BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chỉ đầu tư hệ thống thuỷ lợi cho những vùng cần nước tưới

Cập nhật ngày: 29/07/2010 - 05:52

Cuối tháng 6.2010, Báo Tây Ninh có bài “Vùng trồng cây cao su có cần kênh tưới?”, nêu lên những băn khoăn của nhiều hộ có đất trồng cao su ở ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên về dự án thuỷ lợi Phước Hoà, phần đi qua xã Thạnh Tây. Mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Hùng-Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng (thuộc Sở NN&PTNT Tây Ninh) cho biết đã có chủ trương dừng đầu tư hệ thống thuỷ lợi đối với những vùng trồng cao su trên địa bàn tỉnh.

Ông Hùng cho biết, vừa qua, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và đại diện cơ quan thực hiện dự án thuỷ lợi Phước Hoà của Chính phủ Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về khoản vay ADB để đầu tư dự án thuỷ lợi Phước Hoà và hai khoản vay khác.

Theo nội dung biên bản này, dự án thuỷ lợi (DATL) Phước Hoà nhằm cung cấp hỗ trợ thể chế và xây dựng cơ sở hạ tầng để cung cấp nước bổ sung cho các lưu vực sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông để sử dụng cho tưới tiêu; kiểm soát mặn; cấp nước sử dụng cho sinh hoạt đô thị, công nghiệp của TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Nhiều nông dân cho biết cây cao su không cần đầu tư hệ thống thuỷ lợi để tưới

Giữa năm 2008, đoàn kiểm tra giữa kỳ của DATL Phước Hoà đặt vấn đề: Liệu có còn giữ được mục tiêu chính của dự án hay không? Sở dĩ đoàn kiểm tra có sự băn khoăn là do sau một thời gian triển khai, tiến độ thực hiện dự án bị chậm trễ, trong khi giá cả leo thang đến 28,3% (chỉ tính từ tháng 9.2007 đến tháng 8.2008). Do đó, tổng chi phí ước tính của dự án tăng khoảng 121,8 triệu USD (74%) so với chi phí ước tính ban đầu (164,6 triệu USD). Đoàn kiểm tra khẳng định rằng dự án sẽ không thể đạt được tất cả các mục tiêu chính của nó nếu không có sự bổ sung nguồn tài chính. Trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra đã thống nhất với ADB, AFD (Cơ quan hợp tác phát triển Pháp) và Chính phủ Việt Nam là việc phát triển DATL Phước Hoà cần tiến hành theo phương pháp phân đợt đầu tư, với số tiền còn lại sẵn có của giai đoạn 1 được sử dụng chủ yếu để phát triển cấu phần chuyển nước lưu vực. Phần lớn của cấu phần phát triển hệ thống tưới được chuyển sang giai đoạn 2 và chủ yếu được tài trợ từ các khoản vay bổ sung.

Mới đây, Đoàn Quản trị đặc biệt dự án của ADB đã tiến hành xem xét, xử lý các vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình thực hiện DATL Phước Hoà: sự chậm trễ trong việc chuyển dòng tại công trình đầu mối, việc thu hồi đất và các hoạt động tái định cư; sự chậm trễ khâu thiết kế kênh cấp 1, 2, 3 cho khu tưới Tân Biên và Đức Hoà, dù đã triển khai nhưng diện tích các khu tưới vẫn chưa được xác định đầy đủ.

Đoàn Quản trị đặc biệt đã tiến hành làm việc với đại diện tỉnh Tây Ninh cũng như các tỉnh khác về những tồn tại, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và đã đi thăm hiện trường xây dựng công trình đầu mối Phước Hoà và kênh chuyển nước. Đoàn đề nghị: các tư vấn thiết kế kênh cấp 1, 2, 3 đang đối mặt với các thách thức là cần phải lựa chọn cẩn thận các diện tích tưới. Ở Tân Biên, diện tích trồng cây cao su đã chiếm một phần đáng kể của khu tưới và nông dân không tự nguyện chuyển đổi cây trồng ngay. Trong khi đó, ở Đức Hoà (Long An), lượng nước tưới được phân bổ là không đủ tưới cho diện tích 17.400 ha. Ngoài ra, việc mở rộng nhanh chóng nhu cầu cấp nước cho dân sinh, đô thị và công nghiệp ở tỉnh Bình Phước và TP.HCM có thể sẽ làm nảy sinh tranh chấp trong quá trình cung cấp nước cho nông nghiệp.

Đoàn đã chính thức thông báo rằng ADB và AFD sẽ không tự nguyện đầu tư cho Tân Biên về các cơ sở hạ tầng tưới không được nông dân sử dụng trực tiếp. Đoàn đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan làm việc chặt chẽ với đơn vị tư vấn thiết kế các tuyến kênh cấp 1, 2 ,3 để định ra các tiêu chuẩn rõ ràng nhằm lựa chọn và ưu tiên cho các khu tưới sẽ được xây dựng các công trình hạ tầng về tưới trong khoản vay bổ sung. Một số tiêu chuẩn quan trọng cần được xem xét như: đất thích hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững (hoặc nuôi trồng thuỷ sản); nguồn nước có sẵn đáp ứng nhu cầu dùng nước tưới cho cây trồng năng suất cao; có biểu thị rõ ràng là nông dân có nhu cầu sử dụng ngay nước tưới…

Ông Võ Văn Hùng cho biết, theo những nội dung thể hiện trong biên bản ghi nhớ trên, những vùng trồng cây cao su hiện nay, trong đó có Tân Biên sẽ không được đầu tư hệ thống thuỷ lợi từ DATL Phước Hoà.

BẢO TÂM