Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Hải ước mơ: “Hiện giờ, tôi mong làm sao có được vài tấm tôn và một bộ cột để cất lại căn nhà khác, thay cho căn nhà sắp sập này”.

Cơn mưa chiều rả rích, ông sửa tấm bạt ni lông che trên nóc nhà cho nước khỏi dột ướt chỗ chiếc võng. Nhưng rồi mưa càng lúc càng nặng hạt, nước từ nhỏ giọt chuyển sang chảy thành dòng, ướt hết cả võng. Ông e ngại mời tôi ngồi trên giường trong căn nhà ọp ẹp để trò chuyện. Đấy là cảnh tượng đầu tiên tôi gặp khi ghé thăm ông Huỳnh Văn Hải (55 tuổi, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu).
Quê ông Hải ở Bến Tre. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông đến Tây Ninh lập nghiệp. Cuộc sống ở vùng đất mới chưa quen thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Ông tình nguyện vào Thanh niên xung phong, ra chiến trường lo việc cáng thương, tải đạn.
|
Ông Hải trước căn nhà cũ kỹ của mình |
Năm 1981, khi chiến trường im tiếng súng, ông Hải về Tân Châu sinh sống. Ông xin vào làm công nhân ép mía của lò đường C300 ở xã Thạnh Đông. Ba năm sau, ông lấy vợ. Vài năm sau, bà Nguyễn Thị Bánh- vợ ông mang thai. Niềm vui chưa kịp hưởng thì thai nhi đã chết khi chưa kịp chào đời. Lúc ấy, lại phát hiện thêm bà mắc bệnh loãng xương nghiêm trọng. Ông Hải nghẹn ngào kể: “Vợ tôi 13 lần bị gãy tay, gãy chân. Không có tiền đi bệnh viện chữa trị nên cứ để ở nhà tự kiếm thuốc nam về băng bó. Vợ tôi còn mắc thêm bệnh suy thận mãn tính, cuối cùng đã qua đời vì không có tiền chạy thận nhân tạo”.
Căn bệnh của vợ kéo dài khiến gia cảnh ông Hải vốn đã nghèo lại càng thêm khánh kiệt. Không có ruộng vườn, hằng ngày ông kiếm sống bằng nghề làm thuê. “Nhưng công việc không có thường xuyên, cả tháng mới có việc làm một ngày. Những lúc không có việc làm, tôi phải đến nhà nhỏ em xin gạo về ăn”- ông thổ lộ.
Căn nhà nhỏ của ông Hải cất nhờ trên đất công của xã từ năm 2002 đến nay đã rách nát. Ông chỉ biết chống chọi bằng cách xin ván tạp và vỏ bao xi măng về che chắn lại cho bớt mưa tạt gió lùa. Ông kể: “Khi vợ tôi còn sống, Hội Cựu Thanh niên xung phong của huyện có cho 10kg gạo cùng dầu ăn, bột ngọt một lần. Vào những dịp lễ, tết xã cũng cho phiếu lãnh quà từ thiện. Năm 2009, xã có xét cho cất nhà đại đoàn kết nhưng bảo tôi phải có đất riêng, chứ không thể cất nhà trên đất công của xã. Nhưng nghèo như tôi làm gì có tiền mua được đất thổ cư?”.
Ông Hải ước mơ: “Hiện giờ, tôi mong làm sao có được vài tấm tôn và một bộ cột để cất lại căn nhà khác, thay cho căn nhà sắp sập này”.
THẢO NGUYÊN