Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ quỹ Phòng giao dịch Long Hoa- Ngân hàng ACB
Chi nhánh Tây Ninh thụt két hơn 14 tỷ đồng
Chủ nhật: 03:45 ngày 28/08/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) – Cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh xác định, tính đến thời điểm ra đầu thú, Thanh đã chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng và 298 lượng vàng SJC tại kho quỹ của Phòng giao dịch Long Hoa. Trong số 298 lượng vàng, Thanh chỉ chiếm đoạt 133 lượng vàng, 165 lượng vàng còn lại thực tế Thanh chiếm đoạt bằng tiền (5,5 tỷ đồng) với thủ đoạn lập 11 hợp đồng cầm cố 15 lượng vàng, mỗi hợp đồng 500 triệu đồng như nêu trên. Như vậy, Thanh chiếm đoạt hơn 13,6 tỷ đồng và 133 lượng vàng SJC.

Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm.

Khi xảy ra vụ án, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh xác định 1 bị can phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và 2 bị can phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Sau đó, 2 cơ quan tố tụng này đã thay đổi tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và bổ sung tội danh “Che giấu tội phạm” đối với 2 bị can trên. Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm, Toà án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, toà án cấp sơ thẩm truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa có căn cứ.

Phạm tội lạm dụng tín nhiệm và vi phạm quy định về cho vay

Chiều 8.8.2016, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Công Thanh (SN 1976)- nguyên thủ quỹ Phòng giao dịch Long Hoa Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Chi nhánh Tây Ninh, phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời xét xử các bị cáo Trần Kim Thành (SN 1972)- nguyên trưởng bộ phận ngân quỹ, kiểm soát viên giao dịch và Võ Sỹ Lân (SN 1968)- nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Long Hoa - Ngân hàng ACB Chi nhánh Tây Ninh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Che giấu tội phạm”. HĐXX tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh và trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Tây Ninh điều tra lại vụ án.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ khi phát hiện hành vi phạm tội của các bị cáo, sau đó truy tố ra toà xét xử sơ thẩm, các cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh có những quan điểm khác nhau.

Cáo trạng số 23/QĐ/KSĐT-P1 ngày 7.11.2014 của VKSND tỉnh thể hiện nội dung vụ án như sau: Ngày 15.10.2013, Thanh đến Công an Hoà Thành đầu thú, thừa nhận có hành vi chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng và 298 lượng vàng SJC tại kho quỹ của Phòng giao dịch Long Hoa để sử dụng vào mục đích cá nhân. 

Theo quy định của Ngân hàng ACB Chi nhánh Tây Ninh, khi kết thúc ngày giao dịch, những người có trách nhiệm phải kiểm quỹ giữa lượng tiền, vàng tồn trên thực tế và trên phần mềm hệ thống quản lý mạng của hội sở. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 3.2012, Thanh đã nhiều lần lấy tiền của Phòng giao dịch rồi tự sửa chữa các chữ số trên bảng kê tồn quỹ cuối ngày; đồng thời Thanh cũng lấy một phần vàng trong các túi đựng (mỗi túi có 100 lượng vàng SJC).

Ngày 31.12.2012, Thanh đi dự tiệc nên Lân, Thành trực tiếp kiểm quỹ và phát hiện số tiền, vàng tồn tại quỹ ít hơn so với trên phần mềm quản lý là 1,6 tỷ đồng và hơn 270 lượng vàng SJC, nhưng vẫn báo kiểm quỹ đủ. Ngày 1.1.2013, Lân và Thành hẹn gặp Thanh để hỏi rõ việc hụt quỹ. Thanh thừa nhận có lấy số tiền, vàng nói trên. Lân, Thành đồng ý cho Thanh tự khắc phục, không báo ngân hàng cấp trên.

Tháng 9.2013, Ngân hàng ACB Chi nhánh Tây Ninh yêu cầu Phòng giao dịch Long Hoa cuối tuần phải chuyển vàng tồn tại kho quỹ về chi nhánh quản lý. Để che giấu số tiền, vàng chiếm đoạt, Thanh hạ lượng vàng tồn trên hệ thống máy tính bằng với lượng tồn tại kho quỹ. Thanh thông qua Thành thực hiện lệnh bán vàng rồi đem số vàng còn lại sau khi cân đối về nộp cho chi nhánh. Riêng phần tiền tồn tại quỹ được tăng lên, Phòng giao dịch giữ lại không nộp. Đến đầu tuần, để giảm lượng tiền mặt tồn tại Phòng giao dịch, Thanh lại thông qua Thành dùng lệnh mua vàng để cân đối lượng vàng, tiền tồn tại quỹ và trên hệ thống.

Từ ngày 13 đến ngày 17.9.2013, Thanh lập 11 hợp đồng, mỗi hợp đồng cầm cố 15 lượng vàng, dùng để vay 500 triệu đồng. Các giao dịch này được Thanh lập khi không có mặt khách hàng tại Phòng giao dịch. Thanh nhận số tiền 5,5 tỷ đồng để chi cho 11 khách hàng đứng tên vay (là những người bạn và vợ của Thanh). Việc làm này được Lân cho phép. Thực chất, những khách hàng đứng tên vay trên 11 hợp đồng này đều không có vàng cầm cố làm tài sản bảo đảm.

Ngày 27.9.2013, Ngân hàng ACB Chi nhánh Tây Ninh tiến hành kiểm quỹ. Sau khi cân đối, quỹ còn hụt tiền mặt 3,7 tỷ đồng. Lân, Thành dùng sổ tiết kiệm của người thân lập hợp đồng thế chấp làm tài sản bảo đảm vay số tiền 2,2 tỷ đồng nhằm hạ số tiền mặt tại kho quỹ để tránh bị phát hiện hụt quỹ. Còn Thanh nộp vào 1,5 tỷ đồng nhập quỹ, nên sau khi kiểm toán, Phòng giao dịch và Ngân hàng ACB Chi nhánh Tây Ninh xác định quỹ đủ. Ngày 28.9.2013, Lân và Thành làm thủ tục thanh lý 3 hợp đồng vay 3 sổ tiết kiệm nêu trên.

Cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh xác định, tính đến thời điểm ra đầu thú, Thanh đã chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng và 298 lượng vàng SJC tại kho quỹ của Phòng giao dịch Long Hoa. Trong số 298 lượng vàng, Thanh chỉ chiếm đoạt 133 lượng vàng, 165 lượng vàng còn lại thực tế Thanh chiếm đoạt bằng tiền (5,5 tỷ đồng) với thủ đoạn lập 11 hợp đồng cầm cố 15 lượng vàng, mỗi hợp đồng 500 triệu đồng như nêu trên. Như vậy, Thanh chiếm đoạt hơn 13,6 tỷ đồng và 133 lượng vàng SJC.

Với những sai phạm trên, VKS truy tố Nguyễn Công Thanh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 140 BLHS; Võ Sỹ Lân, Trần Kim Thành bị truy tố về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Khoản 3 Điều 179 BLHS.

Tuy nhiên, sau đó hồ sơ được Toà án trả về VKS. Ngày 6.7.2015, VKS đã thay đổi Cáo trạng số 23/QĐ/KSĐT-P1 bằng Cáo trạng số 09/QĐ/KSĐT-P3 truy tố Thanh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 140 BLHS; truy tố Lân, Thành về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 140 BLHS và tội “Che giấu tội phạm” theo quy định tại Khoản 2 Điều 313 BLHS. Phần kết luận của bản cáo trạng này, VKS xác định: Tính đến ngày 31.12.2012, Thanh chiếm đoạt 1,6 tỷ đồng và 270 lượng vàng SJC, tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng. Biết Thanh chiếm đoạt số tiền, vàng, nhưng Lân với chức vụ giám đốc, Thành với chức vụ Trưởng bộ phận ngân quỹ, kiểm soát viên phòng giao dịch đã không trình báo, không có biện pháp ngăn chặn mà đồng ý cho Thanh tự khắc phục. Sau đó, Lân và Thành còn giúp sức, tạo điều kiện để Thanh tiếp tục chiếm đoạt của Phòng giao dịch Long Hoa Ngân hàng ACB Chi nhánh Tây Ninh số tiền hơn 4 tỷ 499 triệu đồng, thông qua 11 hợp đồng khống.

Trả hồ sơ điều tra lại

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 14.8.2015, luật sư Trần Thanh Hà (Đoàn Luật sư Tây Ninh - bào chữa cho bị cáo Lân, Thành) cho rằng, Thành, Lân là nạn nhân trong vụ án. Lân, Thành không chiếm đoạt tài sản. Khi Lân, Thành phát hiện Thanh thụt quỹ, Thanh “thêu dệt” phương án khắc phục hậu quả nên Lân, Thành nghe theo. Toàn bộ số tiền, vàng Thanh chiếm đoạt, Thanh thừa nhận và chịu trách nhiệm một mình, nên Lân và Thành không phải chịu trách nhiệm. Luật sư Vương Sơn Hà (Đoàn Luật sư Tây Ninh - bào chữa cho bị cáo Thành) cho rằng Thành bị truy tố tội “Che giấu tội phạm” với tình tiết lợi dụng quyền hạn, trong khi bị cáo Thành không phải là người được bổ nhiệm, nên đề nghị áp dụng Khoản 1 Điều 313 BLHS đối với bị cáo Thành. Luật sư Vương Sơn Hà cũng cho rằng, bị cáo Thành không có ý thức chiếm đoạt tiền, vàng của ngân hàng, nên truy tố Thành phạm tội như cáo trạng là chưa vững chắc. Bị cáo Lân và Thành chỉ là thiếu trách nhiệm khi làm việc, nhưng Ngân hàng ACB là doanh nghiệp tư nhân nên không phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Luật sư Lê Minh Tuấn (Đoàn Luật sư Long An – bào chữa cho bị cáo Thanh) cho rằng, bị cáo Thanh tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã giao tài sản để khắc phục hậu quả… nên đề nghị HĐXX xử bị cáo mức án tù có thời hạn.

HĐXX của TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Công Thanh tù chung thân về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Trần Kim Thành 9 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Che giấu tội phạm” (8 năm tội lạm dụng tín nhiệm, 1 năm tội che giấu tội phạm); bị cáo Võ Sỹ Lân 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Che giấu tội phạm” (10 năm tù tội lạm dụng tín nhiệm, 2 năm tù tội che giấu tội phạm). Bị cáo Thanh có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng trên 9,1 tỷ đồng và 133 lượng vàng. Bị cáo Thanh, Lân, Thành có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ngân hàng gần 4,5 tỷ đồng

Tại phiên toà phúc thẩm, HĐXX của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh nhận định rằng VKS Tây Ninh truy tố hai bị cáo Thành và Lân về tội “Che giấu tội phạm” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc VKS Tây Ninh truy tố các bị cáo này tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa có căn cứ. Vì vậy, HĐXX TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thành và Lân, tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Tây Ninh điều tra lại.

ĐỨC TIẾN

Ý KIẾN ÔNG VÕ VĂN TÀI- THẠC SĨ, GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ KIỂM SÁT TẠI TP.HỒ CHÍ MINH:

Từ nội dung vụ án mà phóng viên cung cấp, tôi nhận thấy vụ án có những vấn đề như sau:

Tính đến ngày 31.12.2012, Nguyễn Công Thanh lợi dụng quá trình được giao nhiệm vụ làm thủ quỹ, đã chiếm đoạt của Ngân hàng ACB số tiền 1,6 tỷ đồng và 270 lượng vàng SJC, tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng. Hành vi phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” này của Thanh không liên quan bị cáo Trần Kim Thành và Võ Sỹ Lân. Khi biết Thanh chiếm đoạt số tiền, vàng nhưng Lân với chức vụ giám đốc, Thành với chức vụ Trưởng bộ phận ngân quỹ, kiểm soát viên phòng giao dịch đã không trình báo, không có biện pháp ngăn chặn mà đồng ý cho Thanh hợp thức hoá các chứng từ, sổ sách cho khớp với số tiền thực tế để Thanh có thời gian tự khắc phục là hành vi “che giấu tội phạm”.

Từ ngày 13.9 đến ngày 17.9.2013, Thanh lập 11 hợp đồng, mỗi hợp đồng cầm cố 15 lượng vàng, dùng để vay 500 triệu đồng. Các giao dịch này được Thanh lập khi không có mặt khách hàng tại Phòng giao dịch. Phòng giao dịch đã để cho Thanh nhận số tiền 5,5 tỷ đồng để chi cho 11 khách hàng đứng tên vay là những người bạn và vợ của Thanh. Việc làm này được Lân cho phép, sau đó, Thanh đến nhà khách hàng ký tên, nhận vàng gửi của khách hàng đem về Phòng giao dịch nộp, Thành và Lân không kiểm tra mà vẫn ký biên bản. Nhưng khi Thanh lập 11 hợp đồng khống này, Thành và Lân không hề biết, số tiền gần 5 tỷ đồng trên Thanh cũng đã chiếm đoạt từ trước, vì vậy quy kết Trần Kim Thành, Võ Sỹ Lân là đồng phạm với bị cáo Thanh trong việc chiếm đoạt số tiền 5,5 tỷ đồng là chưa thoả đáng. Bởi vì:

- Khi quy kết bị cáo Thành và Lân là đồng phạm với bị cáo Thanh, cơ quan chức năng phải chỉ ra bị cáo Thành, Lân có vai trò gì trong quá trình bị cáo Thanh thực hiện hành vi chiếm đoạt và nhận thức của hai bị cáo ấy như thế nào? Rõ ràng trong vụ án, cơ quan chức năng chưa làm rõ: Trước và trong lúc bị cáo Thanh lập 11 hợp đồng khống, Thành, Lân biết được và tiếp nhận ý chí chiếm đoạt của Thanh; quá trình Thanh thực hiện việc chiếm đoạt số tiền 5 tỷ đồng trên thực tế, hai bị cáo Thành, Lân cũng không có bất kỳ hành vi gì gọi là xúi giục, giúp sức hay tổ chức cho Thanh. Căn cứ lý luận về đồng phạm quy định tại Điều 20 BLHS, việc quy kết bị cáo Thành, Lân là đồng phạm với bị cáo Thanh chiếm đoạt số tiền đó là chưa vững chắc.

 - Hơn nữa, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát xác định Trần Kim Thành và Võ Sỹ Lân không hưởng lợi, không biết việc chiếm đoạt tiền của Thanh cũng có vấn đề cần suy ngẫm. Vì tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 140 BLHS là tội phạm có tính chất chiếm đoạt. Có nghĩa người bị xem là phạm vào tội này phải có động cơ và mục đích vụ lợi. Hai bị cáo Thành và Lân không có động cơ và mục đích trên thì không thể nói hành vi của hai bị cáo đã thoả mãn lý luận cấu thành của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, theo tôi, việc HĐXX của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh nhận định rằng, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tỉnh Tây Ninh xử lý hai bị cáo Thành và Lân về tội “Che giấu tội phạm” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; còn tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa có căn cứ.

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục