Đọc báo in
Tải ứng dụng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang thăm,

tặng quà Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền (Mười Thương). Ảnh: Đại Dương

Phóng viên: Thưa Bí thư Tỉnh uỷ, thực tế Tây Ninh không phải là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nên lợi thế so sánh với các tỉnh, thành khác không cao. Với vị trí địa lý sát biên giới, kinh tế chưa phát triển mạnh, hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố khác không thuận lợi và hơn 70% dân số xuất thân từ nông dân… làm cách nào Tây Ninh “bước vào sân chơi hội nhập” trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0?

- Ông Trần Lưu Quang: Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc ứng dụng rất nhiều thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và cuộc sống. Trong đó, Tây Ninh đang hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao- một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Chúng ta phải khẳng định rằng: “Muốn có nông sản an toàn, chất lượng, xuất khẩu ra thị trường thế giới thì phải làm nông nghiệp công nghệ cao”. Việc đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, phát triển bền vững ngành nông nghiệp, làm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, tạo nguồn cung ổn định, có chất lượng, luôn được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Cụ thể, toàn hệ thống chính trị đang ra sức thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 22.12.2016 của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp.

Đến nay, qua hơn nửa nhiệm kỳ, chúng ta thấy đã có những chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế và hiệu quả tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp khá toàn diện về năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy hoạch, xuất hiện nhiều mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện gắn với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ được áp dụng rộng rãi trong sản xuất.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân tham quan trung tâm

nghiên cứu của Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Đông.

PV: Thưa Bí thư, từ nghị quyết đến thực tiễn đã được các ngành, các cấp, nông dân Tây Ninh cụ thể hoá như thế nào?

- Ông Trần Lưu Quang: Câu hỏi rất đáng suy ngẫm. Tôi ví dụ một hành động cụ thể để nghị quyết đi vào thực tiễn là, Tây Ninh đã tập trung đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cây trồng với diện tích 6.500 ha; xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái và hình thành một số vùng trồng tập trung như: mãng cầu (thành phố Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu), sầu riêng (Gò Dầu), nhãn (Hoà Thành, Gò Dầu), khóm (Trảng Bàng, Bến Cầu), bưởi da xanh (Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu)...

Chi tiết hơn nữa là, qua nửa nhiệm kỳ, chúng ta dốc toàn lực kiên trì tập trung tái cơ cấu đầu tư công theo hướng phát triển hệ thống hạ tầng kênh tiêu bảo đảm tiêu nước nhanh phục vụ chuyển đổi cây trồng (đưa vào sử dụng 7 kênh tiêu với diện tích 8.040 ha và 4 đê bao với diện tích 556 ha đáp ứng nhu cầu sản xuất; thực hiện dự án trọng điểm tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi).

Kết quả, diện tích tưới đến nay là 147.830 ha, tăng 14,9% so với đầu nhiệm kỳ; bên cạnh đó còn là việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển mô hình canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn với diện tích khoảng 32.592 ha; bảo đảm phát triển nông nghiệp một cách bền vững nhất.

Thêm một hành động cụ thể nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu nghị quyết đề ra, tỉnh đã xúc tiến đầu tư thu hút được Công ty CP Lavifood đầu tư xây dựng nhà máy Tanifood chế biến rau, củ, quả hiện đại, có công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày. Vào ngày 6.1.2019, nhà máy bắt đầu hoạt động, khi đó, nông sản của nông dân Tây Ninh (hơn 5% nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với 17 cơ sở trồng rau an toàn được chứng nhận VietGAP diện tích 69 ha; trên 7 ha sử dụng công nghệ trồng rau, dưa lưới, hoa lan trong nhà màng, nhà lưới; trên 500 ha cây ăn trái, 1.986 ha lúa chất lượng cao được chứng nhận VietGAP) sẽ được nhà máy tiêu thụ, cũng có nghĩa là bài toán hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân và nhà đầu tư đã có lời giải.

PV: Thưa Bí thư Tỉnh uỷ, vậy Tây Ninh có gì “ưu đãi” và thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao?

- Ông Trần Lưu Quang: Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, quỹ đất dành sản xuất nông nghiệp chiếm trên 65% diện tích đất tự nhiên (gần 270.000 ha); địa hình khá bằng phẳng, thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn; đất đai thích hợp với nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị đáp ứng theo nhu cầu thị trường; là địa phương có hệ thống thuỷ lợi khá đồng bộ với công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng quy mô lớn nhất nước, có khả năng tưới tiêu chủ động cho 47.000 ha cây trồng.

Với thế mạnh của ngành trồng trọt, là quy mô diện tích và sản lượng các cây trồng chính của tỉnh có thể xếp vào danh sách các sản phẩm chủ lực, như cây khoai mì, mía, cao su, lúa; tiềm năng phát triển của tỉnh trong những năm tới: rau, quả các loại; mãng cầu, chuối, xoài, bưởi, thơm.

Và Tây Ninh còn có tấm lòng, sự thật tâm mời gọi, sẵn sàng “trải chiếu hoa” để nhà đầu tư đến với chúng ta. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, tỉnh đã thu hút 28 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tổng vốn 1.940 tỷ đồng, nâng tổng số dự án nông nghiệp trên toàn địa bàn lên 57 dự án với vốn đầu tư trên 4.040 tỷ đồng.

Điều này ngoài việc phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, bảo vệ môi trường, còn góp phần làm tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 39,9 triệu đồng/người (tăng 15,5 triệu đồng/người so với năm 2012 là 24,4 triệu đồng/người). Tôi lấy ví dụ, không phải ngẫu nhiên mà nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam hiện nay là Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh- Saigon Co.op đã đầu tư rất lớn tại Tây Ninh, bởi nhà bán lẻ này nhận thấy tỉnh thực sự ưu đãi, thật tâm mời gọi; và Tây Ninh cũng là “nguồn cung” các sản phẩm nông nghiệp sạch cho người tiêu dùng cả nước.

Thế nên mới có “hiện tượng”, dù không phải là tỉnh phát triển kinh tế quá nóng, song Tây Ninh lập kỷ lục “tỉnh có nhiều siêu thị Co.opmart nhất Việt Nam” với tổng số 6 siêu thị, trong khi nhiều địa phương khác không thu hút được dù chỉ một siêu thị Co.opmart. Từ đây, nông sản của Tây Ninh có thể đến với người tiêu dùng cả nước.

Thu hoạch dưa lưới. Ảnh: Lê Văn Hải

PV: Chúng tôi thấy ở Tây Ninh, phần lớn các nông sản của tỉnh chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô, không có thị trường ổn định và phần lớn chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá của quốc gia và quốc tế, chuỗi giá trị một số ngành, hàng chưa phát triển. Đây chính là những nguyên nhân làm cho doanh thu và giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích còn thấp, sản xuất và thị trường không ổn định, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

- Ông Trần Lưu Quang: Lâu nay, lối canh tác truyền thống theo hộ nông dân hoặc tổ hợp tác nhỏ lẻ nên sản xuất vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hoá không đồng nhất, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thu nhập thấp.

Thực tế cho thấy việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu so với kỳ vọng, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, bởi quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, nguồn cung sản phẩm không ổn định như hiện nay là những rào cản lớn để phát triển thị trường và tạo thương hiệu nông sản riêng cho tỉnh.

Để khắc phục hạn chế này, việc kêu gọi, vận động nông dân, doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được xem là giải pháp dựa vào những lợi thế để tạo ra quy mô, sản lượng lớn, chất lượng; tiến tới phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhưng cái gì cũng phải làm dần từng bước, vì bà con ta chân chất, chưa thể làm một cuộc “cách mạng tư duy nhảy vọt” được. Thêm nữa, nông dân Nam bộ thì “nói phải có sách, mách phải có chứng” nên chúng ta phải làm cho bà con hiểu, tin, rồi họ mới làm theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân và Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

trao đổi thoả thuận hợp tác. Ảnh: Việt Đông.

Ngay từ năm 2016, chúng tôi đã tìm ra các mô hình, các nhà đầu tư triển vọng để bà con học hỏi. Nông dân Tây Ninh đã tham quan mô hình ở tỉnh Long An và chính quyền Tây Ninh cũng về tận Long An mời gọi Nhà máy Lavifood về xây dựng Nhà máy Tanifood. Bà con đã tận mắt thấy ở Long An, tự tìm hiểu về các loại trái cây, rau củ và nhu cầu nguyên liệu mà Nhà máy Lavifood đang sản xuất.

Trên cơ sở đó, sau chuyến tham quan, một số nông dân có điều kiện đã trồng chanh dây và khóm để bán cho Lavifood. Rồi trong khi Nhà máy Tanifood đang xây dựng thì những nông dân này đã bắt đầu thu hoạch chanh dây và khóm tự trồng trước đó; và Lavifood đã thu mua 100% sản lượng của nông dân. Đến nay, Nhà máy Tanifood đi vào vận hành và nông sản Tây Ninh được bao tiêu phần nhiều tại Nhà máy Tanifood.

PV: Đặt tất cả vào một niềm hy vọng, liệu có rủi ro, thưa Bí thư Tỉnh uỷ?

- Ông Trần Lưu Quang: Tổng sản lượng thu hoạch hằng năm các loại trái cây, rau củ của các vùng trồng tại Việt Nam là trên 25 triệu tấn/năm (16 triệu tấn rau củ, 9 triệu tấn trái cây). Và trên thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có bốn nhà máy đường tổng công suất 15.800 tấn mía cây/ngày; 68 nhà máy mì tổng công suất khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm; 23 nhà máy cao su với tổng công suất khoảng 431 tấn sản phẩm/ngày; 20 nhà máy điều với tổng công suất 15.000 tấn điều nhân/năm; một nhà máy chế biến rau, củ, quả công suất 150.000 tấn/năm. Vì thế mà kim ngạch xuất khẩu (năm 2017) của Tây Ninh đã đạt 3.572,8 triệu USD, tăng 7,4% so với năm 2015.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân tặng quà lưu niệm cho ông Ngô Tuấn- Tổng lãnh sự Trung Quốc 

tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đại Dương

Trên bình diện cả nước, với 145 nhà máy chế biến các loại trái cây ở các vùng miền, cũng chỉ mới tiêu thụ hết khoảng 1 triệu tấn trái cây các loại cho ngành chế biến. Như vậy, lượng nguyên liệu cho ngành chế biến còn rất lớn trên thị trường.
Vấn đề là nông dân - doanh nghiệp phải có lòng tin, sự ràng buộc để cùng có lợi. Lòng tin thì bà con đang đặt vào Nhà máy Tanifood, nhưng sự ràng buộc nằm ở chỗ để chuẩn bị cho việc chủ động nguồn nguyên liệu đáp ứng công suất sản xuất của nhà máy 500 tấn nguyên liệu/ngày, tương ứng với tổng diện tích 7.124 ha, ngay từ năm 2018, Lavifood đã bắt đầu triển khai cho các nông dân và hợp tác xã tại Tây Ninh trồng các loại cây có trái, rau củ theo nhu cầu của nhà máy.
Hiện nay, nông dân và các hợp tác xã tại tỉnh Tây Ninh đã ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy và bước đầu thực hiện chuyển đổi cây trồng trên 400 ha các loại cây ăn trái (khóm, xoài, mít). Trên cơ sở trồng mới các loại cây ăn trái và rau củ, Lavifood cũng tận dụng tiêu thụ các loại trái cây, rau củ sẵn có mà nông dân Tây Ninh đã và đang trồng trên địa bàn tỉnh.

Chăm sóc hoa màu. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Và nông dân Tây Ninh vốn chưa bao giờ chịu sự lệ thuộc hay phụ thuộc. Để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường chế biến trên thế giới, chất lượng nguyên liệu đầu vào là điều kiện tiên quyết mang tính ràng buộc, và VietGAP là tiêu chuẩn phổ biến được áp dụng.

Tuy nhiên, đối với những hộ nông dân có diện tích nhỏ, lẻ (dưới 2 ha), nằm tách biệt vùng trồng trong khu vực thì tối thiểu phải tuân thủ việc thực hành sản xuất tốt (GAP) bằng nhật ký cây trồng. Ngành nông nghiệp cũng tổ chức đào tạo nông dân cách thức thực hành sản xuất tốt nhằm giúp người nông dân hiểu và thực hành được các tiêu chuẩn canh tác bắt buộc, giúp nông dân hiểu và tránh được vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản sau thu hoạch, giúp nông dân hiểu và có trách nhiệm với các giá trị do chính họ làm ra khi nông sản được chế biến tại nhà máy, được tiêu thụ khắp nơi trên thế giới và khi khách hàng trên thế giới truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

PV: Chúng ta phải làm gì để người dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình?

- Ông Trần Lưu Quang: Chúng ta chỉ có thể gọi là thị trường rau, củ, quả sạch khi các sản phẩm bán ra được công bố rõ tiêu chuẩn trồng trọt, tiêu chuẩn chế biến, các chứng chỉ được cấp và quan trọng nhất là có thể truy xuất được nguồn gốc.

Để làm được điều này, nông dân Tây Ninh ngoài việc tự phát triển vùng trồng (theo định hướng của ngành nông nghiệp), thì Nhà nước phải “bao sân, chống lưng” cho nông dân liên kết với doanh nghiệp. Dù các nhà đầu tư đang mang các ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp, đang mời chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc và đội ngũ kỹ sư nông nghiệp hàng đầu từ các trường đại học về nghiên cứu và làm việc với bà con nông dân, hợp tác xã ở Tây Ninh, nhưng mối liên kết này phải trong sự quản trị của chính quyền, lấy lợi ích nông dân làm trọng, kế đến là lợi ích nhà đầu tư

Trồng rau sạch theo mô hình VietGAP. Ảnh: Lê Văn Hải.

Tôi muốn nhắn nhủ các nhà đầu tư là, bên cạnh tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng và truy xuất hàng hoá, cần cam kết về sự minh bạch thông qua khâu kiểm soát chất lượng, bảo đảm không tồn dư các chất có hại như kháng sinh, carbendazim, nitrat, thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn có hại... (người tiêu dùng biết rõ sản phẩm được nuôi trồng và sơ chế theo phương pháp, tiêu chuẩn gì) và có thể truy xuất được nguồn gốc. Vì đây không chỉ là lợi ích của họ, mà còn là của nông nghiệp, nông thôn và nông dân Tây Ninh.

Chúng ta chỉ hạnh phúc khi thấy bà con nông dân mình hạnh phúc trên chính mảnh đất cha ông họ cày sâu cuốc bẫm qua hàng trăm năm tạo dựng, khai phá.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ!

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang và Phó Đô đốc Trần Hoài Trung- Bí thư Đảng uỷ,

Chính uỷ Quân chủng Hải quân ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển đảo. Ảnh: Đức An.

D.M.A

(thực hiện)