Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đôi vợ chồng già ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng và một gia đình ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành đang gặp nhiều khó khăn.

Tuổi già khốn khó
Vừa qua, chúng tôi đã đến thăm gia đình ông Ngô Văn Bửu, 62 tuổi và bà Phạm Thị Hiệp, 59 tuổi, ngụ tổ 12, ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc (Trảng Bàng).
![]() |
Bà Hiệp đang chăm sóc chồng |
Trong căn nhà tôn cũ, nền đất, vách bồ có nhiều chỗ hư hỏng, ông Bửu đang nằm bất động trên chiếc giường tre, mặt mày hốc hác, thân thể gầy còm. Bà Hiệp cho biết, ông Bửu bị bệnh tai biến mạch máu não phải nằm một chỗ từ cuối năm 2007 đến nay. Gia đình bà không có tài sản gì, trừ miếng đất để ở. Trước đây khi còn khoẻ mạnh, vợ chồng bà làm thuê đủ việc để nuôi thân và nuôi con. Các con bà đều có gia đình riêng và cũng nghèo nên chẳng giúp đỡ gì được cho cha mẹ. Gia đình bà Hiệp được xếp vào diện hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, được hưởng trợ cấp thường xuyên của Nhà nước. Chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện cũng đã giúp đỡ gia đình bà phần nào. Tuy nhiên, do bệnh của ông Bửu kéo dài và ngày càng nặng hơn, phải tốn kém nhiều nên cuộc sống ngày càng khó khăn.
Hằng ngày, bà Hiệp vẫn phải đi làm thuê đủ việc để kiếm cái ăn cho gia đình, và lo chạy thuốc cho chồng. Công việc làm thuê ở nông thôn lúc có lúc không, bà đã thiếu nợ khoảng 20 triệu đồng, hiện không còn vay mượn được nữa. Hoàn cảnh của ông Bửu, bà Hiệp đang rất cần sự chia sẻ của quý bạn đọc hảo tâm gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ trên hoặc Toà soạn Báo Tây Ninh.
N.H
Cả nhà cùng khổ
Gia đình bà Nguyễn Thị Lưới, sinh năm 1948, hiện sống tại tổ 1b, ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Trước đây, bà Lưới làm nghề hộ lý tại Trung tâm Phòng chống lao. Sau đó, bà bị tai nạn giao thông, bị tai biến nên xin nghỉ việc ở nhà. Mấy năm nay, bà Lưới ngồi trên xe lăn, hai tay run cầm cập, mọi sinh hoạt của bà phải trông chờ vào người con gái.
![]() |
Bà Lưới và cháu Đức |
Con gái của bà Lưới là chị Nguyễn Thị Ngọc. Chị Ngọc có đứa con tên là Dương Tài Đức, sinh năm 2001, bị bệnh loãng xương chân trái. Gia đình đã đưa Đức xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM mổ 4 lần, chi phí hết 30 triệu đồng. Số tiền này do chị Ngọc vay ngân hàng, bà con lối xóm. Theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, 6 tháng 1 lần chị Ngọc phải đưa cháu Đức đi khám định kỳ. Nhưng hiện nay quá 3 tháng mà gia đình chị Ngọc, cái ăn còn chưa đủ thì có tiền đâu để tiếp tục đưa con đi TP.HCM tái khám. Chị Ngọc cũng muốn đi làm mướn để có thêm thu nhập, nhưng hoàn cảnh gia đình neo đơn. Chị nhận hạt điều gia công tại nhà, mỗi ngày chỉ kiếm được hơn 10.000 đồng vì phải còn chăm sóc mẹ già bị bệnh. Cháu Đức tuy bị bệnh nhưng vẫn thích đi học. Khổ thay đôi chân của em không được bình thường, ba của em đã làm đôi nạng giả bằng tre để cho em đi lại. Vào đầu năm học mới, bà con lối xóm tốt bụng đem đến cho Đức quần áo mới để Đức đến trường mà không phải tủi thân với bạn bè. Để đôi chân của cháu Đức đi lại bình thường, gia đình chị Ngọc cần phải có 70 triệu đồng để phẫu thuật lại, số tiền này nằm ngoài tầm tay của gia đình.
Khó khăn chồng chất khó khăn lên gia đình chị Ngọc khi mới đây chồng chị đi làm mướn không may bị té gãy chân. Cả nhà chỉ còn trông chờ vào số tiền làm hạt điều gia công của chị. Chồng chị Ngọc từ khi bị tai nạn, sức khoẻ giảm nhiều, công việc bấp bênh, tằn tiện lắm mới đủ cơm ngày 2 bữa. Mong rằng các tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm gần xa mở rộng lòng nhân ái cứu giúp gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc.
Quang Huy