Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tạp bút:
Chè kho xứ nóng
Thứ ba: 15:32 ngày 02/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Một năm nọ, nhỏ em trong cơ quan kể chuyện, thường Tết về em ấy lại làm chè kho (một món ăn xứ Bắc), tôi liền gợi ý luôn: Cho chị xin một chén được không, mẹ chị thích ăn món này lắm. Thế là mỗi năm, lối 27, 28 tháng Chạp, em ấy lại mang cho tôi 2 chén chè kho biếu mẹ.

Năm 1975, mẹ tôi tha đàn con theo chồng vào Nam. Năm đó mẹ chừng 36, 37 tuổi, Lạ nước, lạ cái, mẹ - người đàn bà chân quê chính hiệu, ít học, không nghề nghiệp, tài sản là 5 đứa con lít nhít cùng ông chồng sau gần 30 năm xa nhà, cũng đang chông chênh với cuộc sống mới, bắt đầu cuộc mưu sinh. Những năm tháng mới giải phóng rất khó khăn, với những người đàn bà lấy chồng tập kết rồi hồi hương cùng chồng lại càng khó khăn hơn. Mẹ rất vất vả - vất vả tấm thân, vất vả tinh thần. 

Ngược xuôi đủ mọi nghề kiếm tiền lo ăn lo học cho con cái, khổ không biết sao mà kể. Tôi nhớ mãi ngày mẹ sinh đứa thứ bảy. Bữa đó, bà vội vàng dặn với lại một câu: Tao lên trạm xá đẻ đây. Và hai ngày sau, trong nhà xuất hiện đưa bé đỏ hỏn, rồi chỉ vài ngày nữa là dáng mẹ lại tất tả ngược xuôi. Hai năm sau, đứa út cũng y vậy. Làm gì có việc nghỉ bốn hay sáu tháng, bồi dưỡng nọ kia. Hình như là không ai cho phép, kể cả mẹ!

Lúc mẹ theo chồng vào Nam, hành trang mang theo ngoài một đùm 5 đứa con là hai bàn tay trắng với mớ hỗn độn, rối rắm về phong tục, tập quán. Nói chẳng ngoa, y như bị quăng vào một vùng đất hoàn toàn mới, mẹ chẳng biết gì về nó. Bà có cô đơn không? Sợ không? Có khủng hoảng tinh thần không? Nào ai biết! Lũ chúng tôi còn nhỏ chỉ lo ăn lo học, thậm chí có nhiều khi còn tỏ thái độ chê bai những món ăn mẹ nấu. Tỷ như: Chè kho, bánh đúc.

Mẹ tôi quê Hải Dương, nơi có bánh đậu xanh nổi tiếng. Chè kho cũng là món ăn làm từ đậu xanh. Bà thích ăn món này lắm. Hồi đó, là đã rất nhiều năm về trước, thỉnh thoảng mẹ tôi lại bày ra làm món chè kho, hoặc bánh đúc. Để nấu chè kho, mẹ mua đậu xanh, ngâm một đêm rồi đãi sạch vỏ, đồ lên cho chín mềm, xong đem quấy thành bột mịn.

Sau đó, bắc một nồi nước đường có bỏ chút gừng. Nước đường sôi, cẩn thận bỏ đậu xanh đã quấy nhuyễn vào. Bỏ từ từ và quấy thật đều tay kẻo đậu vón cục, hoặc khét. Đậu sôi một dạo thì bắc xuống, múc ra dĩa. Đợi nguội thì ăn thôi. Miếng đậu xanh dẻo dẻo, ngọt ngọt, thơm mùi gừng.

Mẹ kêu tụi tôi ăn và nói ngon lắm. Nhưng chúng tôi chỉ ăn một mẩu bé. Vì thời tiết miền Nam nóng bức nên những món đậm vị như chè kho không phù hợp lắm. Nhưng mẹ ăn rất ngon. Một mình bà ngồi trong góc bếp, tay cầm miếng chè kho, chậm rãi cắn từng miếng, từng miếng, mắt như có hơi sương nhìn về phương trời xa xăm. Lặng lẽ!

Chè kho thường được làm vào dịp Tết, còn trong năm mẹ hay quấy bánh đúc. Tôi thấy cách làm bánh đúc cũng giống như làm chè kho, nhưng nguyên liệu là gạo tẻ. Gạo ngâm một đêm đi xay thành bột, rồi đổ bột vào nồi to, thêm chút vôi cho bánh cứng, tí muối để đậm đà.

Sau đó thì quấy đều tay. Gần chín cho thêm tí dầu ăn. Thế là xong. Đợi nguội múc ra đĩa, ăn với nước mắm chua ngọt, hoặc riêu cá, riêu cua. Mẹ nói ngon lắm, nhưng cũng như chè kho, chúng tôi ăn rất ít. Chỉ có mẹ ăn một mình. Từng miếng, từng miếng cùng nỗi nhớ quê nhà da diết, thắt ruột thắt gan.

Sau này mẹ không làm chè kho hay bánh đúc nữa, bởi làm ra con cái không ai ăn mà gánh nặng mưu sinh và sự chông chênh nơi xứ lạ không cho phép bà thảnh thơi làm món ăn xứ Bắc, nên nỗi nhớ quê đành nén vào lòng.

Tuy nhiên, dù không nấu mấy món đặc trưng nhưng mấy chục năm xa quê, đến giờ khẩu vị Bắc kỳ của bà vẫn còn nguyên. Như bà không thích canh chua, cá kho nêm đường, không thích ăn giá sống… Ngoài ra, người đàn bà Bắc kỳ này có nhiều chuyện “quê mùa” chịu không nổi: không xài điện thoại, không xe đạp, thang máy, bếp gas, bếp điện, bếp từ… và hàng tỷ thứ khác thuộc về công nghệ.

Sống ở phố thị, nhưng ai xài bếp gas thì xài, bà nấu bếp củi. Những lúc rảnh rỗi là đi tìm củi, tìm rác về đun. Trong khu phố nhiều người thương, chiều chiều lại mang vỏ dừa, gỗ tạp đến cho, mặc tôi than trời: “Nhà mình biến thành nơi chứa rác rồi kìa”.

Chưa hết, bà còn nuôi gà, nuôi heo. Sau này nhà xây lại đẹp hơn, vẫn phải chừa một góc làm bếp củi cho bà. Mà thật ra, nhờ vậy mà đỡ tốn điện, tốn gas biết mấy! Thêm vụ không biết nghe điện thoại hay đi thang máy.

Hôm Tết, rủ mẹ đi đỉnh núi cho biết, dù rất thích đi chơi, nhưng bà hỏi tới hỏi lui: Lên đó có bậc thang bộ không, có mới đi, vì: thang cuốn cứ quay quay, tao sợ lắm. Dụ dỗ bà lên thang cuốn cho đỡ mệt, bà run rẩy rồi cương quyết đi lại chỗ thang bộ, thà lần từng bước, đám con cháu đành phải theo dìu.

Còn nhiều thứ, nhiều chuyện ở xứ Tây Ninh này khiến mẹ không quen, cũng không chịu quen, nhưng biết làm sao khi Tây Ninh đã là nơi con cái bà sinh sống, đương nhiên là nơi bà thuộc về, nên dù lạ, dù không quen cũng không thể rời xa. Nghĩ lại, trên khắp Việt Nam này, có biết bao nhiêu bà mẹ, nơi thuộc về của họ cũng chính là nơi con họ đang sống mà thôi.

Nhớ hồi mới vào miền Nam, đường về quê tàu xe cách trở, rất khó khăn, nhưng có dịp là mẹ cố gắng để về, dù là chen chúc ngồi tàu hoả mất mấy ngày. Mỗi lần chuẩn bị về quê là bà nôn nao, sắp xếp đủ thứ, luôn miệng nói: “Tao sẽ ở ngoài đó cả tháng đấy”.

Nhưng chẳng lần nào quá 10 ngày, vì ai “nấu cơm, ai kiếm củi, ai cho gà ăn…”, nên lại một mực ngược vào Nam. Ở quê có con thì nhớ quê có mẹ, ở quê có mẹ thì nhớ quê có con. Sau này gia đình có điều kiện hơn chút đỉnh, đường về ngoại dễ dàng hơn. Mỗi lần rủ mẹ ra Bắc là mẹ vẫn điệp khúc: “Đi rồi ai trông con cho con Út, ai nấu cơm cho thằng Bình…”, mãi lẩn quẩn mà bà không cất được bước chân đi đâu xa, cũng lâu rồi không làm, không nhắc đến bánh đúc, chè kho.

May sao, có cô em mang biếu chén chè. Mẹ cất vào tủ lạnh. Mỗi ngày, mẹ ăn một chút, ngậm ngùi thưởng thức mùi vị ngọt ngào, béo ngậy của đường, của đậu xanh, hay mùi vị nơi chôn nhau cắt rốn dù xa dịu vợi, vẫn âm ỉ nhói đau một góc trong tim!

NAM

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục