Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nếu không may mắc bệnh, những con người cuồng tín kia sẽ tìm đến bệnh viện hay quay trở lại các địa điểm tâm linh để được chữa trị?
Dịch bệnh đang ở thời điểm diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, Chính phủ cũng yêu cầu người dân hạn chế di chuyển, tránh tụ tập đông người, nhưng phớt lờ tất cả, họ - những con người với niềm tin mù quáng vào thánh thần vẫn chen chúc vái lễ cầu an.
Thậm chí, ngay cả khi những chốn tâm linh kia đóng cửa để phòng chống dịch bệnh, dòng người vẫn ùn ùn kéo đến vái vọng bất kể ngày đêm. Nhiều người trong số họ còn chẳng buồn đeo khẩu trang chen nhau lầm rầm khấn vái. Phải chăng bỏ khẩu trang thì những lời cầu xin sẽ đến tai các vị thánh thần nhanh hơn, rõ hơn?
Rất đông người dân tập trung tại sân Phủ Tây Hồ lễ cầu bình an, may mắn trong ngày đầu tiên của tháng 3 âm lịch. (Ảnh: Minh Tuấn/ Báo điện tử VOV)
Bình an liệu có đến với họ hay không chẳng ai biết nhưng có điều chắc chắn rằng, giữa lúc dịch dã lại tập trung ở những nơi đông đúc thế này, virus corona có thể tìm thấy họ bất cứ lúc nào. Cũng có khi, chính họ đang mang trong mình mầm mống virus và vô tình gieo rắc dịch bệnh, lây lan cho cộng đồng mà không hề hay biết.
Đến khi đó, những lời khấn vái, cầu xin kia liệu còn ý nghĩa nữa hay không? Sự cuồng tín lúc này sẽ trở thành tội ác không thể tha thứ.
Trong khi Chính phủ cũng như các bộ ban ngành, từ lãnh đạo cho đến các chiến sĩ công an, bộ đội, nhân viên y tế, tình nguyện viên...đang căng mình chiến đấu với đại dịch, bảo vệ sự an toàn cho người dân thì họ ở đây, sì sụp khấn vái, cầu mong sự bình an cho bản thân và gia đình bất chấp việc đó đang hất đổ mọi nỗ lực chống dịch của hàng vạn con người.
Tôi dám chắc trong số những người đang quỳ lạy, khấn vái kia từng có người bức xúc lên án hành vi trốn cách ly, gian dối khai báo của một số cá nhân trở về từ nước ngoài mà chẳng mảy may nghĩ hành động của chính mình cũng đang vô tình gieo rắc dịch bệnh, gây hại cho cộng đồng.
Thử hỏi những con người cuồng tín ấy, nếu không may mắc bệnh, họ sẽ tìm đến bệnh viện để được chữa trị hay quay trở lại các địa điểm tâm linh để cầu bình an? Khi đó, y, bác sĩ sẽ là người cứu họ hay các vị thánh thần?
Niềm tin tôn giáo là thiêng liêng, là đáng trân trọng, không ai có thể cấm cản nhưng một khi niềm tin ấy trở nên mù quáng và có thể gây nguy hại cho người khác, cho cộng đồng thì điều đó đáng bị lên án mạnh mẽ.
Xin hãy nhìn vào những nỗ lực của các nhân viên y tế, các chiến sĩ bộ đội, công an...những người đang làm việc đến kiệt sức nơi tuyến đầu chống dịch để có ý thức hơn, bảo vệ bản thân cũng như gia đình và cộng đồng.
Lễ lạt, cầu khấn có thể khiến con người ta cảm thấy an yên ở trong lòng nhưng không phải tấm khiên bảo vệ ta chống lại virus. Đừng mu muội nữa mà hãy thức tỉnh bởi nếu các thánh thần thực sự sống trong đại dịch, có lẽ họ cũng tìm cách tự bảo vệ bản thân thay vì ban phát đức tin và gieo rắc mầm bệnh!
Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.
Nguồn VTC