Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chế độ ưu đãi dành cho con thương binh: Học liên thông khác trường: cắt?

Cập nhật ngày: 18/03/2011 - 11:15

Anh Bùi Văn Khoa sinh năm 1985 là con của ông Bùi Văn Nhân, thương binh hạng 3/4, nhà ở thị trấn Châu Thành. Học hết THPT, anh Khoa thi đậu vào khoa Tin học hệ trung cấp của Trường cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Sau khi hoàn thành chương trình trung cấp, anh Khoa tiếp tục học liên thông lên hệ cao đẳng ngay tại trường này.

Trong suốt thời gian học trung cấp và cao đẳng tại nhà trường, vì là con thương binh nên anh Khoa được Nhà nước hỗ trợ mỗi năm tổng cộng 3.540.000 đồng theo đúng quy định. Năm 2008, anh Khoa tốt nghiệp, ra trường đi làm. Một năm sau- năm học 2010 - 2011, với khát vọng lấy cho bằng được tấm bằng đại học, anh Khoa lại đi thi và đậu vào khoa Tin học của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM theo chế độ học liên thông.

Trao học bổng của Quỹ BTTE cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Ảnh: KN

Thấy con thi đậu, ông Bùi Văn Nhân đem sổ “Ưu đãi giáo dục đào tạo” đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Châu Thành để lãnh tiền chế độ cho con. Tuy nhiên, sau khi xem sổ xong, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH trả lời: vì anh Khoa học liên thông khác trường (đã học ban đầu) nên không được hưởng chế độ dành cho con em thương binh và gia đình có công với cách mạng nữa! Thắc mắc, ông Nhân cầm sổ lên thẳng Sở LĐ-TB&XH để hỏi tiếp. Câu trả lời mà ông Nhân nhận được cũng không khác gì câu trả lời của Phòng.

Vài ngày sau, ông Nhân mạnh dạn điện ra Bộ LĐ-TB&XH để hỏi quyền lợi cho con trai. Cán bộ của Bộ yêu cầu ông Nhân viết đơn trình bày cụ thể để lãnh đạo Bộ xem xét trả lời. Tuy nhiên, cho đến nay đã mấy tháng mà ông Nhân vẫn chưa được trả lời.

Ông Nhân thắc mắc: con ông học xong hệ cao đẳng, vì trong trường cao đẳng không có hệ đại học thì phải đi học trường khác là lẽ đương nhiên. Việc này, theo ông không cản trở gì đến việc thực hiện chế độ dành cho con thương binh, bởi lẽ, dù học liên thông khác trường thì anh Khoa cũng là con thương binh. Tại sao học trung cấp, cao đẳng thì được hỗ trợ còn liên thông lên đại học lại bị cắt? Được biết, chỉ riêng khoản tiền học phí mà anh Khoa phải đóng trong thời gian 3 học kỳ tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM là khoảng 18 triệu đồng.

Tương tự như trường hợp của con ông Nhân là trường hợp con ông Nguyễn Văn Chịu, một thương binh hiện ngụ tại ấp Lộc Vĩnh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng. Con ông Chịu là Nguyễn Ngọc Hân, theo học Trường cao đẳng Tài chính - Hải quan từ năm 2004 – 2007. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, năm 2009, Hân thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ đây, Hân không còn được hưởng tiền trợ cấp dành cho con thương binh nữa.

Sau khi có thắc mắc của các gia đình chính sách như kể trên, tháng 11.2010, Sở LĐ-TB&XH đã làm công văn gửi Cục Người có công của Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giải đáp, Cục Người có công đã “kính chuyển” vấn đề này sang Vụ Công tác Học sinh – sinh viên của Bộ GD – ĐT đề nghị cho biết ý kiến để trả lời. Tuy nhiên, cho đến nay, Sở LĐ-TB&XH Tây Ninh vẫn chưa nhận được văn bản, hướng dẫn giải quyết vấn đề đã nêu.

Bà Hồ Thị Phương, cán bộ Phòng Người có công – Sở LĐ-TB&XH Tây Ninh giải thích thêm: hiện nay, chế độ hỗ trợ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo dành cho học sinh, sinh viên con của người có công với cách mạng được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BGDĐT (ban hành ngày 20.11.2006). Trong Thông tư này không thấy quy định sinh viên con của người có công học liên thông khác trường thì có được hưởng chế độ hay không. Chính vì thế, khi người nhà của sinh viên đem sổ ưu đãi giáo dục đến Sở, qua kiểm tra thì thấy ghi hai tên trường khác nhau nên Sở không dám cấp tiền, e rằng sau này phải… truy thu.

Như trên đã nói, Thông tư 16 không hề đề cập đến vấn đề nếu học liên thông khác trường thì con gia đình chính sách có được hưởng chế độ ưu đãi hay không. Mặt khác, trong phần quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi, Thông tư 16 có ghi: người học nếu học liên tục lên trình độ đào tạo cao hơn gồm: trung cấp lên cao đẳng; cao đẳng lên đại học thì vẫn được hưởng chế độ ưu đãi. Điều này có nghĩa là nếu học liên tục (không bị gián đoạn) thì vẫn được hưởng chế độ.

Thông tư này cần phải được bổ sung cho cụ thể hai điều. Thứ nhất, nếu người học liên thông (không liên tục, vì phải đi làm một thời gian rồi mới đi học) thì vẫn tiếp tục được hưởng cho đến khi học xong bậc học sau cùng. Thứ hai, cần nêu rõ: học liên thông khác trường thì vẫn được hưởng chế độ ưu đãi. Bởi vì, nguyện vọng được học lên bậc cao hơn là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng cần được công nhận nếu không muốn nói là cần phải khuyến khích động viên.

Theo Thông tư 16 việc không áp dụng chế độ ưu đãi giáo dục, đào tạo đối với học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi trong các trường hợp sau:

- Đang học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên.

- Đã hưởng chế độ ưu đãi giáo dục, đào tạo ở một cơ sở đào tạo, nay tiếp tục học thêm ở một cơ sở đào tạo khác cùng cấp và trình độ đào tạo.

- Đang học ở nước ngoài.

VIỆT ĐÔNG