Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Chí thú làm ăn
Thứ bảy: 07:34 ngày 03/07/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chỉ sau vài năm chí thú làm ăn, vợ chồng anh Cồn đã “xoá” được mái nhà tranh vách đất bằng nhà ngói nền gạch tàu, bây giờ là căn nhà tường mới khang trang.

Hạ tuần tháng 6, chúng tôi có dịp đến Tổ Dân cư tự quản số 6, ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang (Gò Dầu) thăm gia đình anh Phạm Văn Cồn (48 tuổi) và chị Lê Ngọc Hảo (46 tuổi). Anh Cồn vừa mới cất được căn nhà tường khang trang, bên cạnh đó là căn nhà ngói cũ, được dùng làm nhà kho chứa vật tư nông nghiệp.

25 năm về trước, sau gần 4 năm tham gia Thanh niên xung phong, anh Cồn về quê lập gia đình. Lúc mới ra riêng, cha mẹ chia cho anh được 2 công ruộng trên cánh đồng ấp Cẩm Bình. Nhờ được rèn luyện trong môi trường Thanh niên xung phong nên anh Cồn chí thú lao động, ngoài thời gian làm ruộng, anh Cồn còn phụ vợ nuôi heo. Rượu chè, bài bạc anh Cồn không hề đụng đến. Còn chị Hảo, từ khi chưa có con cho đến khi tay ẵm, tay bồng, lúc nào chị cũng chăm chút vào trã rượu và bầy heo. Trã rượu của chị quanh năm đỏ lửa, trong chuồng thì lúc nào cũng có trên chục con heo thịt. Với mô hình “khép kín” là sản xuất ra lúa gạo, lấy gạo đó nấu rượu, nuôi heo, bán heo lấy tiền mua phân tro bón ruộng. Cứ thế xoay vòng, không phải mua gạo mắc hay mua phân bón chịu với giá cao nên mỗi thứ lời ra một ít, vợ chồng anh tích luỹ dần. Hễ nghe bà con nào trên cánh đồng kêu bán ruộng là anh hỏi mua. Không đủ tiền mua, anh chị vay mượn để mua.

Hằng ngày anh Cồn (bên phải) chăm sóc ruộng lúa

Chỉ sau vài năm chí thú làm ăn, vợ chồng anh Cồn đã “xoá” được mái nhà tranh vách đất bằng nhà ngói nền gạch tàu, bây giờ là căn nhà tường mới khang trang. Từ 2 công ruộng ban đầu, đến nay vợ chồng anh Cồn đã mua thêm được 3 ha ruộng và một miếng đất trồng cây ăn trái. Không chỉ lao động giỏi, anh Cồn, chị Hảo còn nuôi dạy các con nên người. Bốn cô con gái của anh Cồn đều được học hành, một người đã tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp và có việc làm.

Những năm gần đây, giá lúa, giá thịt heo lên xuống thất thường, đa phần những người làm ruộng, nuôi heo từ huề vốn đến lỗ và không ít nông dân phải đổ nợ vì làm ruộng, nuôi heo. Vậy mà ngược lại, gia đình anh Cồn, chị Hảo lại vươn lên từ nghề làm ruộng, nuôi heo. Theo anh Cồn: “Chẳng có bí quyết gì cả, trước hết tôi luôn xem làm ruộng là một nghề sinh sống, phải biết lấy công làm lời, siêng năng chăm chút mảnh ruộng của mình. Không những thế, tôi còn phải chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng”. Trình độ học vấn mới chỉ hết lớp 5, song anh Cồn rất chịu khó dự các lớp khuyến nông do ngành chuyên môn tổ chức, chịu khó đọc, nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, anh áp dụng vào đồng ruộng của mình. Cũng nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nên năng suất lúa trên cánh đồng do anh sản xuất luôn đạt cao hơn nhiều người khác. Những năm gần đây vào vụ đông xuân, anh chuyên sản xuất lúa giống. Lúa giống của anh Cồn làm ra không đủ bán cho nông dân. Không chỉ bán lúa giống, anh Cồn còn tận tình hướng dẫn bà con nông dân những kinh nghiệm sản xuất đạt năng suất cao của mình. Nhờ lúa luôn đạt năng suất cao, đầu tư nhẹ vốn hơn nhiều người khác (vì anh biết áp dụng phương pháp 3 tăng, 3 giảm) nên lãi suất từ ruộng lúa của anh thường cao hơn nhiều nông dân khác. Chị Hảo cho biết thêm, tuy giá heo thịt lên xuống thất thường nhưng chị không nản lòng, hơn 20 năm qua, chị chưa bao giờ bỏ trống chuồng heo. Nhờ tận dụng phế phẩm từ lò nấu rượu, chi phí “đầu vào” cho heo thấp nên từ trước đến nay gia đình anh chị chưa bao giờ bị lỗ từ việc chăn nuôi heo. 

Nhờ siêng năng cần mẫn, chí thú lao động sản xuất, lại biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi nên gia đình anh Cồn, chị Hảo từ khó khăn ban đầu đã vươn lên là gia đình nông dân khá giả ở địa phương.

VĂN THA - DUY HUÂN

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục