BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chị cộng tác viên năng nổ và những bài vè dân số

Cập nhật ngày: 11/07/2009 - 06:16

Trong buổi giao lưu những tấm gương điển hình về công tác dân số – kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) do Sở Y tế Tây Ninh tổ chức vừa qua- nhân dịp kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11.7, chị đã làm cho nhiều đại biểu bất ngờ, thích thú về những bài vè do chính chị sáng tác.

Chị vốn là một nông dân “thứ thiệt”, chỉ quen tay lấm chân bùn, quê ở ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng. Cũng như nhiều gia đình nông dân trước đây, vợ chồng chị không hề biết đến việc kế hoạch hoá gia đình nên sinh liền một mạch 5 đứa con. Kinh tế gia đình chị lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Năm 1993, được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện, chị vay được 1 triệu đồng từ nguồn vốn giúp đỡ phụ nữ nghèo làm kinh tế gia đình. Có vốn, chị đầu tư vào chăn nuôi heo. Nhờ khéo tính toán nên chỉ một thời gian sau, chị tích luỹ được một số vốn kha khá và chuyển sang nuôi trâu thịt. Kinh tế gia đình ngày một khấm khá lên, chị không phải bận lo nhiều đến chuyện tiền nong nên có thời gian tham gia công tác xã hội.

Chị Đào (giữa) tại buổi giao lưu

Chị bắt đầu tham gia công tác phụ nữ và làm cộng tác viên cho rất nhiều chương trình y tế ở địa phương như phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, DS-KHHGĐ, phòng chống sốt rét, phòng chống HIV/AIDS…

Để thuyết phục người dân ở xã thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, chị vận động chồng làm gương đi thực hiện đình sản. Rồi chị lấy thực tế kinh nghiệm từ bản thân gia đình mình để đi thuyết phục các gia đình khác hạn chế việc sinh nhiều con, biết sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hướng dẫn tận tình cho chị em phụ nữ về kiến thức sinh sản, nuôi dạy con…

Suốt 16 năm qua, trong vai trò là một cộng tác viên DS-KHHGĐ, chị luôn thể hiện tính nhiệt tình, năng nổ và có trách nhiệm. Chị tâm sự, “nhờ làm cộng tác viên nên tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc gần gũi với chị em, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, một lý do khác nhau. Để thuyết phục được họ chấp nhận thực hiện việc kế hoạch hoá, tôi thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rõ từng người”.

Địa bàn chị phụ trách tuy gần xã nhưng rất rộng, với 14 tổ tự quản, 524 hộ, 2.117 nhân khẩu, trong đó có hơn phân nửa là chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Dân số tập trung đông, sống chủ yếu bằng nghề nông, trình độ nhận thức về DS-KHHGĐ còn hạn chế nên công việc vận động của chị cũng gặp không ít trở ngại.

Không ngại khó, không nề vất vả, chị tìm cách phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở xã, thông qua các buổi sinh hoạt ở tổ dân cư, các câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, CLB Không sinh con thứ ba… để tuyên truyền, thuyết phục các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hoá gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; giúp cho chị em phụ nữ nâng cao kiến thức về làm mẹ an toàn, nuôi dạy con ngoan, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, thực hiện bình đẳng giới, hạn chế tình trạng bạo lực trong gia đình, xây dựng gia đình lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

Để có thể đưa thông điệp, kiến thức đến với người dân một cách dễ hiểu, dễ nhớ chị đã tự… sáng tác ra những bài vè có vần, có điệu để người nghe thấy vừa vui, vừa dễ nhớ, dễ thuộc. Chẳng hạn: Đoạn sản không phải là tiêu/ Sinh hoạt các cái đều đều như xưa! Hoặc: Vợ muốn kế mà chồng không “kế”/ Gia đình lục đục bòng bong rối bời/ Cộng tác viên bạn phải ghé chơi…

Không riêng gì đề tài DS-KHHGĐ, các chương trình khác như phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, sốt rét, ma tuý, HIV/AIDS… chị đều “chế” ra bài vè để mọi người cùng đọc, cùng nhớ và cùng thực hiện. Chị bật mí: “Nội dung các bài vè không có gì xa lạ mà do tôi rút ra từ những bài giảng ở các lớp tập huấn. Đó là những câu nói, khẩu hiệu tuyên truyền quen thuộc, mình chỉ thêm bớt chút đỉnh rồi gắn kết lại cho có vần, có nhịp để đọc lên là bà con hiểu ngay, nhớ đến ngay…”.

Ngoài việc sáng tác các bài vè, chị còn hướng dẫn, tư vấn tận tình để giúp cho những người vợ biết chọn lựa biện pháp tránh thai phù hợp mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chị kể: “Trước khi thuyết phục chị em sử dụng biện pháp tránh thai như uống thuốc thì tôi hỏi xem chị đó có bệnh bướu cổ, tiểu đường hay các bệnh liên quan đến tim mạch, gan, thận không. Với những chị đang mang thai, tôi thường xuyên nhắc nhở họ đi khám thai, đi tiêm phòng uốn ván, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và con khi sinh nở, khuyến khích các bà, các chị cho con bú sữa mẹ trong 4 tháng đầu, hướng dẫn cách thức cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, tiêm ngừa các loại bệnh cho trẻ để phòng tránh các loại bệnh tật. Có lẽ thấy tôi tận tình, nên chị em đều nhiệt tình hưởng ứng, các cặp vợ chồng đăng ký sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày một tăng lên…”.

Trong suốt 16 năm làm công việc của một cộng tác viên DS-KHHGĐ, chị đã vận động được gần 60 người, cả nam lẫn nữ thực hiện đình sản. Phần đông các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở địa bàn chị quản lý đều sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, số gia đình sinh con thứ 3 trở lên hằng năm còn rất ít.

Chị tâm sự: “Công việc của một cộng tác viên tuy cực nhưng lại rất vui vì tôi thấy mình sống có ích hơn, có thể đóng góp được chút ít gì đấy trong việc nâng cao kiến thức cho chị em phụ nữ ở nông thôn trong vấn đề xây dựng hạnh phúc gia đình”.

Chính từ sự nhiệt tình, luôn hết lòng vì công việc mà từ năm 2005, chị đã được người dân ở địa phương bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Chị tên là Dương Thị Đào, sinh năm 1958, một cộng tác viên DS-KHHGĐ nhiệt tình, đầy tâm huyết của xã Hưng Thuận.

KN