Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Chích cá dưới… kênh
Thứ bảy: 11:02 ngày 14/05/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong số cá được bày bán, có một lượng cá không nhỏ có nguồn gốc từ cá được Nhà nước thả bổ sung vào hồ Dầu Tiếng hằng năm như cá lăng nha.

Thời gian gần đây, trên đường 781, đoạn đang thi công nâng cấp, từ cầu K13 tới gần miễu Ông Tà (xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu), vào thời điểm từ 15 giờ trở đi thường có một số người ngồi bên lề đường bán các loại cá, cua, lươn được bắt từ môi trường thiên nhiên. Nhiều người đi lại trên đoạn đường này thường dừng xe, ghé vào mua cá, cua mang về làm bữa tối. Người tinh ý, biết chắc đây là cua, cá đồng, hoàn toàn từ môi trường thiên nhiên, chứ không phải các loài thuỷ sản được nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Do vậy, tuy cá nhỏ con, giá cả khá cao nhưng mọi người vẫn mua mà không mặc cả, trả giá.

Các loại cá, cua được đánh bắt bằng xung điện bày bán công khai

Chiều ngày 11.5.2011, trên đường từ Bàu Năng về Dương Minh Châu, tôi và một người bạn ghé vào một điểm bán cá của vợ chồng chị N.T.T. Hai chúng tôi là người đầu tiên hỏi mua mở hàng, vì hai vợ chồng chị N.T.T vừa đổ cá, cua từ các loại bao, giỏ, thùng ra các thau để bày bán. Gần chục loại đồ nghề, mỗi loại đựng một loài: Nào cá lóc đen, cá lăng nha, cá rô biển, cá trắng (mè lúi, ba kỳ, rô phi…) và cả một thau cua đồng, con nào con nấy to bằng nắm tay. Tôi hỏi giá, được trả lời: Cá lóc, cá lăng 70.000 đồng/kg (con to nhất 200 gam); cá rô biển con to nhất bằng 3 ngón tay, giá 35.000 đồng/kg; cá trắng(đủ loại, con to nhất bằng 3 ngón tay) giá 25.000 đồng/kg; cua đồng giá 25.000 đồng/kg. Tôi hỏi, cá nuôi ao, đầm hay cá hồ Dầu Tiếng? Cả hai vợ chồng cùng trả lời: “Cá đồng, bắt dưới kênh”. Bắt bằng lưới gì mà đủ cỡ cá, còn cả cua, tôm nữa- Tôi hỏi tiếp. Anh chồng thản nhiên trả lời: “Bắt bằng chích điện”. Tôi bằng lòng mua con cá lóc đen và mớ cá rô biển, cả hai loại chỉ vừa đủ 0,5kg, giá 41.000 đồng, xin bớt 1 nghìn đồng vì không có tiền lẻ, chị vợ dứt khoát không chịu, chị lấy lại 1 con cá rô biển.

Vợ chồng chị N.T.T cho biết, muốn được tự do “chích” cá ở các đoạn kênh có nhiều cá (khi công ty đóng cống nước kênh rút cạn) cũng phải chi phí cho “cò” mới được làm. Ngày “trúng mánh” hai vợ chồng cũng thu được hơn chục kg cá, cua các loại, gặp khách mua nhiều, có ngày cũng thu được từ 400 đến 500.000 đồng.

Qua quan sát, chúng tôi thấy trong số cá mà vợ chồng N.T.T bày bán, có một lượng cá không nhỏ có nguồn gốc từ cá được Nhà nước thả bổ sung vào hồ Dầu Tiếng hằng năm như cá lăng nha. Có lẽ vì loài cá này ưa môi trường nước chảy, nên chúng đã bơi qua các miệng cống ra kênh và bị bắt khi chưa trưởng thành. Hầu hết các loài cá đã trưởng thành, dù kích cỡ nhỏ nhưng con nào cũng mang một bụng trứng, chuẩn bị đến thời kỳ sinh sản.

Thiết nghĩ, các tuyến kênh chính, cũng là môi trường thuận lợi cho các loài thuỷ sản sinh sản, phát triển, nhất là các loài cần có môi trường nước chảy. Việc quản lý, bảo vệ và khai thác thuỷ sản trên hệ thống kênh, mương cũng cần có sự quản lý chặt chẽ; không thể để xảy ra tình trạng người dân sử dụng các loại phương tiện có tính huỷ diệt để đánh bắt thuỷ sản bừa bãi như thế được.

NGUYỄN CÔNG DÂN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục