông, lâm sản đã có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, sản phẩm chế biến phần lớn dừng lại dạng thô, lượng sản phẩm tinh chế còn ít, giá trị sản phẩm không cao.

Từng bước đẩy mạnh chế biến sâu nông sản

Từ năm 2017, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, tập trung phát triển các sản phẩm có nguồn nguyên liệu ổn định và là thế mạnh của tỉnh như chế biến cao su, mía, hạt điều, tinh bột mì; nhờ đó, lĩnh vực chế biến nông, lâm sản đã có những bước khởi sắc đáng kể, nhiều nhà máy được xây dựng, các doanh nghiệp nỗ lực đầu tư, đổi mới trang thiết bị cho dây chuyền sản xuất.

Hoạt động sản xuất chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh phù hợp với vùng nguyên liệu, cụ thể: chế biến mía đường có 4 nhà máy, công suất 15.800 tấn mía cây/ngày, nguồn nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng 40%. Chế biến mì có 65 nhà máy, tổng công suất khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm, trong đó, có 10 nhà máy chế biến sâu, nguồn nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng 50%.

Chế biến cao su có 23 nhà máy, tổng công suất khoảng 4.800 tấn nguyên liệu/năm, nguồn nguyên liệu trong tỉnh đáp ứng 70%. Chế biến điều có 20 nhà máy, tổng công suất 20.000 tấn điều nhân/năm, nguồn nguyên liệu hoàn toàn nhập khẩu.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định: tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ những hạn chế trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Một số hạn chế có thể kể đến như: năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Công nghệ chế biến nông sản chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, tính chung khoảng 15%-20%, chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú. Bên cạnh đó, tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

“Các khâu xử lý sau thu hoạch gặp nhiều khó khăn do công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch vẫn còn thấp, chưa theo kịp năng lực sản xuất của nông dân, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn- khoảng hơn 25% đối với các loại quả, hơn 30% đối với các loại rau, 10%-20% đối với các loại củ.

Trong khi đó, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản vẫn được dự báo là có tiềm năng rất lớn trong thời gian tới, thị trường tiêu thụ nông sản của Tây Ninh được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển”- ông Xuân cho biết thêm.

Toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, song phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (tăng 165 doanh nghiệp so với năm 2005). Tây Ninh là một trong những tỉnh phát triển về công nghiệp chế biến nông sản, nhiều ngành hàng có công suất chế biến lớn hoặc tương đương sản lượng sản xuất với công nghệ khá hiện đại như: cao su, khoai mì, mía đường, hạt điều.

Phần lớn các công ty, nhà máy sử dụng công nghệ lắp ráp của nhiều quốc gia trong một dây chuyền sản xuất, không có nhà máy sử dụng đơn lẻ dây chuyền sản xuất của một quốc gia, chủ yếu từ các nước: Thuỵ Điển, Đức, Hà Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực chế biến

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai 3 chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực này. Một là, chính sách hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17.6.2019 của UBND tỉnh ban hành quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025. Đối tượng hỗ trợ của chính sách là cá nhân và pháp nhân.

Dự án hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản và chế biến các loại rau, củ, quả, cây ăn trái bảo đảm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo các quy định hiện hành.

Chính sách hỗ trợ lãi vay 5%/năm trên số vốn vay đối với cá nhân tối đa là 10 tỷ đồng; đối với pháp nhân tối đa là 20 tỷ đồng; thời gian hỗ trợ không quá 5 năm. Từ khi triển khai đến nay, chính sách đã hỗ trợ 13 dự án thuộc lĩnh vực canh tác, nuôi trồng, tuy nhiên, chưa hỗ trợ dự án lĩnh vực chế biến.

Thứ hai là, chính sách hỗ trợ liên kết theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 của UBND tỉnh ban hành quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Đối tượng hỗ trợ của chính sách nông dân, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Cụ thể, nội dung, mức hỗ trợ của chính sách như sau: hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết nhưng không quá 300 triệu đồng/dự án đối với dự án cấp tỉnh; không quá 200 triệu đồng/dự án đối với dự án cấp huyện.

Hỗ trợ 30% chi phí đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 30% chi phí giống, vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn, thuốc thú y...); hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác.

Từ khi triển khai đến nay, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 8 dự án, trong đó, có 7 dự án cấp huyện và 1 dự án cấp tỉnh. Dự án cấp huyện gồm: Trảng Bàng (2 dự án bò); Châu Thành (2 dự án lúa); Bến Cầu (1 dự án bò); Gò Dầu (1 dự án lúa); thành phố Tây Ninh (1 dự án bò) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 4 tỷ đồng.

Dự án cấp tỉnh là hỗ trợ liên kết sản xuất, xay xát và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh của Công ty cổ phần sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 32 tỷ đồng, với diện tích 2.020 ha tại các huyện Bến Cầu (211 ha), Châu Thành (1.048 ha), Gò Dầu (266,5 ha) và thị xã Trảng Bàng (494 ha).

Thứ ba là, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12.6.2020 của UBND tỉnh.

Đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập tại tỉnh Tây Ninh. Dự án được hỗ trợ gồm: dự án đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm cây ăn trái, rau, củ, quả, thực phẩm; đầu tư cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản rau, quả tươi; chế biến các phụ phẩm từ chế biến đường; phụ phẩm từ chế biến mì.

Từ khi triển khai đến nay, chưa có doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ dự án. Nguyên nhân là hiện nay quy định của chính sách không còn phù hợp với luật đầu tư mới; đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17.4.2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo Sở NN&PTNT, việc đầu tư và phát triển lĩnh vực chế biến nông sản trên địa bàn còn khá hạn chế. Có những mặt hàng nông sản được sản xuất nhiều như: rau, củ, quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm… nhưng chưa có nhà máy chế biến liên kết tiêu thụ và ngược lại nhà máy mía, mì, cao su thì nguyên liệu không đủ để hoạt động hết công suất.

Bên cạnh đó, giữa nhà máy và người sản xuất (nông dân) chưa tìm được hướng đi chung nên chưa có nhiều hợp đồng ký kết mua bán sản phẩm mang tính bền vững, chưa hình thành được chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nguồn vốn, chính sách của tỉnh tuy có nhưng để nhà đầu tư tiếp cận chưa thực sự dễ dàng.

Giải pháp thúc đẩy công nghệ chế biến sâu

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, trong thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và cả đại dịch Covid-19 nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn được duy trì.

Để thúc đẩy nâng cao công nghệ chế biến sâu, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng lực và chất lượng chế biến nông lâm thuỷ sản.

Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: cao su, mì, mía, lúa gạo; các sản phẩm chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa; thuỷ sản, lâm nghiệp.

Trong bối cảnh công nghệ chế biến ngày càng phát triển, đặc biệt là công nghệ 4.0 mở ra tiềm năng phát triển mới cho tất cả các ngành hàng, việc phát triển công nghệ, thiết bị tiên tiến cần phù hợp với điều kiện từng vùng và từng sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Các địa phương cần tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản. Trên cơ sở thị trường tiêu thụ, thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng… để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến đạt công suất thiết kế. Về cơ chế chính sách, các địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản đã ban hành.

TRÚC LY