Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chỉ có tình yêu thương đặc biệt mới làm nên điều kỳ diệu
Thứ sáu: 09:24 ngày 22/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiều 13.11, một sản phụ vừa sinh con được người thân đưa vào viện cấp cứu. Người này khai tên N.T, tạm trú ở huyện Châu Thành. Bé Phúc là đứa con thứ hai do sản phụ mang song thai sinh non tháng tại nhà

Bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhi tổ chức đầy tháng cho bé Diễm Phúc.

“Thương lắm! Sức sống của con bé rất mãnh liệt”. Đó là lời tâm sự của bác sĩ Võ Thị Ánh Hà- Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh) trong suốt thời gian chị và các bác sĩ, điều dưỡng toàn tâm chăm sóc bé gái sơ sinh nặng 900g bị bỏ rơi trong bệnh viện khi vừa lọt lòng mẹ vào khoảng giữa tháng 11.2023.

Những câu chuyện kể về bé gái ở Khoa, đặc biệt tại Phòng Đơn nguyên sơ sinh những ngày này như không có hồi kết. Trong mỗi ánh mắt của bác sĩ, điều dưỡng là niềm hạnh phúc dâng trào, bởi sau hơn 1 tháng tận tình chăm sóc, cân nặng của bé sơ sinh đã gần 1,4kg, được rút ống thở, cơ thể phát triển bình thường, khoẻ mạnh.

“Đây là trường hợp đặc biệt nhất ở khoa, bé sinh non tháng, chỉ nặng 900g, lại bị bỏ rơi, không có người thân chăm sóc, nên bệnh viện cố gắng chăm sóc bé thật tốt. Võ Diễm Phúc là tên chúng tôi đã đặt cho bé. Hôm 13.12 bé đầy tháng, ở khoa ai cũng vui mừng vì cháu đã khoẻ lại, tăng cân. Chúng tôi còn bày mâm xôi, chè mừng đầy tháng cháu như cho chính con ruột của chúng tôi vậy!”- bác sĩ Võ Thị Ánh Hà chia sẻ.

Chiều 13.11, một sản phụ vừa sinh con được người thân đưa vào viện cấp cứu. Người này khai tên N.T (họ tên đã được thay đổi), tạm trú ở huyện Châu Thành. Bé Phúc là đứa con thứ hai do sản phụ mang song thai sinh non tháng tại nhà.

Khi được sinh ra, bé rất yếu, chỉ nặng 900g, không thể tự thở. Các bác sĩ nhanh chóng làm thủ tục nhập viện, chuyển bé sang Phòng Sơ sinh Khoa Nhi để được hỗ trợ kịp thời, trong khi mẹ bé nằm chờ hồi sức.

Bác sĩ Hà kể: “Vì sinh non, khoảng 31 tuần tuổi, nhẹ cân nên bé rất yếu, đường ruột không thể tiêu hoá tốt, phổi chưa phát triển bình thường, có tình trạng bệnh màng trong phổi nên rất nguy hiểm về hô hấp, không tự thở.

Khoa lúc đó phải dùng NCPAP để trợ thở cho bé, sau đó chuyển qua thở oxy và cai dần, để bé tự thở như trẻ sơ sinh bình thường khác. Tuy nhiên, trong suốt thời gian ở khoa, mẹ bé chưa một lần đến nhìn con gái”.

Tranh thủ giờ nghỉ, Điều dưỡng trưởng Võ Lệ Hằng (bên trái) cùng bạn bè đến thăm bé Diễm Phúc tại Phòng Đơn nguyên sơ sinh Khoa Nhi.

Ba, mẹ và những người thân thuộc không quan tâm, lặng lẽ "biến mất". Bệnh viện nhiều lần liên lạc nhưng đổi lại là sự thờ ơ, lạnh lùng với đứa con gái vừa chào đời của họ. “Không ba, không mẹ, cũng không người thân thích. Con bé đã bị bỏ rơi ngay trong bệnh viện. Hỏi sao lại không thương?”, vừa nói, vừa nhẹ nhàng bơm từng giọt sữa để truyền trực tiếp vào thực quản cho bé Phúc, “bà ngoại” Thanh Như (mọi người trong Khoa Nhi gọi chị Võ Thị Thanh Như- Điều dưỡng Phòng Sơ sinh từ khi tiếp nhận bé gái) nghẹn ngào nói: “Chuyện “xin sữa mẹ” diễn ra hằng ngày.

Mỗi mẹ cho một ít sữa, chúng tôi cho vào bình, trữ ngăn đông, khi cần thì lấy ra bơm cho bé. Cứ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ là bơm sữa cho chỉ (cách nói yêu -PV) một lần. Nhờ vậy mà chỉ lớn, có cái bụng, nay nặng gần 1,4kg rồi đó cô ơi!”.

“Chắc là biết thân biết phận nên chỉ rất ngoan, bú xong rồi ngủ. Nhiều lúc oe oe, tui nói, con ngoan để ngoại đi làm việc là nghe lời nằm im ru. Mọi người ở đây cùng nhau chăm sóc chỉ. Từ hồi rút ống thở, chỉ ngủ rất ngoan, thở đều, hay cười nữa”- chị Thanh Như chia sẻ.

Kể từ ngày mẹ đẻ bỏ rơi, các y bác sĩ, điểu dưỡng ở bệnh viện trở thành chỗ dựa duy nhất của bé. Ngày lẫn đêm, ngoài vấn đề sức khoẻ, bác sĩ, điều dưỡng trong khoa còn thay nhau đi xin sữa, xin tã lót, quần áo, cùng góp tiền mua các vật dụng, thuốc cần thiết cho trẻ sơ sinh. Đặt từng lọ thuốc, dầu massage, khăn, gạc lên kệ nhỏ, Điều dưỡng trưởng Võ Lệ Hằng chia sẻ: “Thời gian rảnh, các chị em điều dưỡng ở đây ẵm bồng, massage, chơi cùng con để con cảm nhận hơi ấm, tình cảm yêu thương của mọi người. Hôm đầy tháng, sau khi tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới, được bơm no sữa, con bé nằm ngủ ngon lành”.

Bé Diễm Phúc 1 tháng tuổi, nặng gần 1,4kg, cơ thể khoẻ mạnh, đáng yêu.

Nhìn con gái trìu mến, nâng niu đôi bàn tay, bàn chân nhỏ xíu, chị trải lòng: “Chắc con sẽ còn ở lại đây vài tháng nữa”. Chị Hằng kể mỗi lần đi làm, chị không thể không ghé sang Phòng Sơ sinh để thăm bé. Suốt hơn 1 tháng nay, hầu như trong máy điện thoại của bác sĩ, điều dưỡng đều có ảnh chụp, clip từng khoảnh khắc đáng yêu nhất của con. Thấy thiếu cái gì, chị tự tay đi mua về. Những người bạn, đồng nghiệp thấy vậy cũng góp thêm. Nhờ vậy mà chị an tâm làm việc, tiếp tục chăm sóc những bệnh nhi khác.

Phòng Đơn nguyên sơ sinh đang chăm sóc 4 bé sơ sinh, ai cũng có ba, có mẹ, có người thân, chỉ mỗi bé Phúc đơn độc, thiếu tình thương. Hơn 1 tháng nay, bé Phúc gần như đã trở thành một thành viên không thể thiếu của đại gia đình Khoa Nhi. Người “mẹ” đầu tiên là chị Lệ Hằng, “bà ngoại” của bé là điều dưỡng Thanh Như. Những ngày mới nhập viện, cơ thể bé đã nhỏ xíu mà còn mắc nối nhiều dây dẫn chằng chịt, nhưng với tình yêu thương, các chị đã ngày đêm ân cần chăm sóc bé, xem bé như con ruột của mình, nhờ vậy, bé Diễm Phúc mới có thể khoẻ lại như hôm nay.

 “Do bé quá nhỏ, khả năng nhiễm trùng lại các môi trường xung quanh rất cao, bé có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiêu hoá, lại không có người thân nên khoa tiếp tục giữ lại để chăm sóc, nuôi dưỡng”- bác sĩ Ánh Hà nói thêm: “Theo quy định, đối với tất cả các bé bị bỏ rơi, sau khi bệnh viện đã ổn định về mặt y tế, không phải chăm sóc nữa, các bé cần được đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội. Đối với bé Diễm Phúc cần thêm thời gian dài nữa vì bé phải bú tốt, phải khoẻ mạnh thì chúng tôi mới đưa bé đi nơi khác”.

Hy vọng, sau khi bé hồi phục hoàn toàn, “mái ấm” mới sẽ là nơi cho em được hạnh phúc, như cái tên “Diễm Phúc” mà các y, bác sĩ đã đặt cho bé.

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục