BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khai thác thuỷ sản bằng dụng cụ huỷ diệt:

Chế tài mạnh có giải quyết triệt để ? 

Cập nhật ngày: 20/04/2020 - 00:25

BTN - Hy vọng với chế tài mạnh về việc xử lý hành vi sử dụng ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xử lý các đối tượng vi phạm. Tình trạng sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh sẽ được hạn chế trong thời gian tới.

Ghe nhủi hoạt động trên sông Vàm Cỏ Đông. (Ảnh minh hoạ: Đ.H.T)

Nhiều năm qua, việc khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng, hệ thống kênh rạch trên địa bàn tỉnh bằng các dụng cụ huỷ diệt như máy kích điện, ghe nhủi, lưới dớn.. gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nặng nề đến nguồn lợi thuỷ sản. Dù ngành chức năng đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện và xử lý không ít trường hợp nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. 

Ngư dân sợ ghe nhủi 

Anh Đàn, một người làm nghề lưới cá trên sông Vàm Cỏ Đông, ngụ xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành cho biết, những người làm nghề “hạ bạc” rất sợ ghe nhủi cá, vì không chỉ tận diệt, thu gom phần lớn cá tôm mà mỗi khi ghe nhủi đi qua, “nhủi” luôn cả lưới, câu của những người giăng lưới thả câu như anh. 

Theo anh Đàn, nếu không có các dụng cụ khai thác thuỷ sản huỷ diệt như vậy, những người làm nghề cá chân chính như anh không quá khó khăn. Ghe nhủi tận diệt, cá lớn đem ra bán ngoài chợ, cá nhỏ bán cho những người mua về làm thức ăn cho cá. Cũng vì thế mà nguồn cá trên sông Vàm Cỏ Đông ngày càng khan hiếm. Trước đây, những ngư dân như anh Đàn có thể kiếm khoảng 4-5kg cá mỗi lần thả lưới, hiện nay, mỗi ngày chỉ còn 1 - 2kg nên nhiều người chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh. 

Anh Si, ngụ ấp Phước An, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu là ngư dân trong hồ Dầu Tiếng. Khi nói đến ghe nhủi, anh bức xúc cho biết, hằng năm, tỉnh đều thả cá giống xuống hồ Dầu Tiếng để góp phần tăng nguồn lợi thuỷ sản, đồng thời cũng giúp người dân khai thác cá chân chính mưu sinh. Thế nhưng, ghe nhủi “càn quét” đến đâu, gần như huỷ diệt cá đến đó.

Như anh Si giăng câu, thả lưới cả ngày trong hồ Dầu Tiếng, thu nhập khoảng 200 đến 300 ngàn đồng/ ngày. Thế nhưng, ghe nhủi cá có thể kiếm hơn 1 triệu đồng/ngày, vì thế mà không ít người bất chấp việc vi phạm quy định pháp luật, dù một chiếc ghe nhủi cá, cùng phương tiện khai thác có giá khoảng 100 triệu đồng/chiếc. Ghe khai thác một ngày hơn 50kg cá rô phi con chỉ bằng 2 ngón tay. Cá nhỏ như thế chỉ có thể làm thức ăn nuôi cá, giá bán cũng chẳng bao nhiêu. Nếu không bị tận diệt, ngư dân đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng có thu nhập cao hơn để lo cho cuộc sống. 

Kích điện chích cá trên kênh rạch. (Ảnh minh hoạ: Đ.H.T)

Điều làm anh Si bức xúc nhất là việc những chiếc ghe nhủi cá này, dù thấy lưới của ngư dân giăng trên hồ vẫn “càn quét” bất chấp. Tình trạng lưới rách, đứt gần như thường xuyên. Anh Si cho rằng, cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp mạnh tay hơn để xử lý những đối tượng khai thác thuỷ sản bằng phương tiện huỷ diệt.

Ngoài ghe nhủi, máy kích điện cũng là một phương tiện huỷ diệt thuỷ sản trên các kênh rạch. Ông Hoàng, một người làm ruộng ở cánh đồng Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành cho biết, kể từ khi xuất hiện máy kích điện, người dân khó lòng kiếm được cá lớn trên kênh rạch. Sau khi bị chích điện, con nào bất tỉnh thì những đối tượng kích cá bắt hết, con nào may mắn bơi đi chỗ khác thì cũng chỉ một, hai ngày sau là bị chết do bị điện giật gây nổ bong bóng trong thân cá, còn cá con thì chết sạch. 

Ông Hoàng cho rằng, không biết thu nhập từ việc đánh bắt cá bằng máy kích điện này cao hay thấp, hệ luỵ trước mắt là cá không kịp sinh sôi nảy nở. Do đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần phải có biện pháp mạnh tay để xử lý triệt để, có như thế mới có thể khôi phục.

Vẫn chủ yếu là tuyên truyền, vận động

Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, huyện Châu Thành cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương nỗ lực tuyên truyền và vận động những người làm nghề cá trên sông Vàm Cỏ Đông- cũng như trên kênh rạch không sử dụng các dụng cụ huỷ diệt khai thác cá như máy kích điện, ghe nhủi.

Tuy nhiên, còn không ít đối tượng vẫn cố tình vi phạm. Khó khăn cho địa phương là các đối tượng này thường hoạt động vào ban đêm hoặc khi phát hiện có lực lượng chức năng thì bỏ chạy. Riêng đối với ghe nhủi cá trên sông Vàm Cỏ Đông, chính quyền địa phương không có phương tiện để ra sông kiểm tra, bắt giữ.

Một lãnh đạo UBND xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ dân hành nghề đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng. Thời gian qua, UBND xã đã mời các hộ dân này đến để tuyên truyền việc không được sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, cho các hộ dân trên làm cam kết.

Song song đó, UBND xã thường xuyên phối hợp với Đồn Công an hồ Dầu Tiếng, Công ty thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà kiểm tra hoạt động khai thác cá trên hồ Dầu Tiếng để kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong năm 2019, Chi cục kết hợp với các ngành chức năng phát hiện và xử lý nhiều trường hợp dùng ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản trong khu vực hồ Dầu Tiếng, tịch thu 3.260m lưới dớn vắng chủ và 1 bộ kích điện. Đồng thời, Chi cục phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thuỷ- Công an tỉnh phát hiện 4 vụ sử dụng ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản trên sông Vàm Cỏ Đông. 

Ghe sử dụng ngư cụ cấm khai thác cá trên sông Vàm Cỏ Đông bị tạm giữ tại Đội Cảnh sát giao thông đường thuỷ- Công an tỉnh.

Một cán bộ Cảnh sát Giao thông đường thuỷ- Công an tỉnh cho biết, các đối tượng khai thác thuỷ sản sử dụng ngư cụ cấm, lập biên bản chuyển cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y xử phạt hành chính. Theo quy định mới, lực lượng Công an được xử phạt và phạt khá cao so với trước đây. Do đó đã có trường hợp “bỏ của chạy lấy người”, bỏ lại phương tiện và ngư cụ.

Đồn Công an hồ Dầu Tiếng, Công an huyện Dương Minh Châu, 3 tháng đầu năm, đơn vị này đã phát hiện, kiểm tra bắt giữ và xử lý đến 8 trường hợp sử dụng ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản trên hồ Dầu Tiếng. Phần lớn các đối tượng bị bắt giữ sử dụng loại ngư cụ cấm là ghe nhủi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, việc xử phạt đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản được thực hiện theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16.5.2019 của Chính phủ.

Theo đó, khoản 5 Điều 27 của Nghị định quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một mức phạt khá cao so với mức phạt quy định trước đây. 

Hy vọng với chế tài mạnh về việc xử lý hành vi sử dụng ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xử lý các đối tượng vi phạm. Tình trạng sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh sẽ được hạn chế trong thời gian tới.

Thế Nhân