Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hỏi: Thời gian gần đây, tôi nghe báo chí nói nhiều về các bệnh không lây nhiễm… Thông tin quá nhiều nên tôi cảm thấy rối, không rõ thế nào là chế độ ăn uống hợp lý để phòng các bệnh không lây nhiễm? Xin bác sĩ giải thích thêm.
Một bạn đọc
Ðáp: Bệnh không lây nhiễm (bệnh mạn tính, bệnh do lối sống) hiện là gánh nặng bệnh tật chủ yếu trên thế giới và tại Việt Nam. Khoảng 2/3 số tử vong trên thế giới và gần 3/4 số tử vong tại Việt Nam hằng năm là do bệnh không lây nhiễm, chủ yếu 4 nhóm bệnh: tim mạch, ung thư, bệnh phổi mạn tính và đái tháo đường.
Các bệnh nhiễm trùng, dù rất được công chúng và báo chí quan tâm, chỉ gây ra khoảng 27% số trường hợp tử vong hằng năm ở nước ta.
Nguyên nhân gây bệnh không lây nhiễm chủ yếu là do lối sống không lành mạnh, chủ yếu bao gồm: chế độ ăn không hợp lý, lạm dụng rượu, hút thuốc lá và thiếu hoạt động thể lực.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chế độ ăn không hợp lý và lạm dụng rượu gây ra khoảng 18 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, gấp đôi số tử vong do hút thuốc lá và thiếu hoạt động thể lực cộng lại.
Chế độ ăn không hợp lý (hay không lành mạnh) bao gồm: chế độ ăn nhiều muối, nhiều đường thêm vào, nhiều chất béo bão hoà, nhiều chất béo chuyển hoá (transfat), ít chất xơ, hoặc cung cấp quá nhiều năng lượng so với nhu cầu của cơ thể.
Một số ví dụ cụ thể: món ăn nhiều muối như cá, thịt tẩm ướp (khô, mắm), rau cải muối chua, trái cây chấm muối; món ăn nhiều đường như chè, bánh ngọt, nước ngọt, kể cả sinh tố, nước ép trái cây (thường được cho thêm nhiều đường, sữa khi chế biến); món ăn nhiều chất béo bão hoà như thịt heo ba rọi, thịt lẫn mỡ, thịt gia cầm không bỏ da, mỡ heo, mỡ bò, kem, bơ, phô mai, các sản phẩm từ sữa nguyên kem hoặc giảm béo, nhiều loại bánh nướng, thực phẩm chiên rán; món ăn nhiều chất béo chuyển hoá như các loại bánh rán, bánh nướng, thức ăn vặt đóng gói; chế độ ăn ít chất xơ nếu ít rau, quả, trái cây; món ăn nhiều năng lượng như thức ăn nhiều dầu, mỡ, hay thức ăn nhanh (thường chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hoà). Chế độ ăn không hợp lý còn là chế độ không đa dạng thực phẩm hoặc mất cân đối về thành phần 4 nhóm chất: bột, đạm, béo, vitamin và muối khoáng.
Lời khuyên thực hành về chế độ ăn hợp lý hằng ngày đối với người lớn bao gồm: ăn vừa đủ nhu cầu năng lượng (giữ chỉ số BMI trong khoảng 19 đến 23, không tăng quá 5kg trong độ tuổi trưởng thành), ăn nhiều loại thực phẩm, đủ 4 nhóm chất, ít muối (dưới 5g), ít đường thêm vào (dưới 5 muỗng cà phê đường cát), ít nhất 400g rau và trái cây, hạn chế thịt đỏ (dưới 100g), thịt chế biến sẵn (dưới 50g), thức ăn nhiều chất béo bão hoà (dưới 20g), hoặc chất béo chuyển hoá (dưới 2g).
Bác sĩ Huỳnh Văn Tú