BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong xây dựng nông thôn mới:

Chê đúng, khen phải, kiến nghị thẳng 

Cập nhật ngày: 08/10/2018 - 13:06

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội được xem là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đưa ra những đề xuất, giải pháp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.

Một vườn thanh long ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội được xem là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đưa ra những đề xuất, giải pháp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 gồm 5 nhóm tiêu chí, gồm: quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hoá xã hội, môi trường và hệ thống chính trị. Năm 2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã giám định xã hội nhóm tiêu chí quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong 2 năm 2016-2017 đã được chỉ ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi quy hoạch đến khi thực hiện xây dựng các công trình đều theo nguyên tắc dân chủ, công khai và có sự tham gia của cộng đồng. Tuy nhiên, qua quá trình giám định và tiếp cận người dân tại xã Mỏ Công (huyện Tân Biên), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ghi nhận xã Mỏ Công không được tham gia đóng góp ý kiến trong việc lựa chọn danh mục các công trình đầu tư trên địa bàn xã do huyện là chủ đầu tư; hoặc chủ đầu tư phó thác cho đơn vị tư vấn thiết kế, không lấy ý kiến của đơn vị sử dụng.

Ðơn cử như tại Trường trung học cơ sở Tây Sơn, do không lấy ý kiến trước khi thi công nên xây dựng các phòng chức năng không phù hợp, khiến nhà trường không thể sử dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy… Hay việc đầu tư xây dựng các chợ xã Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu), chợ xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) cũng không được lấy ý kiến địa phương nên khi đưa các chợ này vào sử dụng đã gặp nhiều vấn đề như bị mưa tạt, vị trí xây dựng nhà quản lý chợ hoặc việc lắp đặt bồn cầu nhà vệ sinh không phù hợp…

Ðối với việc đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế xã hội, tổng kế hoạch vốn trong 2 năm 2016-2017 là 889.284 triệu đồng, trong đó, vốn vận động nhân dân chiếm 2%. Tuy nhiên, qua thực hiện, vốn đầu tư là 875.738 triệu đồng, chiếm 98,5% so kế hoạch. Như vậy, các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn tiền vận động nhân dân chiếm tỷ lệ rất thấp so tổng vốn (dưới 2%).

Bên cạnh đó, công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình còn hạn chế. UBND tỉnh đã không bố trí nguồn vốn duy tu bảo dưỡng hằng năm là 6% vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Quyết định số 1600/QÐ-TTg ngày 16.8.2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Hầu hết các Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng xã, nhà văn hoá ấp được xây dựng khang trang, đầy đủ các phòng chức năng nhưng chưa phát huy được hiệu quả về chức năng văn hoá. Cảnh quan môi trường nông thôn chưa thật sự xanh - sạch - đẹp, hầu hết các tuyến đường giao thông còn rác thải. Một số xã chưa thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý các trường hợp xả nước thải, bỏ rác sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, tổ chức đám tiệc gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân lân cận…

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhận định, có một số nguyên nhân dẫn đến những bất cập, tồn tại, hạn chế trên: nguồn lực đầu tư chưa đủ cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư; ban chủ nhiệm nhà văn hoá ấp thiếu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn để quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá; phần lớn các xã đạt chuẩn chưa đủ khả năng về nguồn lực để duy trì và nâng chất theo quy định; UBND tỉnh chậm ban hành quyết định quy định Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2017; chưa phân bổ vốn duy tu bảo dưỡng theo hướng dẫn của Trung ương…

Mặc dù còn tồn tại, bất cập nhưng không thể phủ nhận việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội, tăng thu nhập cho người dân. Cụ thể như tại xã Bàu Ðồn, huyện Gò Dầu, trước khi xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người là 19 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo là 60 hộ, cận nghèo 10 hộ. Tháng 9.2017, xã Bàu Ðồn được công nhận đạt chuẩn NTM. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã là 44,3 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 41 hộ, 13 hộ cận nghèo. Xã đã thành lập 3 tổ hợp tác liên kết trồng cây sầu riêng, tổ hợp tác trồng thanh long ruột đỏ, tổ hợp tác trồng rau an toàn đang hoạt động hiệu quả. Nông dân đã chuyển đổi 1.304 ha lúa, mía, mì sang cây ăn trái cho thu nhập cao.

Ðể kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh, qua quá trình giám định, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã đề xuất những kiến nghị: kiến nghị Trung ương nâng tỷ lệ một số chỉ tiêu số 17.6, 17.7 về môi trường và an toàn thực phẩm; hướng dẫn hoặc đề nghị Trung ương hướng dẫn nội dung thống kê, tổng hợp nguồn vốn huy động ngoài ngân sách trong xây dựng NTM nhằm đánh giá hiệu quả huy động nguồn lực đầy đủ, sát thực tế; quan tâm đầu tư điện cho sản xuất nông nghiệp đối với những vùng không có hệ thống tưới thuỷ lợi; thông báo công khai minh bạch về đối tượng thụ hưởng, tổng mức vốn đầu tư cho từng công trình, kế hoạch vốn, quyết toán vốn từng công trình, bao gồm tất cả các nguồn vốn, kể cả vốn vận động nhân dân.

Vũ Nguyệt