Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bút xanh
Chiếc áo tuổi thơ
Chủ nhật: 10:17 ngày 18/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những buổi trưa hè đầy nắng, má tôi thường ngồi bên cửa sổ cặm cụi vá đồ, đôi kính trễ xuống sống mũi vì mắt đã kém nhưng đôi tay vẫn còn khéo léo xỏ từng đường kim mũi. Má tôi chỉ học lóm chuyện may vá khi còn trẻ từ cụ bà hàng xóm làm nghề vá đồ. Thời của má, quần áo có rách cũng không vứt đi mà vá lại để mặc tiếp.

Những buổi trưa hè đầy nắng, má tôi thường ngồi bên cửa sổ cặm cụi vá đồ, đôi kính trễ xuống sống mũi vì mắt đã kém nhưng đôi tay vẫn còn khéo léo xỏ từng đường kim mũi. Má tôi chỉ học lóm chuyện may vá khi còn trẻ từ cụ bà hàng xóm làm nghề vá đồ. Thời của má, quần áo có rách cũng không vứt đi mà vá lại để mặc tiếp.

Khi tôi còn nhỏ, nhà không khá giả nên toàn mặc đồ do má tự cắt may cho, ít khi được đi đo may ở tiệm. Lúc học tiểu học, trường không bắt buộc mặc đồng phục nên áo quần mặc ở nhà vẫn có thể mặc đi học. Đồ tuy cũ nhưng lành lặn, nếu có rách đôi chút thì má cũng vá lại rất khéo và đẹp. Tôi nhớ những giờ ra chơi vào căn-tin mua nước uống, cô bán hàng nhìn ngắm tôi một hồi lâu rồi kéo lại gần săm soi những đường may dưới thân áo, cô hỏi: “Áo con may ở đâu?”.

Tôi thường cười rồi bảo: “Quần áo toàn do má con may chứ không đi tiệm”. Cô bán hàng cứ chậc lưỡi, xuýt xoa: “May khéo quá hén mà kiểu cũng đẹp. Không giống ai hết”. Ý cô nói đồ không “đụng” hàng nhưng khi ấy tôi không hiểu lắm và cũng không cảm thấy có gì đặc biệt. Có lần cô hỏi mượn cái áo của tôi để làm mẫu may theo.

Sau này lớn lên một chút, tôi mới để ý coi má may đồ như thế nào. Má lấy bộ quần áo cũ của chị em tôi đo ni trên giấy rồi vẽ bằng phấn may, cứ nhắm chừng vậy thôi chứ không đo bằng thước dây. Má ướm thử mẫu giấy trên vải rồi cắt và may hoàn toàn bằng tay. Vậy mà bộ đồ nào cũng vừa vặn. Về sau, má dành dụm được ít tiền mua một cái máy may cũ, đường may có đẹp hơn.

Quần áo của chị em tôi cũng đều được má tự vẽ kiểu và may như thế, kể cả đồng phục đi học thời cấp hai. Lên đến cấp ba phải mặc áo dài thì má không còn tự may nữa mà phải đến tiệm may chuyên nghiệp. Má bắt đầu bận rộn hơn với công việc mua bán của gia đình do nhu cầu ăn học của chị em tôi đã tăng lên. Tôi hay lấy vải vụn và kim chỉ của má bắt chước may đồ cho búp bê.

Bây giờ cuộc sống đã tiện nghi hơn nhiều. Ở bất cứ nơi nào cũng có cửa hàng quần áo với nhiều kiểu thời trang bắt mắt và tiện lợi. Hầu như không còn ai mặc quần áo cũ đến nỗi rách phải vá lại như xưa. Nhưng trong nhà tôi, má vẫn cứ trang bị một cái giỏ nhỏ bằng mây đựng đủ thứ kim và chỉ đủ màu để đính cúc áo bị rơi hay khâu lại đường may sút chỉ.

Đôi lúc rảnh rỗi má lại cặm cụi may một chiếc áo gối mới hay sửa lại chiếc áo may không vừa ý. Má thường hay nhắc về những ngày thơ ấu, về những chiếc áo đơn sơ má may bằng tay dưới ánh đèn dầu mờ mờ để nhớ mãi một thời còn khó khăn thiếu thốn. Với tôi là cả bầu trời ký ức trong veo, ngọt ngào. Ước cho thời gian chầm chậm trôi để má còn khoẻ mạnh, mắt còn tinh anh vui cùng con cháu. Lòng tôi luôn an yên khi từng ngày bình thản trôi qua nhìn thấy dáng ngồi quen thuộc thân thương của má.

NGUYỄN HỒNG VÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục