Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chỉ số Chuyển đổi số năm 2022: Tây Ninh xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố
Thứ sáu: 09:15 ngày 28/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả chuyển đổi số (DTI) năm 2022. Theo đó, Tây Ninh xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 0,5638 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 44 với 0,3426 điểm).

VNPT Tây Ninh tham gia triển lãm, tư vấn trao đổi trực tiếp các mô hình, giải pháp công nghệ tại một hội nghị về chuyển đổi số của tỉnh.

Căn cứ theo kết quả, xếp hạng theo 3 trụ cột, tỉnh đã cải thiện tốt thứ hạng cũng như điểm số về chính quyền số (xếp thứ 31/63 tỉnh thành với 0,66 điểm) và kinh tế số (xếp thứ 33/63 tỉnh, thành với 0,5612 điểm). Riêng xã hội số xếp thứ 47/63 tỉnh, thành với 0,1089 điểm dưới mức 0,5 điểm). Điều đó cho thấy, năm 2023, tỉnh cần cải thiện thứ hạng và điểm số trụ cột xã hội số.

Năm 2023, để tiếp tục cải thiện chỉ số DTI, tỉnh tập trung các giải pháp trên cả 3 trụ cột. Đối với chính quyền số, tỉnh chỉ đạo cơ quan liên quan đơn giản hoá giao diện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận; nâng cấp Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng cổng dữ liệu mở của tỉnh và kết nối với cổng dữ liệu mở quốc gia, đưa các dữ liệu mở của tỉnh lên cổng và tham mưu ban hành quy định chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp; triển khai đầy đủ và hiệu quả việc liên thông các dịch vụ dữ liệu từ LGSP qua NDXP để khai thác các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành ở Trung ương; chủ trì tham mưu xây dựng mới các nền tảng gồm: nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của chính quyền số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rà soát, công bố lại danh mục thủ tục hành chính thực hiện toàn trình, góp phần tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC.

Về kinh tế số, tỉnh ban hành kế hoạch thúc đẩy, xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số, tiếp cận và tham gia chương trình SMEdx; triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; sử dụng tên miền .vn; xác định tổng kinh phí đầu tư cho kinh tế số hằng năm; có giải pháp thúc đẩy và xác định tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử hằng năm; thúc đẩy nhanh việc giao dịch trên sàn thương mại điện tử vỏ sò và Postmart, nhằm tăng tỷ lệ các giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Về hoạt động xã hội số, tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng ở cấp xã, ấp và tổ dân cư; tăng cường các giải pháp tạo sự thuận lợi cho người dân tham gia giải quyết các vấn đề của địa phương trên nền tảng số, không gian mạng. Hướng dẫn, tập huấn, phổ biến kiến thức về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; kiến thức về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; xây dựng giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số và kinh doanh số. Các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề góp ý, thắc mắc của người dân chất lượng, kịp thời tạo niềm tin cho người dân tham gia xây dựng chính quyền và giải quyết các vấn đề của địa phương trên nền tảng số, không gian mạng nhiều hơn.

BCXB

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục