Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chỉ 10% học sinh phổ thông theo học ở trường nghề
Thứ năm: 23:58 ngày 25/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó thể hiện qua việc tỷ lệ học sinh phổ thông tham gia học nghề ở trường trung cấp, cao đẳng nghề rất thấp, khoảng 10%.

Học viên Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh thực hành trên máy.

Với mục đích thông tin về công tác tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, ngày 24.4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức buổi toạ đàm với các cơ quan quản lý Nhà nước, trường nghề về lĩnh vực dạy nghề cũng như một số vấn đề khác có liên quan.

Tại buổi toạ đàm, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 16 cơ sở công lập, 6 cơ sở ngoài công lập. 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, gồm Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, Trường trung cấp Y tế Tây Ninh, Trung tâm dịch vụ việc làm Tây Ninh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi Tây Ninh và 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập bao gồm Trường trung cấp Tân Bách Khoa, Trường trung cấp Á Châu, Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt, Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Tây Ninh, Công ty cổ phần Doanh nhân, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục TPA.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả công lập lẫn ngoài công lập đào tạo hàng chục nghề khác nhau, từ ngắn hạn (3 tháng) cho đến hệ cao đẳng. Năm 2018, tất cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được hơn 7.000 người, trong đó tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng nghề được 305 chỉ tiêu. Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh tuyển sinh đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp vượt chỉ tiêu, trong khi Trường trung cấp Tân Bách Khoa và Trường trung cấp Á Châu tuyển sinh đạt thấp so với kế hoạch.

Năm 2018, các trường cao đẳng, trung cấp tiếp tục liên kết với một số trường đại học, cao đẳng tuyển sinh đào tạo liên thông hệ chính quy và vừa làm vừa học cho hơn một ngàn học viên, sinh viên. Việc tổ chức liên kết đào tạo thời gian qua đã đáp ứng phần nào nhu cầu đa dạng học tập của người dân và cung ứng nguồn lao động qua đào tạo cho địa phương.

Đánh giá về hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, các quy định, cách thức tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT có nhiều biến động. Chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, điểm chuẩn thấp, thời gian tuyển sinh kéo dài nên đã thu hút phần lớn học sinh phổ thông vào đại học.

Điều đó dẫn đến tình hình tuyển sinh của trường nghề, trường trung cấp ngày một khó khăn hơn. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu đào tạo nghề ngắn hạn. Một số ngành nghề gặp khó khăn trong tuyển sinh. Chẳng hạn các ngành về chăm sóc sức khoẻ, du lịch, bán hàng, quản lý đất đai, kế toán doanh nghiệp…

Theo đánh giá của Sở, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó thể hiện qua việc tỷ lệ học sinh phổ thông tham gia học nghề ở trường trung cấp, cao đẳng nghề rất thấp, khoảng 10%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số cơ sở đào tạo nghề bị lạc hậu so với sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự hợp tác, liên kết giữa nhà trường với nhà doanh nghiệp còn hạn chế.

Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tuyển sinh tổng cộng hơn 13.000 chỉ tiêu, bao gồm cả chính quy và ngắn hạn, trong đó có hơn 4.000 chỉ tiêu tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Về giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, năm 2018 có hơn 12 ngàn người được đào tạo thuộc nhiều ngành nghề, trình độ khác nhau; tỷ lệ người tìm được việc làm đạt gần 85%. Mức thu nhập của những người sau đào tạo cao nhất đạt 5,5 triệu đồng và thấp nhất 2,5 triệu đồng/tháng.

Tại buổi toạ đàm, đại diện một số cơ sở đào tạo chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để thu hút học sinh phổ thông vào trường nghề, trong đó có công tác thông tin, quảng cáo trên phương tiện truyền thông. Một số ý kiến cũng phàn nàn về cơ chế và đề nghị Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều trong các quy định hiện hành về quản lý Nhà nước đối với giáo dục đào tạo, trong đó, Nghị định 86 của Chính phủ quy định miễn, giảm học phí.

Một trong những khó khăn nhất hiện nay của trường nghề là tuyển sinh thiếu chỉ tiêu. Ngoài Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh tuyển sinh vượt chỉ tiêu, hầu hết các trường còn lại tuyển sinh không đạt kế hoạch đề ra, một số trường được cấp mã ngành đào tạo nhưng tuyển sinh không được.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục